Độc đáo gạo "lúa chét Tràm Chim"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đã năng động, sáng tạo và tiên phong trên con đường khởi nghiệp để làm giàu chính đáng bằng tài năng, trí tuệ của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong đó có Nguyễn Thanh Hiếu - Bí thư Xã đoàn Tân Công Sính.

Sản phẩm “gạo sạch” từ lúa chét

Trong một lần đến nhà bạn chơi, được bạn đãi cơm nấu từ gạo của hạt lúa chét rất thơm, ngon nên anh Nguyễn Thanh Hiếu đã ấm ủ ý tưởng làm cho bằng được sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa chét trên đồng ruộng quê nhà.

 

Nguyễn Thanh Hiếu và lúa chét Tràm Chim do anh sản xuất.
Nguyễn Thanh Hiếu và lúa chét Tràm Chim do anh sản xuất.

Lúa chét còn được gọi là lúa rày, lúa tái sinh… Đây là loại lúa trỗ từ gốc rạ sau khi nông dân thu hoạch lúa hè-thu. Năng suất lúa chét đạt từ 5-7 giạ/công. Nếu chăm sóc, bón phân… có thể đạt năng suất hơn 10 giạ/công. Anh Nguyễn Thanh Hiếu cho biết: “Tôi thấy lúa chét là loại lúa tái sinh. Bởi, cây lúa này tự mọc lên từ gốc rạ sau khi bà con gặt lúa và nó tự sinh trưởng, nông dân không sử dụng bất cứ một loại thuốc nào hết mà tự nó cho được bông.

Bên cạnh đó, có một lần tôi dùng thử, tôi thấy cũng khá ngon. Nhưng, bà con lại không biết. Hầu như lúa chét này bà con đem về cho vịt ăn, tôi thấy cũng tiếc và muốn nâng cao giá trị sản phẩm phụ này để nâng lên một giá trị mới mà lại đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đó là một trong những xuất phát điểm mà tôi thấy và quyết định làm một sản phẩm “gạo sạch” từ lúa chét…”.

Mùa nước nổi năm 2015, anh Hiếu nhờ một đoàn viên ở ấp mua giùm một bao lúa chét (khoảng 10kg) đem về xay thành gạo ăn. Sau khi nấu gạo lúa chét thành cơm, anh Hiếu và những người thân trong gia đình thấy cơm thơm, ngon và ngọt… Từ đó, anh Hiếu bắt tay vào làm ra sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa chét.

Anh Hiếu mua lúa chét về xay xát ra gạo rồi đóng gói, đặt tên thành phẩm là “gạo lúa chét Tràm Chim” và đem ra giới thiệu trên thị trường... Sản phẩm được đóng 2 loại: Một gói 2kg và một gói 5kg, giá bán 25.000 đồng/kg.

Trong lúc đưa tôi tham quan một vòng cơ sở sản xuất gạo lúa chét của mình, anh Nguyễn Thanh Hiếu vui vẻ bày tỏ: “Đầu tiên, tôi cũng làm với sản lượng ít để đem bán thử ra thị trường. Bất ngờ lớn nhất của tôi là sau khi đóng gói bán thì mặt hàng bán rất chạy, chúng tôi không đủ sản phẩm để cung cấp. Thấy vậy, về tôi trực tiếp đến với các hộ dân nghèo trong xã Tân Công Sính đặt hàng thu mua lượng lúa chét của bà con đang dự trữ trong nhà đem về xay ra gạo và đóng gói thành phẩm để bán…”.

Vụ lúa chét đầu tiên, anh Hiếu đã bán hết trên 400kg “gạo lúa chét Tràm Chim”. Điều đáng quan tâm là sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt là đã có một Cty tại TP.Hồ Chí Minh đặt hàng với số lượng lớn mà mùa nước nổi năm 2016, anh Hiếu chỉ cung cấp cho Cty được có 2 tấn “gạo lúa chét Tràm Chim” do cung không đủ cầu…

Đại diện Cty tại TP.Hồ Chí Minh mua gạo lúa chét Tràm Chim của anh Hiếu bày tỏ: Người tiêu dùng ở Sài Gòn hiện rất ưa chuộng sử dụng gạo lúa chét Tràm Chim. Bởi, cơm nấu từ gạo lúa chét chẳng những thơm, ngon, giàu chất dinh dưỡng mà còn an toàn thực phẩm. Cty đặt mua gạo lúa chét Tràm Chim với số lượng nhiều, nhưng anh Hiếu không đủ cung cấp do thiếu nguyên liệu.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở thị trấn Tràm Chim đã mua và ăn cơm gạo lúa chét Tràm Chim cho biết: “Loại gạo này nấu cơm cũng nở, khô như gạo thường, ăn cơm có hương vị ngọt, thơm, ngon và hơi dẻo… Thời gian gần đây, gia đình tôi rất thích ăn cơm nấu từ gạo lúa chét Tràm Chim. Bởi loại lúa này không có dư lượng thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình”.

Thương hiệu gạo lúa chét Tràm Chim

Trước những kết quả khả quan, anh Nguyễn Thanh Hiếu đang huy động thành lập một Tổ hợp tác thanh niên thu hoạch lúa chét, vừa tạo việc làm, vừa giúp thanh niên có nguồn thu nhập ổn định trong mùa nước nổi.

Anh Hiếu cho biết: “Những thanh niên này sẽ đi ra những cánh đồng thu hoạch lúa chét đem về cho chúng tôi chế biến ra sản phẩm gạo sạch mang thương hiệu gạo lúa chét Tràm Chim để bán cho người tiêu dùng. Đồng thời, đầu tư thêm công cụ, máy móc hỗ trợ thêm trong việc thu gặt để đảm bảo cho hạt lúa sạch”.

Chỉ mới trên 30 tuổi, nhưng anh Nguyễn Thanh Hiếu đã có nhiều ý tưởng khởi nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp ở địa phương rất đáng tự hào. Trước đây, anh Hiếu là một trong những người sáng lập tổ hợp tác thực hiện thành công ý tưởng khởi nghiệp với nhiều sản phẩm đều do chính các đoàn viên tự tay nuôi trồng hoặc thu mua của nông dân rồi chế biến thành phẩm như: Khô cá lóc, khô cá chạch, khô cá sặt rằn, củ kiệu làm dưa… lên quầy (ki-ốt) hàng đặc sản phục vụ du khách tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Từ quầy hàng đặc sản này, trung bình mỗi đoàn viên thu nhập thêm khoảng 1,2 - 2 triệu đồng/tháng, vừa trang trải được cuộc sống, lại có thể mang những đặc sản quê nhà vươn xa nên ai cũng hăng hái… Bây giờ anh Hiếu tiếp tục thực hiện hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp độc đáo bằng sản phẩm “gạo lúa chét Tràm Chim”.

Anh Nguyễn Thanh Hiếu đã vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Đồng Tháp tặng thưởng danh hiệu Thanh niên tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2016.

Theo kế hoạch sắp tới, anh Hiếu sẽ mở rộng quy mô để tăng sản lượng sản phẩm gạo sạch từ lúa chét... Tuy nhiên, anh Hiếu vẫn còn băn khoăn về vùng nguyên liệu, vốn và công cụ máy móc… phục vụ cho việc làm ra sản phẩm gạo lúa chét.

Anh Hiếu chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là nguồn vốn để chúng tôi xin đầu tư để thu mua lúa chét và cần hỗ trợ về công cụ máy tuốt lúa phù hợp trên đồng. Điều chúng tôi băn khoăn là diện tích đất đang làm bờ bao để canh tác lúa 3 vụ. Như vậy, nguồn nguyên liệu lúa chét về lâu dài sẽ không đảm bảo.

Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng: Dự án của tôi thành công tốt đẹp thì tôi nghĩ bà con nông dân cũng nên thay đổi tư duy làm lúa của mình. Thay vì bà con lên ô bao làm lúa 3 vụ thì chúng ta nên làm 2 vụ, hãy để cho đất nghỉ ngơi một thời gian khoảng 2 tháng rưỡi thì đất làm vụ sau sẽ trúng. Riêng bà con sẽ có nguồn thu nhập phụ cao từ hạt lúa chét. Dù lúa chét cho sản lượng ít, nhưng bà con được lợi ích nâng lên tương đương với làm lúa vụ 3…”.

Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - đã gửi thư tặng anh Nguyễn Thanh Hiếu thay lời kết cho bài viết này: ““Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Năm nào cũng vậy, mẹ tôi thường nấu một nồi cơm gạo mới dâng cúng ông bà trước tiên nhưng luôn là lúa chét. Bởi, gia đình tôi sống bằng nghề chằm lưới và chẳng có ruộng đất gì. Tôi cũng không hiểu tại sao mẹ tôi chọn loại lúa này mà không phải là lúa mùa, nhưng tôi chắc là mẹ vui và tự hào vì hạt lúa đó có từ mồ hôi và công sức của mẹ…

Quê tôi còn nhiều gia đình neo đơn, vất vả lắm nên lúa chét vẫn là cứu cánh của họ khi mà mùa bão lũ, lụt lội luôn chờ chực hoành hành. Hạt lúa, cho dù là lúa gì cũng là hạt ngọc nên lúa chét cũng được người quê yêu quý xiết bao. Đó là một nét đẹp mà quê tôi còn lưu giữ tới giờ…

Thương những mảnh đời áo tơi, nón vá chênh chao trên đồng nước nổi đục ngầu để thu hái những bông lúa chét mong manh cuốn theo chiều nước. Gợi nhớ đến mình ngày nào mà thương xót vô bờ, mà khóe mắt cay…”.

Trần Trọng Trung/laodong

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.