Đón Tết nơi “trời Tây”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những niềm vui, phút giây ấm cúng quây quần bên mâm cơm gia đình, rồi cả những lời chúc may mắn đầu năm - Đấy là những gì mà mọi người dân Việt mong ước trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Tuy nhiên, đối với những người xa xứ, nét đẹp của phong tục cổ truyền ấy vô hình trung đã trở thành nỗi nhớ về gia đình, người thân da diết. Họ đau đáu hướng về quê hương khi phải đón Tết nơi “trời Tây” đất khách quê người.

Tết cổ truyền là một nét đẹp thiêng liêng, gắn bó với mỗi người con đất Việt. Vào những ngày này, mọi người lại bận rộn với mâm cơm gia đình, với chiếc bánh chưng xanh, với những tiếng nói cười râm ran và lời chúc mừng năm mới. Đó là những ký ức đẹp mà chị Nguyễn Thị Thảo luôn lưu giữ trong tâm trí của mình.

Đã hơn 10 năm, kể từ khi chị Thảo rời “phố núi” Kon Tum thân thuộc để đến với đất nước Na Uy xa xôi. Ngày trước, chị Thảo đến với nơi đất nước Na Uy theo diện xuất khẩu lao động. Với sự siêng năng, cần cù, chị đã lập thân, lập nghiệp, xây dựng nên một gia đình nhỏ của riêng mình. Tuy nhiên trong quãng thời gian dài đằng đẵng đó, chưa lần nào chị có dịp trở về quê nhà để đón Tết cổ truyền cùng gia đình.

Những ngày cận Tết Nguyên đán tại Na Uy, tuyết vẫn phủ kín đường. Ảnh: YT

Những ngày cận Tết Nguyên đán tại Na Uy, tuyết vẫn phủ kín đường. Ảnh: YT

Chị Thảo tâm sự: Tại Na Uy, Tết Nguyên đán không được nghỉ. Chính vì vậy, mình vẫn đi làm bình thường như bao ngày khác. Ở cách xa quê nhà gần 10.000km (theo đường bay), điều chạnh lòng nhất là mình không thể cảm nhận được không khí tết một cách trọn vẹn. Mình chỉ được “hưởng không khí tết” vui tươi, náo nức qua zalo, facebook, các cuộc điện thoại về gia đình. Mình thật sự rất nhớ những phút giây đầm ấm và hạnh phúc bên gia đình đón năm mới.

Khi ở Việt Nam đón tết thì ở Na Uy đang cuối Đông, tiết trời lạnh giá, nhiệt độ thường xuyên xuống thấp dưới 0oC, tuyết phủ trắng xóa dày quá mắt cá chân. Cái rét buốt giá càng thêm khứa sâu vào lòng nỗi nhớ quê nhà của những người con xa xứ. Tuy nhiên, đối lập với cảnh sắc lạnh giá ấy, những đứa con trong gia đình chị Thảo vẫn háo hức, nô nức đến lạ. Bởi đã thành thông lệ, hằng năm, vào 30 Tết, bố mẹ lại tổ chức cho chúng những mâm cỗ đón mừng năm mới.

Chị Thảo tâm sự: Bọn trẻ được sinh ra ở đây nên chưa bao giờ biết đến Tết ở quê nhà. Chính vì vậy, cứ vào mỗi dịp 30 Tết, mình và chồng thường xin nghỉ làm một ngày, để ở nhà soạn sửa các phần việc. Hai vợ chồng sẽ đi chợ, nấu ăn, chuẩn bị mâm cỗ cúng đêm giao thừa và cúng sáng mùng 1 Tết. Trong khi đó, tụi nhỏ sẽ đảm nhận dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, đũa, ấm chén chuẩn bị cho bữa cơm cuối năm của gia đình. Qua những điều này, mình mong muốn tụi nhỏ sẽ hiểu và hình dung ra những hình ảnh về Tết cổ truyền ở quê nhà. Mong rằng chúng sẽ tiếp tục lưu giữ nét văn hóa này của người Việt Nam, dù ở nơi đất khách quê người.

Theo chị Thảo chia sẻ, tại Na Uy, số lượng người Việt Nam cũng khá đông. Chính vì vậy, vào khoảng mùng 1 đến mùng 3 tết, sau khi đi làm trở về, các gia đình lại quây quần, tụ họp cùng nhau để đón chào năm mới. Cũng như tại Việt Nam, trẻ con sẽ được mặc đồ mới, được nhận lì xì, được vui chơi thỏa thích. Người lớn sẽ cùng nhau ăn uống, trò chuyện, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất về một năm mới an khang, thịnh vượng.

Người Việt Nam quây quần cùng nhau đón tết tại Nhật Bản. Ảnh: YT

Người Việt Nam quây quần cùng nhau đón tết tại Nhật Bản. Ảnh: YT

Không giống như chị Thảo, anh Nguyễn Ngọc Sơn (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) mới qua đất nước Nhật Bản được ít năm. Tết Nguyên đán 2024 là lần thứ 2 anh không đón tết cùng gia đình tại quê hương. Cũng chính vì vậy, anh chỉ đành trông ngóng vào những cuộc điện thoại từ gia đình để “ké” chút không khí tết tại quê nhà. Bồi hồi, nôn nao và nhung nhớ, đó là những cảm xúc của anh trong những ngày tết đến xuân về.

Anh Sơn tâm sự: Lần cuối mình đón Tết cổ truyền tại Việt Nam vẫn còn dịch Covid-19. Lúc đấy mọi người ra ngoài đều phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Chính vì vậy, ai cũng dè dặt, không khí Tết có phần trầm lắng, không trọn vẹn như mọi năm. Sau lần đó, mình qua Nhật Bản với mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân.

Đến bây giờ cũng đã gần 2 năm đến với xứ sở “hoa anh đào”, nhưng anh Sơn vẫn chưa thể quen cảnh đêm 30 tết xa gia đình. “Đối với mình, ngày Tết thật sự mang rất nhiều ý nghĩa. Đó là ngày đoàn viên để mọi người quây quần cùng nhau, thắt chặt thêm sợi dây tình cảm gắn bó, là những lúc cùng nhau dọn dẹp nhà cửa đón một năm mới đến. Là gương mặt bố khi chọn được cành đào, chậu mai ưng ý. Là hình ảnh mẹ tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ cúng gia đình. Là cảnh cả nhà cùng nhau quây quần xem Táo Quân vào đêm 30. Đó là những gì quen thuộc, thân thương về ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam” – anh Sơn hoài niệm.

Ở Nhật Bản, mọi người không đón Tết Nguyên đán mà chỉ đón Tết Dương lịch. Điều an ủi lớn nhất của anh Sơn chính là cộng đồng người Việt Nam ở xứ sở “hoa anh đào” cũng rất đông. Chính vì vậy, vào những dịp cận tết, các mặt hàng truyền thống như bánh chưng, bánh tét, mứt, gà luộc, chả giò vẫn được bày bán tại các siêu thị và những cửa hàng lớn.

“Đêm 30 tết, mình cùng vài người bạn Trung Quốc, Triều Tiên thường tụ họp cùng nhau để đón năm mới. Mỗi người sẽ đi chợ, nấu một vài món ăn truyền thống của đất nước mình rồi đặt chung lại thành một mâm cỗ lớn. Mọi người cùng nhau ăn uống, trò chuyện, vừa thưởng thức sự đa dạng ẩm thực của các quốc gia, vừa chúc nhau những lời chúc mừng năm mới ý nghĩa. Tuy không thể đi du xuân, hái lộc, cùng gia đình đến chùa để cầu chúc sức khỏe và bình an như ở Việt Nam nhưng những điều này cũng giúp mình cảm thấy ấm lòng, bớt đi cảm giác trống vắng không có gia đình bên cạnh” - anh Sơn trải lòng.

Có thể thấy, dù ở bất cứ nơi nào thì những người con đất Việt xa xứ vẫn luôn đau đáu, hướng về quê hương, đặc biệt là vào những dịp tết đến xuân về. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc tựa như tiếng chuông ngân vang không ngừng, nhắc nhở mỗi người con Việt Nam hướng về gia đình, về cội nguồn đất tổ.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.