Đổi mới giáo dục và lương giáo viên "không đủ sống"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục liệu có hoàn thành được sứ mệnh của mình nếu có thêm nhiều lá đơn xin nghỉ việc với lý do: lương giáo viên không đủ sống?
 
Bảng lương mới và lá đơn xin thôi việc của cô giáo ở Cẩm Xuyên- Hà Tĩnh
Bảng lương mới và lá đơn xin thôi việc của cô giáo ở Cẩm Xuyên- Hà Tĩnh
Ngay trước thềm năm học mới 2020-2021, một cô giáo trường Tiểu học Cẩm Dương (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) làm đơn xin nghỉ việc vì lý do "Thu nhập từ công việc dạy học không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống hàng ngày của gia đình".
Theo nhà trường, mức lương cô giáo này nhận được sau 16 năm giảng dạy là khoảng 8 triệu đồng/tháng. Mức lương ấy, so với các ngành nghề khác có thể là thấp, nhưng so với chính nghề của cô cũng đã là “mơ ước” với rất nhiều người.
Và không phải là cá biệt, năm ngoái, tại Thanh Hoá, một thầy giáo ở huyện Như Xuân, một cô giáo ở huyện Hằng Hoá cũng làm đơn nghỉ việc với cùng một lý do: Lương không đủ trang trải cuộc sống. Mức lương của hai thầy cô này cũng ở mức 6-7 triệu/tháng.
Có bao nhiêu lá đơn xin nghỉ việc mà vì nhiều lý do, các thầy cô đã không thêm mấy chữ “lương không đủ sống” dù đó mới là sự thật và nguyên nhân chính.
Cả nước có khoảng 1 triệu giáo viên các cấp, trong đó riêng giáo viên tiểu học là trên 400.000 người. Còn nhớ, tại diễn đàn Quốc hội năm ngoái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra con số rất đáng suy ngẫm: tiền lương khởi đầu của bậc mầm non và tiểu học rất thấp, dù có trình độ, bằng cấp, lúc mới vào cũng tính là trung cấp với hệ số lương 1,86. Do đó, tính thu nhập quy ra tiền lương giáo viên mầm non và tiểu học chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng; giáo viên bậc trung học cơ sở có mức lương khoảng 2,9 triệu đồng/tháng; bậc trung học phổ thông là 3,2 triệu đồng/tháng. Cộng với phụ cấp, thu nhập của giáo viên chưa được 5 triệu đồng/tháng.
Đó là căn nguyên cho nhưng lá đơn nghỉ việc, hoặc cho nhiều giáo viên quyết tâm bám trụ lại thì đành phải dạy thêm “chui” hoặc, ban ngày thì lên bục giảng, buổi tối lên mạng bán hàng online.
Lương thấp nhưng đòi hỏi phải dành hết tâm huyết, liên tục đổi mới trong giảng dạy liệu có phải là một mâu thuẫn đã và đang tồn tại?
Một thông tin đáng để chờ đợi: Theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1.7.2020, sẽ không còn phụ cấp thâm niên, lương giáo viên trả theo vị trí việc làm. Các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm,… sẽ được đưa vào lương theo vị trí việc làm.
 
Bảng lương giáo viên tiểu học mới áp dụng
Bảng lương giáo viên tiểu học mới áp dụng
Nhưng với quy định mới này, lương của đội ngũ giáo viên mới vào nghề được nâng lên. Song, những giáo viên lâu năm sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nữa, vì thế, thu nhập có thể bị giảm.
Ngoài ra, để được xếp ở hạng I và được xếp hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78 thì phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe về phẩm chất, đạo đức, bằng khen, danh hiệu...
Nghĩa là vẫn chưa đủ để tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ mang tính đột phá, quyết liệt về câu chuyện tiền lương giáo viên.
Năm học mới mang lại lại nhiều kỳ vọng mới, nhưng sẽ rất khó có một nền tảng giáo dục vững chắc nếu đời sống của giáo viên vẫn còn bấp bênh và với những nỗi lo canh cánh trong lòng, với những lá đơn viết sẵn kẹp vào giáo án có mấy từ: lương không đủ sống.
LINH ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.