(GLO)- Chuyến hành trình của tàu HQ 936, một trong 3 chuyến tàu đưa hàng Tết 2012 đến với trường Sa, bắt đầu cùng một cơn bão. Những ngày cuối cùng, biển động mạnh do một đợt không khí lạnh xuất hiện lại tiếp tục dồn đuổi khiến hải trình dự kiến phải kéo dài đến hơn 1 tuần lễ. Nước ngọt và lương thực dần cạn. Ai nấy đều sốt ruột. Nhưng sốt ruột nhất vẫn là những… chú rể tương lai khi họ có khả năng không về kịp trong ngày cưới, ngày quan trọng nhất của một đời người.
Cùng xuất phát nhưng 2 chuyến tàu của tuyến Bắc và tuyến Nam Trường Sa đã cập cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) từ 7-1. Riêng tàu HQ 936 ở tuyến giữa thì vẫn lênh đênh giữa biển khơi do điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi; đến hết ngày 9-1 tàu vẫn chưa thể hạ xuồng để đưa hàng vào điểm đảo cuối cùng là Trường Sa Đông. Lúc chúng tôi đến phòng của Trung úy Lê Văn Giang, nhân viên áp tải hàng kỹ thuật của Đoàn Trường Sa, thì đúng là anh đang rầu rĩ nằm “úp mặt vào tường” như lời của anh em trên tàu. “Anh ấy đang… sốt xình xịch đấy chị ạ!”- mấy anh em cùng phòng tếu táo trêu đùa. Ai cũng biết Trung úy Giang sẽ cưới vợ vào ngày 24 Âm lịch (nhằm ngày 17-1-2012), nhưng dự kiến tàu sẽ về rất sát ngày đã định nên có khả năng không kịp tổ chức cưới vì… thiếu chú rể.
Trung úy Lê Văn Giang mong ngóng từng ngày trở về đất liền. Ảnh: Phương Duyên |
Chưa kể, vì đặc thù công việc, khi cập cảng anh còn phải mất một ngày bàn giao giấy tờ, công việc, lại mất thêm một ngày nữa để bắt xe về quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Vậy mới thấm câu “Một ngày dài hơn thế kỷ”! Đã 6 năm lênh đênh rong ruổi cùng những chuyến tàu ra Trường Sa (mỗi năm 3-4 chuyến), nhưng “mọi năm chỉ đi khoảng 20-22 ngày, chưa có chuyến nào dài ngày như chuyến này”- Trung úy Giang như ngồi trên đống lửa.
Anh cho hay, vợ tương lai của anh là chị Lê Thị Nhung, 23 tuổi, kế toán xã Diễn Kỷ, Nghệ An. Hai người quen nhau đã gần một năm và lên kế hoạch cưới từ hơn một tháng trước, nhưng “giờ thì chắc phải dời đến sau Tết chứ sao kịp nữa”- anh thở dài nói. Cũng may, vợ chưa cưới của anh là một cô gái đầy bản lĩnh. Đã quá hiểu những vất vả khi quyết định làm vợ lính, chị động viên anh bằng một câu… không đụng hàng: “Không sao đâu, ngày cưới không có anh thì em… mượn tạm bạn anh làm chú rể vậy!”. Trung úy Giang tâm sự: “Biết là cô ấy miệng cười nhưng lòng căng lắm”. Phía bố mẹ anh thì đã có 9 cháu ngoại nhưng chưa có cháu nội, phía vợ chưa cưới thì chưa có đứa cháu nào để bồng bế nên ai cũng mong lắm. Cả nhà sốt ruột không kém nhưng cũng chỉ biết chờ và chờ.
Cùng tâm trạng là Thượng úy Nguyễn Văn Tư, nguyên Đảo phó đảo Núi Le. Chuyến tàu trở về đất liền lần này với anh vô cùng ý nghĩa, vì ở quê nhà Nam Định có một người vợ sắp cưới đang chờ đợi anh. Tình cờ, chị cũng tên Nhung, Trần Thị Nhung, 24 tuổi, là công nhân viên quốc phòng. Sau 3 năm yêu nhau, anh chị dự tính sẽ cưới vào ngày 25 Âm lịch (nhằm ngày 18-1-2012). Thiệp cưới đã in xong, nhưng ở nhà không dám phát thiệp. “2 gia đình đã định ngày, còn mình thì lại đang lênh đênh trên biển thế này...”- Thượng úy Tư nhìn xa xăm về phía biển. Là cán bộ Hải quân từng kinh qua biết bao sóng gió, anh đã xác định tâm lý nên cũng thấy vững vàng, song chị thì đã không ít lần rơi nước mắt qua những cuộc điện thoại từ đất liền.
“Thương lắm, cô ấy phải một mình lo hết mọi chuyện, chắc sẽ tủi thân lắm”. Tuy gấp gáp nhưng Thượng úy Tư cho biết, đám cưới có thể phải lùi lại nhưng vẫn sẽ tổ chức trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.
Tuy lòng ngổn ngang lo lắng là vậy, nhưng cả Trung úy Lê Văn Giang và Thượng úy Nguyễn Văn Tư đều xác định nhiệm vụ là trên hết. Đó là phẩm cách thường trực của lính. “Mấy năm trước còn có trường hợp một anh bên nhà giàn không về kịp nên đám cưới vẫn phải tổ chức mà không có chú rể. Còn mình thì vẫn chưa đến nỗi nào…”- Trung úy Giang tự nhủ.
Ngoài kia, biển vẫn ầm ào chưa biết lúc nào sẽ lặng sóng. Chuyến hành trình sẽ còn dài. Chợt thấy thương người lính, dù ở thời chiến hay thời bình họ cũng là những người phải chấp nhận rất nhiều hy sinh và gian khổ. Bỗng nhiên, những câu thơ trong bài “Đợi anh về” của nhà thơ Konstantin Simonov (Nga) lại trùng hợp đến lạ:
“Đợi anh về, em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì em ơi cứ đợi…”
(Tố Hữu dịch)
Phương Duyên