Bài 1: Thăm đảo Thổ Chu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

.

(GLO)- Trong không khí hân hoan của đất trời vào Xuân Nhâm Thìn-2012, chúng tôi có mặt tại Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Các phòng, ban của Bộ Tư lệnh đang khẩn trương triển khai kế hoạch thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trong một hải trình dài ngày tại các hòn đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Xã Thổ Châu nằm trên đảo Thổ Chu, đây là một xã đảo duy nhất trong cụm đảo phía Tây Nam của Tổ quốc đã được phát hiện từ những năm đầu thế kỷ XIX. Hòn đảo rộng 1.395 ha và cách huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) trên 100 km nhưng trung bình mỗi ngày có đến 700 chiếc tàu các loại ra vào. Cuộc sống nơi đây thật hiền hòa, thanh bình và là một phần không thể thiếu của đất liền.

Thắm đượm tình quân dân

Vào lúc 23 giờ ngày 3-1, chúng tôi xuất phát từ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trên chuyến tàu HQ 632. Một hồi còi tàu kéo dài làm cho ai nấy đều háo hức sẵn sàng cho một chuyến đi dài trong những ngày giáp Tết. Trung úy Khúc Văn Hậu- Thuyền trưởng tàu HQ 632 ra lệnh tất cả kiểm tra quân số và phải thực hiện nghiêm hiệu lệnh cho một chuyến đi thật an toàn…

Trên tàu HQ 632. Ảnh: Văn Nhung
Trên tàu HQ 632. Ảnh: Văn Nhung

Sáng 4-1, tàu đã đến đảo Thổ Chu. Dù rất mệt nhưng các thành viên trong đoàn đã hăng hái xuống đảo và thăm hỏi nhau như người thân lâu ngày gặp lại. Nghệ sĩ cải lương Lê Ngọc Thu (nghệ danh Phương Thu) công tác tại Nhà hát Tây Đô thuộc Đoàn cải lương Tây Đô (tỉnh Cần Thơ) đã tranh thủ dành nhiều tình cảm trìu mến đến với các chiến sĩ qua những câu vọng cổ trầm ấm ngọt ngào. Chị tâm sự: “Đây là lần thứ 3 mình đến với cán bộ, chiến sĩ ở các đảo Tây Nam của Tổ quốc. Nhưng mỗi lần đến gần như hoàn toàn mới đối với mình bởi đời sống người dân ở đây thay đổi từng ngày. Gặp lại cán bộ, chiến sĩ như gặp người thân ruột thịt và biển đảo như một phần đời gắn bó để mình chiêm nghiệm, suy nghĩ chín chắn trong sự nghiệp ca hát”.

Còn bạn Quang Khải- phóng viên Báo Văn nghệ Thái Nguyên cũng chia sẻ: “Mình là người ở vùng đất xa nhất đến với chuyến công tác này và cũng là lần đầu tiên thăm biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Lòng thấy thật bồi hồi xúc động bởi mọi người thật gần gũi, ân tình trong thăm hỏi giao tiếp. Chính mình được các anh, các bạn hỏi thăm sức khỏe, công việc và người thân ở đất liền”. Binh nhất Nguyễn Hoàng Minh thuộc Cụm chiến đấu 2 (đảo Thổ Chu) tâm sự: “Lính mới xa nhà nên rất nhớ gia đình nhưng bù lại được đồng đội và cấp trên quan tâm làm em nguôi đi phần nào. Lãnh đạo đơn vị coi như em trai trong nhà và rất quan tâm đến tâm tư tình cảm, sức khỏe. Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Lời tâm sự của Minh cũng là suy nghĩ của nhiều cán bộ chiến sĩ ở đây. “Mỗi độ Xuân về, Tết đến, các đoàn công tác ra thăm hỏi. Đây là sự động viên rất lớn cho mỗi chúng tôi hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ cao cả mà dân tộc giao phó”- Thượng tá, Chủ nhiệm chính trị Bùi Mạnh Cường nói.

Bình yên xã đảo

Thổ Chu là một hòn đảo cong cong hình lưỡi liềm, sóng êm nên thuận tiện cho các tàu đánh bắt cá ra vào. Thổ Chu có 2 mùa khí hậu tương đối khác biệt mà người dân nắm bắt để ra khơi. Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 10 ít gió, không mưa nên tàu thuyền và nhiều gia đình buôn bán tập trung ở mạn Bắc; từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau mưa và gió mạnh ở mạn Bắc nên tàu thuyền và nhiều cư dân lại chuyển sinh hoạt sang mạn Nam của đảo.

Tàu về cập bến Thổ Chu. Ảnh: Văn Nhung
Tàu về cập bến Thổ Chu. Ảnh: Văn Nhung

Vì vậy nhiều gia đình có đến 2 nhà trên đảo để di chuyển sinh hoạt, mua bán với ngư dân. Dân xã Thổ Châu chỉ có 1.698 nhân khẩu với 513 hộ và sống chủ yếu buôn bán và đánh bắt hải sản. Cứ 5 ngày lại có một chuyến tàu ra vào Phú Quốc trừ những ngày giông gió. Người dân nơi đây thật hiền hòa dễ gần gũi như tính cách người dân biển của nhiều vùng miền trên cả nước ta. Nếu ai xa lạ lần đầu tiên đến đảo thì người dân cũng dễ dàng nhận ra.

Điều đáng mừng là vài năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đầu tư đáng kể cho đảo. Bây giờ, xã Thổ Châu đã có trạm xá khang trang với 2 bác sĩ, trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở, chợ búa mua bán sầm uất, đã có điện và hệ thống thông tin truyền thông thông suốt… Nhờ vậy, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở các đại đội được cải thiện đáng kể.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Phước Nhân- Trạm phó Trạm Y tế xã Thổ Châu cho biết: “Trạm Y tế đang được xây dựng lại toàn bộ và dự kiến trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn- 2012 sẽ khánh thành đưa vào sử dụng. Trạm có 2 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 điều đưỡng, 1 nữ hộ sinh và 1 dược sĩ trung học. Trạm đã có phòng mổ, siêu âm và dự kiến sắp đến đầu tư Xquang, xét nghiệm. Thời gian đến, Trạm sẽ được tăng cường thêm bác sĩ, phương tiện kỹ thuật để thực hiện phối hợp quân dân y chăm sóc cho nhân dân trên đảo một cách tốt nhất”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn đó những lý do khách quan nên đời sống người dân trên đảo còn những khó khăn nhất định, nhất là về nước uống. Đại úy Phạm Trọng Tuệ cho biết, do đây là vùng nước nhiều san hô nên nước uống chủ yếu là nước mưa. Các đơn vị bộ đội và nhân dân phải xây bể tích nước mưa để uống vào mùa khô. Điện cũng chỉ phục vụ từ 7 giờ 30 phút đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 23 giờ. Hy vọng rằng sắp đến có nhà máy nhiệt điện thì sẽ thuận lợi hơn.

Văn Nhung- Thành Thất

Đoàn công tác của chúng tôi gồm có 74 cán bộ của 6 đoàn thuộc một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 13 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Nội Mới, Công an Nhân dân, Thái Nguyên, Cần Thơ, Cà Mau, Tuổi Trẻ, Tiền Phong và Báo Gia Lai. Đoàn thăm và chúc Tết tại 5 hòn đảo: Thổ Chu, Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Dốc. Chúng tôi mang theo lời ca, tiếng hát, sách báo và các món ăn truyền thống như bánh mứt, thịt, măng khô, cà phê… Đặc biệt, tại buổi gặp mặt trước chuyến đi, Đại tá Nguyễn Duy Tỷ- Tư lệnh phó quân sự Vùng 5 Hải quân đã bày tỏ: “Trong đợt thăm chúc Tết lần này, đây là lần đầu tiên có cả những người con của vùng đất Tây Nguyên đến với biển đảo. Tôi mong muốn qua báo chí, người dân Tây Nguyên hiểu nhiều hơn về cuộc sống nơi đảo xa cũng như các cán bộ chiến sĩ được hiểu về Tây Nguyên qua báo chí”.

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.