(GLO)- Bằng hình thức hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ mua phân bón trả chậm… nhiều năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã giúp hàng nghìn hội viên, nông dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Theo ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, những năm qua, Hội luôn chỉ đạo các cấp Hội cơ sở vận động hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với định hướng phát triển của từng địa phương.
Đồng thời, đổi mới nội dung tư vấn, hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, đào tạo việc làm cho hàng ngàn hội viên, nông dân nên đã tạo được nhiều chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, thu nhập của hội viên được nâng cao, đời sống cải thiện, số hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tăng, số hộ nghèo giảm theo từng năm.
Nhờ được hỗ trợ về vốn, giống, nhiều hội viên, nông dân đã đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả. Ảnh: Đ.V |
Để hỗ trợ hội viên về nguồn vốn sản xuất, các cấp Hội đã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT giúp cho 56.820 hộ vay thông qua 1.677 tổ tiết kiệm với số tiền do Hội ủy thác tính đến nay đạt 1.674 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội đã huy động Quỹ Hỗ trợ nông dân được trên 5 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh lên trên 17,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cấp Hội còn đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” để động viên hội viên chăm lo sản xuất.
Song song với đó, Hội tích cực hỗ trợ hội viên về kỹ thuật, giải quyết việc làm, động viên hội viên hỗ trợ nhau về cây, con giống. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng và các công ty tổ chức 1.060 buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật, giới thiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho trên 71.677 lượt người; phối hợp các công ty phân bón giúp nông dân mua trả chậm trên 2.000 tấn phân bón vi sinh không tính lãi; hỗ trợ nông dân xây dựng trên 50 mô hình, dự án; phối hợp tổ chức dạy nghề cho 6.118 hội viên, nông dân; giải quyết việc làm cho 3.310 lao động...
Với sự hỗ trợ trên, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình mới để tăng hiệu quả sản xuất.
Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình sản xuất giống và trình diễn cà chua ghép trên gốc cà tím; mô hình trồng cây sa nhân tím và cây chanh dây; mô hình cánh đồng lớn chuyên canh cây mía tại huyện Đak Pơ; các mô hình trồng hồ tiêu, cà phê, cao su, bời lời, bắp bán thân...
Ông Rơ Mah Lương (thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) chia sẻ: Những năm gần đây, nhờ được vay vốn, mua phân bón trả chậm và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng mà vườn cây của gia đình được chăm sóc tốt hơn và cho năng suất đạt cao hơn. Đến nay, ông đã trồng được 3 ha cà phê và hơn 1.000 trụ hồ tiêu. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi thêm bò, heo và hàng trăm con gà nên mỗi năm cũng thu trên 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phạm Nhuần cho biết thêm: Việc hỗ trợ, định hướng cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất không chỉ hình thành nên các vùng chuyên canh cây trồng phù hợp với định hướng của tỉnh, của từng địa phương mà còn giúp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chỉ tính trong năm 2016, toàn tỉnh đã có 1.241 nông dân thoát nghèo và 57.093 hộ được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; phối hợp hỗ trợ hội viên vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để tiếp tục hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Đoàn Viên