Đừng "nhất bên trọng, nhất bên khinh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hai kịch bản mới nhất cho Dự thảo sửa đổi các luật thuế (trong đó có thuế thu nhập cá nhân) do Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến chưa đồng tình, cho rằng dự thảo luật thuế mới này chỉ làm nhẹ việc, đơn giản việc cho ngành Thuế mà không quan tâm đến lợi ích của người nộp thuế. Như vậy, đã xuất hiện tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, coi nặng bên thu thuế mà coi nhẹ người nộp thuế.

Thực ra, người nộp thuế, trong bất cứ trường hợp nào, cũng phải là chủ thể của một luật thuế, chứ không phải người thu thuế. Nếu người nộp thuế làm ăn không được, lương thấp tới mức không nộp được thuế thì ngành Thuế lấy gì thu?

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc tính 5 bậc thuế, mà trong đó, chỉ cần có thu nhập 5 triệu đồng/tháng đã phải nộp 10% thuế thu nhập, là một cách tính vừa thiếu nhân văn, vừa không hợp lý. Chưa kể gia cảnh, một người lao động ở thành phố, đầu tắt mặt tối suốt ngày, tháng 26 ngày làm, chỉ có mức lương 5 triệu đồng thì đó đã là thu nhập quá thấp, hoàn toàn không đủ chi dùng, chứ đừng nói tích lũy. Vậy thì lấy đâu ra 500.000 đồng để nộp thuế thu nhập cá nhân? Mức thu nhập ấy không đủ để đánh thuế, dù là 10%.

Cách tính thu nhập từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng chịu chung một khung thuế thu nhập như nhau cũng rất bất hợp lý. Nhận xét về thay đổi biểu thuế trong tính thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính, luật sư Trương Thanh Đức-Chủ tịch Công ty Luật Basico, cho rằng, với cách tính mới này, những người có thu nhập trên 10 triệu đồng trở lên (sau khi đã được chiết trừ gia cảnh) sẽ phải nộp ngay mức thuế 20% thay cho thuế suất 15% như quy định hiện hành. Hay như người có thu nhập chịu thuế trên 40 triệu đồng phải đóng mức thuế 30% thay vì mức 25% như hiện nay… Luật sư Đức phân tích, việc Bộ Tài chính gom lại từ 7 bậc thuế theo quy định hiện hành xuống còn 5 bậc thuế chỉ là đơn giản, gọn nhẹ cho ngành Thuế thực hiện mà không có tác động lợi ích gì cho người nộp thuế.

Nếu thu nhập 10 triệu đồng mà phải nộp tới 20% thuế thì quả là bất công! Thu thuế như thế, người ta gọi là “tận thu”, nó hoàn toàn không làm cho kinh tế phát triển, cũng không thể làm cho “dân giàu” thì hỏi làm sao “nước mạnh” được?

Chưa kể, như TS. Nguyễn Anh Phong-Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế-Luật TP. Hồ Chí Minh phân tích, nguyên tắc xây dựng luật thuế nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả là nên giãn các bậc thuế đầu tiên với mức thuế suất thấp để người thu nhập thấp bị tổn thất ít. Trong khi đó, với biểu thuế mới, Bộ Tài chính lại tập trung giãn ở những bậc thuế sau nên chưa hợp lý. Ví dụ, mức chịu thuế từ 5 triệu đồng hiện nay cần giãn lên mức từ 10 triệu đồng mới phù hợp với đời sống của đa số người dân.

Chưa kể, Bộ Tài chính không hề tính đến lạm phát, đến độ trượt giá của đồng tiền, cứ coi VND giống như USD thì thật vô lý! Nếu tính bình quân, lạm phát tại Việt Nam hàng năm đều ở mức 5-6% thì sau 5 năm lạm phát đã tăng lên tới 25-30%. Nhưng mức khấu trừ không tính phần trượt giá này nên tính ra thu nhập của người dân càng giảm đi. Cũng như thế, hiện nay, mỗi cá nhân người Việt Nam chỉ được khấu trừ chi phí hàng tháng cho bản thân là 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, quy định này áp dụng 5 năm qua mà không thay đổi là quá lạc hậu.

Còn khá nhiều bất cập nữa trong dự thảo luật thuế mới này, nhưng tựu trung, người dân yêu cầu người làm luật phải thực sự có tư tưởng “vì dân”, có tầm nhìn xa rộng hơn, có những tính toán hợp lý và nhân văn hơn, để luật thuế thực sự trở thành “luật của nhân dân”, được nhân dân chấp nhận và tự nguyện thi hành.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.