Tại nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề về BHXH, vấn đề này đều được đặt ra, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để xử lý tình trạng nợ BHXH, nhất là những DN cố ý chây ì, nợ kéo dài nhiều năm, số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, số NLĐ bị ảnh hưởng lên đến hàng trăm, hàng ngàn người.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có 2,79 triệu NLĐ bị DN nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Trong đó, hơn 2,13 triệu NLĐ bị chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, 440.800 NLĐ bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Hệ lụy của tình trạng này là lao động nữ khi sinh con không được hưởng chế độ thai sản, NLĐ ốm đau không được BHYT thanh toán, NLĐ nghỉ việc bị "treo" khoản trợ cấp thất nghiệp…
Để xử lý tình trạng DN nợ BHXH, các giải pháp cơ quan chức năng thực hiện thời gian qua với DN nợ BHXH là nhắc nhở, tiến hành truy thu, xử phạt hành chính. Những giải pháp này cũng có kết quả nhất định, song còn rất nhiều DN cố tình chây ì, không đóng BHXH nhiều năm thì cơ quan BHXH chuyển cơ quan chức năng đề nghị truy tố.
Tuy nhiên, kết quả thực tế cũng không mấy khả quan, nhiều vụ kiện bị ách tắc, khâu thi hành không triệt để. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung một số biện pháp chế tài như quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng; cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, hoãn xuất cảnh đối với trường hợp NSDLĐ trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra tòa án...
Bên cạnh đó, khi DN có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ Luật Hình sự, cơ quan BHXH có thể kiến nghị khởi tố. Ngoài ra, NSDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ...
Những giải pháp này cần thiết được đưa vào thực thi, bởi chậm ngày nào thì NLĐ càng thiệt thòi thêm. Mặt khác, để xóa bỏ tình trạng "quýt làm cam chịu", quyền lợi bị thiệt hại do lỗi phía khác gây ra, cần có thêm những giải pháp chủ động hơn. Chẳng hạn, ngành lao động - thương binh và xã hội và BHXH tích cực giám sát chặt chẽ, không để nợ BHXH quá lâu, quá nhiều; có cơ chế liên thông cơ quan khác và cơ chế xử lý khi phát hiện để chế tài thì mới có thể hạn chế DN nợ BHXH. Ba là xử phạt thật nặng bằng khoản tiền lớn và mức án của tòa án đủ răn đe.
Bên cạnh đó, cần tính toán để hóa giải, bù đắp những thiệt thòi cho NLĐ về sức khỏe khi không được BHYT chi trả, hỗ trợ; có hình thức linh hoạt nào đó để giúp NLĐ được nhận trợ cấp thất nghiệp là khoản chính đáng NLĐ được hưởng mà do sai phạm của DN lại khiến quyền lợi này bị ngưng trệ. Đó mới là thực thi lẽ công bằng, quan tâm thấu đáo quyền lợi NLĐ.