Đọc "Những làng ma tôi đã đi qua" của Chử Anh Đào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng ma là một cách nói về sự sống. Người Tây Nguyên quan niệm chết chưa phải là hết, mà là một sự thay đổi trạng thái tồn tại, họ chỉ không quây quần hàng ngày bên mái nhà sàn, bên ngôi làng thân thuộc nữa mà an nghỉ ở một nơi riêng, thường là đầu làng hoặc cuối làng, tức là rìa làng, vẫn gần gụi thân thuộc lắm. Hàng ngày, người sống vẫn ra đấy, mang thức ăn cho họ, người trong nhà ăn sao ở đây ăn thế. Họ trò chuyện với nhau, tâm sự với nhau, kể với nhau chuyện xảy ra ngày hôm nay trong làng, trong nhà.
Phải đến khi Pơ thi (bỏ mả) thì những câu chuyện rủ rỉ hàng ngày kia mới hết, mới chính thức mỗi người mỗi ngả, vì điều kiện sống, vì tập tục, cái nhớ cái thương, sự cách biệt âm dương từ nay mới xuất hiện. Nhưng, vẫn chưa hết, vì người sống đẽo những pho tượng mồ rất đẹp gửi cho người chết. Những tượng mồ chính là được người sống “cử” đi theo để hầu hạ, để bầu bạn, để vui cùng người chết...
  Ảnh: Minh Huệ
Ảnh: Minh Huệ
Làng ma, vì thế nó... ấm cúng.
Không dễ gì và cũng không phải ai cũng “đọc” được điều ấy.
Chử Anh Đào, bằng vốn sống hơn 40 năm gắn bó với Gia Lai đã “đọc” được rất rõ điều ấy. Và hơn hết, anh chuyển tải sự “đọc” kỳ khu, kỹ lưỡng và đầy cảm xúc của mình vào những trang sách.
Cuốn “Những làng ma tôi đã đi qua” của anh ra đời cũng lạ.
Là người viết, ai cũng muốn tác phẩm của mình được “ra tấm ra món”, tức là được tập hợp sang trọng trong những trang sách, có gáy, có bìa. Trước đấy, các bài viết của anh được in lẻ trên các báo. Như là một thử thách, một cách tiếp cận với bạn đọc để “nghe ngóng” sự phản hồi và bản thân mình cũng có độ lùi nhất định để xác định hình hài “đứa con” của mình. Chử Anh Đào là người kỹ tính. Anh đang tự tập hợp, đang nghe ngóng, đang đón chờ phản hồi... thì biết mình bị trọng bệnh. Điều quý là anh điềm tĩnh và bình thản đón nhận. Không buông xuôi, không hốt hoảng, anh nhận tin trong sự thấu hiểu mệnh trời và cả mệnh... mình. Bạn bè vẫn thấy anh ngồi cà phê gốc nhãn, tức quán cà phê anh thường ngồi đấy với một… chai bia Sài Gòn. Và những con chữ vẫn tuôn từ đấy. Rồi một số bạn bè anh ở Hà Nội bèn nảy ra một sáng kiến là tập hợp những thứ mà anh đang còn lưỡng lự, đang còn ngắm nghía kia, in thành một tập. Và “Những làng ma tôi đã đi qua” được ra đời. Nó được chuyển về Pleiku khi anh đang xạ trị ở Sài Gòn, phải cả tuần sau anh mới được nhìn mặt đứa con tinh thần của mình.
Những làng ma nhưng lại không nói chuyện... ma. Nó là hành trình của người sống đi tìm cái đẹp, là những chiêm nghiệm, là ký ức là tương lai, là nỗi đau là hạnh phúc, là cái thường nhật và cả cái phi thường, là những xốn xang và những bình lặng, là những mất còn hơn thiệt thắng thua, là những vĩnh hằng nhưng đầy khoảnh khắc, là ngày mai trong vệt nắng chiều nay...
Và thực sự thì thế này, nghe tên tập sách cứ tưởng tác giả chỉ viết về những vấn đề của Tây Nguyên bản địa, với đời sống của người Jrai, Bahnar, về những bí ẩn Tây nguyên, những mịt mù với những phát lộ Tây Nguyên. Hóa ra không phải thế. Với tác giả, toàn bộ đời sống mà anh đã đi qua, đã chứng kiến, đã sống, đã khổ đau hạnh phúc với nó, đã vì nó mà tồn tại... là một ngôi làng. Tác giả quy đồng tất cả thành một ngôi làng. Tại sao lại không kia chứ. Mỗi người có một vùng ký ức, vùng tồn tại của mình. Chử Anh Đào cũng thế, anh quy tất cả những vùng ấy thành... làng. Xuất thân từ đất tổ và cổ (Phú Thọ), anh đã chọn Gia Lai để sống và trưởng thành. Và toàn bộ không gian, thời gian cả ảo và thật ấy của anh được anh quy thành... làng. Không khó để nhận ra ý đồ nghệ thuật khi anh đặt tên cho cuốn sách của mình như thế. Có những mảng về Tây Nguyên như: “Chị Pem”, “Chư Mố”, “Ký ức Nú Vai”, “Nhà rông văn hóa và nhà rông”, “Những làng ma tôi đã đi qua”, “Pơ Tó”, “Họ và tên của người Jrai”... Nhưng cũng có ký ức: “Tôi, một giây đời đã nhỏ xuống Pleiku”, “Chư Prông còn đó bạn tôi nằm”, “Mái trường xưa”... cùng những chiêm nghiệm về cuộc đời, về hiện tại của chính tác giả: “Đôi bờ”, “Xóm đạo thuở ấy”, “Mỹ học địa danh”, “Người bán hàng Tết”... Những mảnh, những dãy, chuỗi, những quầng sáng tâm thức được tác giả bóc tách, trải ra, như một cách biết ơn cuộc đời và cũng như một cách thể hiện tâm thức của mình với bạn đọc...
Trên hết là một thái độ sống hết sức đáng quý, lạc quan mà chừng mực, suy nghĩ mà tươi tắn, vì thế cuốn sách tưởng chỉ có “làng ma” nhưng ta đã gặp một thế giới mà ở đó có những khoảnh khắc trở thành bất tử...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...