Đừng đánh giá khoa học theo con số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ trong thời gian gần đây là sự bùng nổ về số lượng, được tiếp sức bởi internet.

Công bố khoa học là hình thức trao đổi học thuật trong giới khoa học có truyền thống từ vài ba trăm năm, ban đầu chỉ dành cho đối tượng độc giả rất hẹp. Sự phát triển theo cấp số nhân của lực lượng nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ song song với quá trình toàn cầu hóa trên thế giới đã khiến xuất bản khoa học thay đổi cả về lượng và chất. Những khác biệt lớn nhất về chất được tạo ra do ảnh hưởng của mạng internet.

Mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ trong thời gian gần đây là sự bùng nổ về số lượng, được tiếp sức bởi internet. Một mặt, các chính phủ trên thế giới đều nhận ra ý nghĩa sống còn của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội, dẫn đến tăng cường đầu tư, phát triển đội ngũ nghiên cứu và các chương trình nghiên cứu. Việc này dẫn đến nhu cầu đánh giá chất lượng, hiệu quả của các nghiên cứu trên bình diện rộng lớn hơn. Sức ép dồn lên các cơ quan quản lý khoa học khiến họ có khuynh hướng tìm kiếm các tiêu chí đánh giá càng đơn giản càng tốt. Không hẹn mà cùng, tất các cả nước đang phát triển với một lực lượng khoa học non kém và thiếu tập trung đều lựa chọn các chỉ tiêu mang tính định lượng như số công trình, số trích dẫn làm thước đo chất lượng, hiệu quả.

Khách quan mà nói, đối với những nền khoa học còn non kém, việc sử dụng các con số nêu trên thông qua những cơ sở dữ liệu được coi là "có uy tín quốc tế" (ví dụ ISI-Web of Science, Scopus…) đã tạo ra một môi trường khoa học minh bạch hơn. Ở VN, Quỹ Nafosted là đơn vị đầu tiên lấy danh mục ISI làm tiêu chí chất lượng. Phương thức tài trợ của Quỹ Nafosted đã tạo ra một làn gió mới trong hoạt động khoa học. Tuy nhiên chúng ta đã quá tin tưởng vào sự đúng đắn trong cách làm của mình để rồi sập vào chính cái bẫy do chúng ta tạo ra. Việc coi các giá trị bằng số là những "chân giá trị" đã dần biến nghiên cứu khoa học thành "công nghệ làm khoa học".

Khi chúng ta ở trong nước còn quá non kém thì mọi thứ từ bên ngoài đều được mặc nhiên coi là tốt. Tuy nhiên với sự phát triển theo thời gian cũng cần phải tự cảnh báo rằng không phải mọi thứ mang danh "quốc tế" đều tốt, kể cả những thứ được coi là "uy tín quốc tế". Đơn cử các danh mục tạp chí uy tín như ISI-Web of Science hay Scopus, hay các nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới như Springer, Elsevier cũng bị lũng đoạn ở chỗ này hay chỗ khác. Đó là chưa kể đến hàng chục, hàng trăm nhà xuất bản khác, tận dụng tối đa ưu thế của internet để "hút máu các nhà khoa học" cũng như thông qua những nhà khoa học thiếu liêm chính mà rút ruột ngân sách nghiên cứu.

Cách đánh giá khoa học theo những con số, lượng hóa kết quả nghiên cứu khoa học thành những "đơn vị công bố", "đơn vị trích dẫn", và dùng chúng để tưởng thưởng, để bổ nhiệm, để xét thăng tiến dần biến cộng đồng khoa học thành một lực lượng "ăn bám" trên lưng những người công nhân, nông dân, doanh nhân dẫn tới sự triệt tiêu của cộng đồng khoa học.

Với nền khoa học VN, đã đến lúc cần quay lại cách đánh giá đã được các thế hệ khoa học thế giới thực hiện trong hàng thế kỷ qua với những thành tựu không thể chối cãi. Cuối cùng năng lực, thành tích, đóng góp của một nhà khoa học chỉ có thể được đánh giá một cách chính xác và khoa học bởi những đồng nghiệp của anh ta. Việc đánh giá thông qua đồng nghiệp, thuật ngữ quốc tế là peer-review, là luôn tốn kém, cả về thời gian, sức lực lẫn tiền bạc. Nhưng nói cho cùng, không thể có cái gì tốt mà không phải trả giá.

Theo Phùng Hồ Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.