Du lịch ăn xổi, vài năm nữa ai còn đến Đà Lạt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ đến mùa cao điểm, du khách khắp nơi lại đổ về Đà Lạt để du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng. Không ít du khách đến với Đà Lạt tự phát, lẻ tẻ, theo trào lưu và chi tiêu vẫn thấp. Có nhiều ý kiến cho rằng, Đà Lạt hiện vẫn còn cách làm du lịch thiếu bền vững, ăn xổi dựa trên điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý. Nếu không thay đổi Đà Lạt sẽ tụt hậu, không còn hấp dẫn đối với du khách.
 
Du khách đến Đà Lạt tham quan rất đông trong dịp Tết. Ảnh: Lý Tưởng
Du khách đến Đà Lạt tham quan rất đông trong dịp Tết. Ảnh: Lý Tưởng
Khi du khách chạy theo trào lưu
Sau gần 2 năm chống dịch, Đà Lạt đã chính thức mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong dịp đầu năm 2022 cho đến nay. Chỉ trong những ngày Tết Nguyên đán, thành phố Đà Lạt đón khoảng 105.000 tổng lượt khách lưu trú. Cũng vì lượng khách tăng cao đột biến nên nhiều thời điểm, các tuyến giao thông nối các tỉnh phía Nam, miền Trung, miền Bắc đến Đà Lạt liên tục ùn tắc kéo dài.
Tình trạng chen lấn ở những ngày cao điểm xuất hiện liên tục trong nội thành Đà Lạt. Đi cùng với đó là những hình ảnh về dòng người chen lấn, dựng lều ngủ tạm dọc bờ hồ Xuân Hương. Có người còn ví von du lịch Đà Lạt ngày lễ tết chỉ toàn chen lấn, ô nhiễm và là ác mộng đối với du khách…
 
Cứ mỗi dịp lễ tết, Đà Lạt luôn trong tình trạng ô nhiễm, chen lấn. Ảnh: CC
Cứ mỗi dịp lễ tết, Đà Lạt luôn trong tình trạng ô nhiễm, chen lấn. Ảnh: CC
Theo các chuyên gia du lịch, du khách nườm nượp đến Đà Lạt dịp lễ Tết là đáng mừng bởi, nhờ đó, toàn bộ các hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các điểm vui chơi, khu giải trí hoạt động hết công suất. Đây cũng là một cách phát triển du lịch mang lại giá trị kinh tế nhờ khí hậu có sẵn kèm các trào lưu thời thượng, điểm du lịch phục vụ giới trẻ.
Tuy nhiên về lâu dài, Đà Lạt không thể tập trung dựa trên những lợi thế sẵn có vì thiếu bền vững và đi ngược lại so với xu thế chung của các quốc gia du lịch khác trên thế giới.
Anh Nguyễn Tuấn Anh – du học sinh Mỹ chia sẻ, đối với các quốc gia du lịch trên thế giới, chính quyền thường dựa vào các chỉ số như lượt khách du lịch quốc tế và mức độ chi tiêu của du khách để từ đó xây dựng những chiến lược phát triển du lịch bền vững.
Theo lời anh Nguyễn Tuấn Anh, trở lại câu chuyện du lịch tại Đà Lạt hay Sa Pa, chúng ta dễ dàng thấy rõ khách du lịch phần đông vẫn là một bộ phận giới trẻ đi du lịch tự phát, thích trải nghiệm những trào lưu mới nổi ở trên mạng. Nắm bắt được xu thế đó, các điểm du lịch ở Đà Lạt và Sa Pa sẽ liên tục thay đổi để câu khách.
“Lấy ví dụ như mới đây, một vài điểm tham quan ở Đà Lạt xuất hiện một “gương nhìn ra thế giới” hay các quán cà phê đẹp thu hút rất đông du khách tới chụp ảnh lưu niệm. Tuy vậy, trào lưu thì chỉ được một thời gian ngắn rồi thay bằng một trào lưu thời thượng khác. Làm du lịch mà chỉ chạy theo trào lưu, thiếu bản sắc, thiếu chiến lược rất dễ tụt hậu…”  - anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
 
Đà Lạt cần nhiều thay đổi trong cách làm du lịch bền vững. Ảnh: Linh Linh
Đà Lạt cần nhiều thay đổi trong cách làm du lịch bền vững. Ảnh: Linh Linh
Thay đổi để phát triển bền vững
Thực tế cho thấy, tuy còn nhiều điều đáng bàn nhưng du lịch Đà Lạt đã thay đổi nhiều so với trước đây. Đó là sự thay đổi mang tính lịch sử như việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Đà Lạt. Nhiều tuyến đường được mở rộng với hạ tầng giao thông hiện đại, thông minh.
Chưa hết, các điểm vui chơi, chủ quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn, bắt đầu có ý thức cao hơn về việc giữ gìn hình ảnh Đà Lạt trong lòng du khách. Hay tình trạng chặt chém khách du lịch cũng không còn xuất hiện ở Đà Lạt…
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết trong kế hoạch chung, đơn vị đang xây dựng ra các kế hoạch khôi phục lại ngành du lịch theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng các loại hình dịch vụ, hướng tới việc thí điểm phát triển du lịch theo hướng kinh tế ban đêm.
Nếu như trước đây Đà Lạt đón du khách nhỏ lẻ, manh mún thì hiện nay, ngành du lịch đang có các kế hoạch phân tầng du khách theo từng nhóm đối tượng.
Theo đó, các điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng cao cấp sẽ được đầu tư nhằm thu hút một lượng du khách có thu nhập tốt. Mục tiêu là tạo sự đa dạng trong các loại hình du lịch từ đó, đẩy mạnh chi tiêu của du khách.
Trở lại chuyện đến hẹn lại lên, Đà Lạt cháy phòng nhà nghỉ, khách sạn dịp lễ tết, ông Nguyễn Viết Vân cho biết, Sở đang đề xuất với các địa phương lân cận, UBND TP.Đà Lạt sớm xây dựng quy hoạch các điểm dã ngoại, cắm trại công cộng.
“Việc quy hoạch các điểm cắm trại không những giải quyết vấn đề cháy phòng nghỉ mỗi dịp lễ tết mà còn giúp địa phương dễ dàng quản lý du khách, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự” – ông Nguyễn Viết Vân chia sẻ.
 
Du lịch Đà Lạt đang có nhiều sự thay đổi trong tình hình mới. Ảnh: CC
Du lịch Đà Lạt đang có nhiều sự thay đổi trong tình hình mới. Ảnh: CC
Một trong những thay đổi trong cách làm du lịch bền vững ở Đà Lạt có thể dẫn chứng tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Hiện tại, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đang phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện quy hoạch 1/500 khu mặt nước và công viên công cộng với diện tích 370ha.
Ông Phạm Văn Dân - Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm cho biết, theo quy hoạch, khu du lịch sẽ mở các loạt hình sản phẩm du lịch như bến tàu thuyền, đạp vịt, cắm trại ven hồ...
Với lợi thế sẵn có về khí hậu, vị trí tuyệt đẹp cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, ông Phạm Văn Dân tin rằng trong thời gian đến, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm chắc chắn sẽ là một điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến với Đà Lạt.
HỮU LONG (LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/du-lich-an-xoi-vai-nam-nua-ai-con-den-da-lat-1013331.ldo

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.