(GLO)- Trước đây, đồng bào Jrai quan niệm: Khi chết đi, con người chia tay cuộc sống trần gian để về với thế giới atâu. Thế giới atâu cũng có nhu cầu học tập, làm ăn, quan hệ, tín ngưỡng, giao lưu... như trên trần gian. Bởi vậy mà trong cộng đồng có tục lệ chia của cho người chết gây lãng phí. Bên cạnh đó là các hủ tục như: chôn chung, tổ chức tang ma linh đình, tốn kém... Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên nên các hủ tục này đã dần được xóa bỏ.
Thực hiện nếp sống mới, ngay nay, tục lệ chia của cho người chết hầu như đã không còn. Mới đây, ngày 5-3, gia đình bà Siu H’Lul tổ chức tang lễ cho ông Kpă Nhúi (chồng bà H’Lul) tại làng Bạc 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Sau những nghi thức truyền thống, anh em trong dòng họ công khai tri ân công đức của người vừa qua đời. Bà Kpă Ó-cựu chiến binh ở cùng làng-nói: “Ông Kpă Nhúi sinh ra, lớn lên và chết già ở tuổi 70 tại làng Bạc 1. Khi còn sống, ông chăm chỉ làm việc và chi tiêu tiết kiệm để nuôi dạy các con ăn học, hay giúp đỡ bà con. Nay ông về với thế giới atâu, ai cũng thương tiếc! Người thân khâm liệm ông ấy vào cái quan tài bằng bê tông và chôn cất rất cẩn thận trong khu nhà mồ của làng”. Còn Trưởng thôn Kpă Lối thì cho biết: “Làng Bạc 1 là làng văn hóa cấp huyện. Cả làng hiện có 136 hộ. Bất cứ ai trong làng qua đời cũng phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và hương ước, quy ước của làng văn hóa. Ông Kpă Nhúi về với thế giới atâu đã được dân làng làm tang lễ đúng với đạo lý, đúng với hương ước, quy ước”.
|
Đánh cồng chiêng tại một lễ bỏ mả. Ảnh: PHƯƠNG LINH |
Tuổi cao nên ông Rơ Châm Bol (làng Yút, xã Ia Phí, huyện Chư Pah) cũng đã chuẩn bị cho ngày về với thế giới atâu của mình theo tinh thần của đời sống mới. Mặc dù còn đi lại, còn làm được những việc nhẹ nhưng vợ chồng ông Rơ Châm Bol đã thuê thợ hồ đến nhà đúc 2 cái quan tài bằng bê tông. Ông Bol nói chậm rãi: “Năm nay, vợ chồng mình đã hơn 70 tuổi, sức cũng yếu rồi. Vì vậy, mình thuê làm 2 cái quan tài hết gần 7 triệu đồng. Có vậy, vợ chồng mình thêm yên tâm, người thân trong gia đình cũng bớt đi sự lo lắng khi mình qua đời”.
Ông Đinh Duy Nguyên-Chủ tịch UBND xã Ia Phí-cho biết: “Bà con người Jrai ở xã Ia Phí phần lớn đều rất khó khăn, nhất là 3 làng thuộc lòng hồ thủy điện Ia Ly. Dịp Tết Nguyên đán 2020, những gia đình khó khăn trong xã đã được Chính phủ cấp 7,2 tấn gạo. Vì điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên chính quyền và các đoàn thể ở xã luôn tuyên truyền, vận động bà con thực hiện việc tang ma tiết kiệm, không phô trương, hình thức, gây lãng phí; đồng thời xóa bỏ triệt để hủ tục chia của cho người chết, hủ tục chôn chung...”.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng nông thôn mới, nhiều hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bị đẩy lùi. Ông Nay Kỳ Hiệp-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-nhận định: “Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên nên người Jrai trên địa bàn tỉnh thực hiện nếp sống mới rất tốt, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tang lễ tổ chức đơn giản, rút ngắn thời gian, không còn ăn uống linh đình, không chia của gây tốn kém, lãng phí”.
HÒANG MINH