Đừng nói hoài mà không làm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cổ phần hóa, đa dạng hóa nguồn phát điện là câu chuyện đã nói từ lâu, cũng là bài toán được đưa ra bàn để tìm cách tháo gỡ.
Tuy nhiên, đến hiện tại, về mặt bản chất, hầu như mục tiêu đưa tư nhân tham gia sâu vào ngành điện vẫn chưa làm được nhiều như kỳ vọng. Dự thảo đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có thể giúp nuôi lại hy vọng đó, tuy muộn nhưng vẫn còn kịp.
Trong lĩnh vực năng lượng, do đặc thù bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, độc quyền trong lĩnh vực truyền tải cần được duy trì. Tuy nhiên, với các lĩnh vực phát điện, dịch vụ..., không có lý do để từ chối cổ phần hóa, tư nhân hóa với mục đích tăng cạnh tranh, giảm giá thành, tạo nhiều hơn nữa lợi ích cho phía người tiêu dùng. Đây cũng là định hướng phù hợp với xu thế chung của kinh tế thị trường trên thế giới.
Tuy không phải là những đề xuất mới, mang tính đột phá bởi đã có thông lệ trên thế giới nhưng dự thảo đưa ra những định hướng chưa từng được thực hiện ở Việt Nam. Sẽ không tránh khỏi những khó khăn, cản trở tiến độ cổ phần hóa, tư nhân hóa. Không quyết liệt và rốt ráo với mục tiêu đã đề ra thì không loại trừ khả năng thất bại hoặc không đạt được kỳ vọng.
Để thực hiện được, cần xây dựng lộ trình cụ thể, bài bản với từng lĩnh vực điện, từng nguồn phát để có phương án bán vốn hoặc bán dự án phù hợp. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách và các giải pháp đồng bộ để sau khi dự án được bán cho tư nhân, nhà đầu tư có đủ điều kiện, sự thông thoáng trong môi trường để vận hành dự án hiệu quả. Nếu sở hữu dự án nhưng vận hành, hoạt động vẫn còn bị ràng buộc bởi nhà nước, chủ đầu tư sẽ không phát huy được hết năng lực, lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả chung.
Ngoài ra, dự án điện không thể coi là món hàng hóa thông thường. Việc xây dựng phương án bán nhà máy điện chắc chắn sẽ phức tạp hơn dự án ở các lĩnh vực khác. Đặc biệt, dù tư nhân đã "nhảy" vào đầu tư khá lớn ở ngành điện nhưng chủ yếu là đầu tư ban đầu, góp vốn, riêng việc bán lại toàn bộ dự án vẫn chưa có tiền lệ. Do vậy, trước khi bàn đến chuyện bán dự án, cổ phần hóa, cần rà soát lại các quy định pháp luật để kiểm soát chặt chẽ tài sản nhà nước, tránh gây mất vốn trong bối cảnh nợ công đã tăng cao, ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp và gánh nặng các dự án thua lỗ ngày càng nặng nề. Siết chặt quy định pháp luật còn là cách để chặn tình trạng cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lợi dụng kẽ hở để làm trái pháp luật, phục vụ nhóm lợi ích... Mặt khác, quy định pháp luật chặt chẽ cũng giúp nhà nước tránh rủi ro trong việc bảo đảm an ninh năng lượng - vấn đề sống còn của bất cứ nền kinh tế nào. 
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chờ sửa luật Đất đai

Chờ sửa luật Đất đai

Đó là tâm trạng của người dân và doanh nghiệp khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 18, làm cơ sở sửa luật Đất đai 2024 nhằm khắc phục bất cập về thu hồi đất, tài chính đất đai, kiểm soát giá đất.

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Vụ việc khách du lịch nghỉ tại một khách sạn ở Cửa Lò (Nghệ An) bị yêu cầu bồi thường 4,8 triệu đồng vì bất cẩn khi hút thuốc lá làm cháy nệm và ga trải giường của khách sạn cách đây ít ngày, được đăng tải trên mạng xã hội, đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Bộ phim Lời nguyền dưới ánh trăng của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đang thu hút sự chú ý đặc biệt, không hẳn vì đây là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên tại VN được tạo hoàn toàn từ AI mà còn bởi kinh phí khiêm tốn: chỉ hơn một chỉ vàng và thực hiện vỏn vẹn trong 72 giờ.

null