Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập với mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; tăng cường việc tuân thủ pháp luật và giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.
Theo đó, đề án xác định nguyên tắc thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nhà nước.
Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp phải được phân định rõ ràng gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể.
Cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp theo từng lĩnh vực hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, nghề chịu sự quản lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực chuyên ngành tương ứng.
Xây dựng Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia
Đề án đưa ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu. Đầu tiên, cần đổi mới mô hình giám sát doanh nghiệp sau đăng ký thành lập theo hướng phát huy vai trò của xã hội và của các chủ thể khác nhằm hỗ trợ Nhà nước trong quản lý, giám sát doanh nghiệp.
Theo đó, cần phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh việc khớp nối, trao đổi trực tuyến thông tin về đăng ký doanh nghiệp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường, thuế, hải quan, thống kê, thanh tra... để làm công cụ quản lý, giám sát, xử lý vi phạm của doanh nghiệp.
Đồng thời, xây dựng Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để công bố rộng rãi dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp trong các giao dịch về kinh tế, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch và an toàn hơn…
Nhóm giải pháp thứ hai là đổi mới công tác xây dựng pháp luật doanh nghiệp như: Hoàn thiện hệ thống khung pháp luật chung về doanh nghiệp theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường; xây dựng cơ chế ban hành, kiểm soát các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...
Nhóm giải pháp thứ 2 là nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Nội dung này bao gồm các giải pháp như: Ban hành quy chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo không chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức của hệ thống các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp…
Theo Chinhphu.vn