Đồng hành cùng đội ngũ công nhân vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân lao động toàn quốc được tổ chức tại Bắc Giang ngày 12-6 đã đề cập nhiều vấn đề sát sườn của cuộc sống. Không đơn thuần là sự sẻ chia của người đứng đầu Chính phủ với những khó khăn của người lao động mà cuộc đối thoại còn mang đến sự kỳ vọng về những thay đổi trong tương lai, để đội ngũ công nhân có cuộc sống tốt hơn, đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển của đất nước.

Trong hơn 2 năm tập trung chống dịch Covid-19, cuộc sống của công nhân, người lao động gặp không ít khó khăn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp nhất để Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người lao động, tạo ra động lực mới phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện cùng công nhân sau khi kết thúc cuộc đối thoại với 4.500 công nhân lao động với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Ảnh nguồn LĐO
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện cùng công nhân sau khi kết thúc cuộc đối thoại với công nhân lao động toàn quốc được tổ chức tại Bắc Giang ngày 12-6. Ảnh nguồn LĐO


Một khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, lực lượng công nhân tuy chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lao động xã hội nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Tuy nhiên, bình quân tiền lương của người lao động hiện nay chỉ 4,9 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, hơn 12% lao động phải thường xuyên đi vay để chi tiêu, hơn 54% lao động trẻ chưa dám lập gia đình…


Nếu không làm thêm giờ thì nhiều gia đình công nhân rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Tuy nhiên, không phải cứ làm thêm nhiều giờ là cuộc sống khá hơn. Ở một số lĩnh vực như: dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy-hải sản, đồ gỗ… dù làm thêm có khi đến 60-70 giờ/tháng nhưng cuộc sống công nhân vẫn luôn khó khăn. Một kết quả không mấy làm vui là có tới 72% công nhân không muốn sau này con cái theo nghề của bố mẹ.

Quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch với sự trở lại của nhiều doanh nghiệp đã giúp công nhân có cơ hội quay lại nhà máy, công xưởng, có việc làm, thu nhập, cuộc sống cũng dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, đời sống của đại đa số công nhân, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, quyền lợi bị xâm phạm...

Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân toàn quốc chính là sự sẻ chia đầy nhân ái của người đứng đầu Chính phủ với người lao động. Gần 10.000 câu hỏi đã được gửi đến Thủ tướng xoay quanh một số vấn đề về tiền lương, thưởng; tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, bảo hiểm xã hội của công nhân; chế độ chăm sóc sức khỏe, nhà ở; trường học, chỗ gửi trẻ cho con công nhân; vấn đề học tập, nâng cao tay nghề; nhu cầu vui chơi giải trí cho công nhân, người lao động; tình trạng “tín dụng đen” bủa vây các khu nhà trọ công nhân...

Sự chân tình, cởi mở của Thủ tướng đã làm cho cuộc gặp gỡ, đối thoại diễn ra chân tình, thẳng thắn. Những khó khăn, kiến nghị của công nhân đã được Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành ghi nhận. Có việc giải quyết được ngay, nhưng cũng có việc cần thời gian. Không phép màu nào có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu công nhân và gia đình họ trong ngày một ngày hai. Nhưng chậm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho công nhân trong khi tiền đã có là lỗi ở bộ máy. Hay như vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, mua với giá hợp lý đặt ra đã lâu, cần có cơ chế đặc thù về đất đai, nguồn vốn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Nếu như trong đại dịch Covid-19, đất nước đã quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, thì nay, tinh thần ấy, ý chí ấy lại tiếp tục được Đảng, Nhà nước thể hiện trong việc triển khai các chính sách an sinh nhằm cải thiện đời sống của người lao động. Ngay như dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang xây dựng cũng theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm, tiến tới là 10 năm để người lao động yên tâm được đảm bảo quyền lợi sau khi đạt các mốc thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

 

 ĐÌNH CƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.