(GLO)- Cũng là... đón gió, song với cách “đón” của chị Nhiệm, một nữ kỹ sư trẻ ham mê làm giàu cho mình và cho đất nước lại khác.
Làng biệt thự... hoang
Nói “đón gió” Măng Đen là nói đến chuyện một thời cách nay chưa lâu, người ta rộ lên so sánh Măng Đen là Đà Lạt 2, là nơi lý tưởng cho tham quan, nghỉ dưỡng và cả cho du lịch tâm linh. Cho nên, dẫu năm 2013 địa danh này mới chính thức ghi vào bản đồ du lịch quốc gia, nhưng hồi đó, để “đón gió”, đi trước một bước-”đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nên nhiều nhà đầu tư các nơi đã đến Măng Đen mua đất, khai hoang xây biệt thự. Hàng trăm tòa biệt thự đủ các kiểu được ồ ạt xây lên.
Những ngôi biệt thự bị bỏ hoang ở Măng Đen. Ảnh: B.H |
Trở lại Măng Đen hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, chúng tôi chứng kiến hàng trăm biệt thự (chính xác, theo thống kê của địa phương là 230 biệt thự) đã trở nên hoang phế, nhiều ngôi nhà ngập trong cỏ dại, không một bóng người, không một ai trông nom. Lác đác vài chục nhà dọc theo trục đường chính được chủ nhân hoặc cho thuê với giá khá hời, hoặc tự mình mở cửa hàng kinh doanh, chủ yếu là làm dịch vụ ăn uống, mua bán nhỏ lẻ nhưng khách vãng lai không mấy ai mặn mà. Măng Đen chỉ cách TP. Kon Tum hơn 50 cây số, đường rất tốt, cho nên dù thỉnh thoảng có những đoàn khách đến đây nhưng các dịch vụ nhà hàng, khách sạn tại chỗ vẫn không thể giữ chân họ. Tính ra, một lượng tiền không nhỏ đã được các nhà đầu tư, những người “đón gió” theo phong trào, chạy theo tin đồn bỏ ra xây dựng những ngôi biệt thự. Một chủ nhân của mấy tòa biệt thự (giấu tên) chia sẻ, dù lỗ đến mấy, mà có người mua thì vẫn bán. Nhưng gắn biển rao bán năm này qua năm nọ mà vẫn không thấy ai màng đến.
Có một thực tế là, chuyện đầu tư vào nhà và đất theo kiểu “đón gió” vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi và hậu quả là lãng phí tiền của, công sức, thậm chí không ít người vỡ nợ, tán gia bại sản. Bài học “đón gió” theo kiểu ở Măng Đen vẫn còn nóng hổi.
Quà tặng của rừng
Nhiều người ở Gia Lai và Kon Tum, từ lâu không còn lạ về xứ sở sương mù và ngút ngàn thông Măng Đen, song chắc chắn rất ít người biết rằng ở Măng Đen có một loài cây hoang dại, bỗng chốc được khai thác làm giàu, chỉ với bàn tay của một nữ nhi miền sông nước phía Tây của Tổ quốc. Đó là loài sim dại. Là chủ một doanh nghiệp luôn gắn bó với người nghèo, kỹ sư Nguyễn Thị Nhiệm thỉnh thoảng vượt cả ngàn cây số đem theo tấm lòng nồng ấm với những món quà mà mình chắt góp chia sẻ với bà con vùng khó khăn Kon Plông xa xôi. Từ những chuyến đi như vậy, tình cờ chị Nhiệm phát hiện ra dưới tán rừng Măng Đen quá nhiều sim, đến mùa chúng cho hoa tím cả những lối mòn mà chị đi qua, lại đến mùa cho quả, những quả sim chín mộng căng tròn... Chúng đánh thức trong chị lòng đam mê khám phá và làm giàu từ loài cây hoang dại này.
Và, một cơ sở sản xuất vang sim rừng Măng Đen do Nguyễn Thị Nhiệm làm chủ đã hình thành và đi vào hoạt động vài năm trở lại đây. Chia sẻ với chúng tôi, chị bảo mọi việc còn đang trong giai đoạn tiếp tục đầu tư, mở rộng với quy mô lớn hơn. Tỉnh Kon Tum đã ưu ái giao cho doanh nghiệp của chị (Công ty TNHH một thành viên Sim Thiên Sơn) 500 ha rừng có sim. Cho đến nay, việc giữ rừng và khai thác nguồn lợi dưới tán rừng, chủ yếu là sim rừng được coi là rất hiệu quả. Chị Nhiệm còn vui mừng cho hay, mới đầu chân ướt chân ráo, lại là đàn bà trăm điều bỡ ngỡ với xứ sở xa xôi hẻo lánh này, nếu không được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thì khó mà trụ được. Anh Lê Thành Diễn-Trưởng một phòng ở huyện Kon Plông, mấy năm trước là Chủ tịch UBND xã Pơ Ê-là người giúp đỡ hết mình cho doanh nghiệp của chị Nhiệm. Anh Diễn chia sẻ, từ khi có doanh nghiệp sản xuất vang sim rừng Măng Đen, bà con nơi đây đã có thêm việc làm và thu nhập. Đến mùa sim chín, tranh thủ lúc rảnh, mọi người vào rừng (rừng đã được giao khoán cho hộ) hái sim, chỉ là tranh thủ thôi, nhưng thu nhập lại không nhỏ, mỗi ký sim chị Nhiệm mua với giá từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng, tùy chất lượng.
Thăm cơ sở sản xuất vang sim rừng của chị Nhiệm, tôi bất ngờ bắt gặp 6 công nhân là thanh niên, thanh nữ người dân tộc thiểu số. Được biết, những người này ở làng cách đấy không xa, song doanh nghiệp nuôi ăn ở tại chỗ, mỗi tháng có thể về thăm nhà. Đinh Văn Dương, 28 tuổi, người Mơ Nâm, học hết lớp 9/12 thì nghỉ về nhà làm ruộng, thu nhập từ lúa rất bấp bênh. Từ ngày vào làm công nhân cho chị Nhiệm, thu nhập chưa cao lắm, song đảm bảo ổn định, lại có nơi ăn ở chu đáo và miễn phí. Anh Trần Văn Lộc-người quản lý trực tiếp ở phân xưởng cho hay, các bạn công nhân là người dân tộc thiểu số làm việc rất tích cực và luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao; thu nhập bình quân của họ không dưới 4 triệu đồng/tháng.
Anh Lộc còn cho biết, vang sim rừng Măng Đen của Công ty hiện đã được xuất bán ra nước ngoài. Đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, còn hiện tại thì sản lượng mỗi năm mới chỉ đạt trên 700 ngàn lít. Được cái là sản xuất tới đâu, tiêu thụ tới đó. Theo chị Nhiệm, hiện vang sim rừng Măng Đen đã có mặt ở hệ thống Siêu thị Co.op Mart và ở những cửa hàng lớn trong khu vực. Vùng nguyên liệu hiện có đã đảm bảo cho sản xuất quanh năm với trên 120 tấn/năm, song sắp tới chị vẫn tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu ra các địa phương lân cận. Vừa đảm bảo cho sản xuất ổn định, lâu dài, vừa giúp bà con dân tộc thiểu số có việc làm, tăng thêm thu nhập, lại giữ được rừng đầu nguồn.
Cũng là... đón gió, song với cách “đón” của chị Nhiệm, một nữ kỹ sư trẻ ham mê làm giàu cho mình và cho đất nước lại khác, với niềm mong muốn với sự đầu tư của mình luôn đem lại hiệu quả cả về kinh tế và xã hội ở một vùng đất vốn được coi là xứ sở của “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen”! |
Bích Hà