Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, vô hiệu hóa các âm mưu phản động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đồng bào Tây Nguyên lên án mạnh mẽ sự manh động, man rợ trong vụ tấn công trụ sở xã ở tỉnh Đắk Lắk, đồng thời mong muốn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, vô hiệu hóa âm mưu của thế lực thù địch.
Người dân quay trở lại với cuộc sống thường nhật sau sự việc nhóm đối tượng dùng súng, dao tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Người dân quay trở lại với cuộc sống thường nhật sau sự việc nhóm đối tượng dùng súng, dao tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Rạng sáng 11/6/2023, nhóm đối tượng dùng súng, dao đã tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, khiến một số đồng chí Công an, cán bộ xã và người dân thương vong.

Qua vụ việc này, đồng bào Tây Nguyên lên án mạnh mẽ sự manh động, liều lĩnh, man rợ của các đối tượng; đồng thời đề cao cảnh giác, tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vô hiệu hóa âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm nhằm gây rối an ninh, trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lên án hành động tàn bạo

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các lực lượng chức năng đã quyết liệt truy quét, bắt giữ các đối tượng, điều tra làm rõ vụ việc, ổn định tình hình an ninh, trật tự. Bình yên đã về trên các thôn, buôn của hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Đồng bào các dân tộc anh em ở khắp các thôn, buôn kịch liệt phản đối hành động tàn bạo của nhóm đối tượng.

Các đối tượng đập phá trước trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Các đối tượng đập phá trước trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Bà H Blăk Nie (buôn Kram, xã Ea Tiêu) năm nay đã bước qua tuổi lục tuần, từng kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền từ xã đến huyện Cư Kuin, trải qua nhiều chặng đường phát triển của Tây Nguyên, kể cả những thời điểm khó khăn do các thế lực thù địch chống phá.

Thế nhưng, với sự việc xảy ra vào rạng sáng 11/6, bà cũng như nhiều người dân nơi đây rất bất bình vì sự manh động, man rợ của nhóm đối tượng này. “Chúng rất manh động, thực hiện hành vi rất ác độc. Hành động của nhóm đối tượng này không thể chấp nhận được. Nó đã tước đi sinh mạng của một số người vô tội” - bà H Blăk Nie bức xúc.

Bà H Juen Knul (buôn Kram, xã Ea Tiêu) không thể quên hình ảnh người cháu của mình hốt hoảng chạy về báo tin sự việc. Bà kể: "Cháu tôi làm bảo vệ ở xã. Lúc nhóm đối tượng tấn công vào trụ sở, cháu tôi may mắn chạy thoát được. Qua lời kể của cháu, chúng ra tay rất tàn bạo, gặp ai chúng cũng bắn, chém. Cộng đồng Ê Đê chúng tôi không thể chấp nhận được hành động tàn bạo của chúng. Xã Ea Tiêu từ trước đến giờ chưa từng xảy ra sự việc như vậy. Chúng tôi rất căm phẫn”- bà H Juen Knul nói.

Hung hãn, liều lĩnh, tàn bạo... là những gì người dân nói về hành động của các đối tượng dùng súng, dao, bom xăng, lựu đạn tấn công vào hai trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Nghiêm trọng hơn, trên đường tẩu thoát, chúng sẵn sàng ra tay sát hại người dân với thái độ hung hãn, manh động.

Mục sư Ae Smit (còn gọi là Y Djan Eban- 73 tuổi, trú buôn Kniết, xã Ea Ktur) phẫn nộ: "Tôi thấy đây là một hành động rất tàn bạo, từ nhỏ đến lớn chưa từng thấy. Người dân ở đây rất lo sợ, mong muốn lực lượng chức năng sớm truy bắt hết nhóm này để nghiêm trị."

Công an dẫn giải các đối tượng nghi can trong vụ dùng súng tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân 2 xã ở Đắk Lắk. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Công an dẫn giải các đối tượng nghi can trong vụ dùng súng tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân 2 xã ở Đắk Lắk. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Để các thôn, buôn trở lại bình yên, cuộc sống người dân sớm ổn định, lực lượng chức năng của Bộ Công an, của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương đã túc trực ngày đêm, nỗ lực truy quét, bắt giữ các đối tượng gây rối.

Bên cạnh đó, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự, bình yên đã trở về Ea Tiêu, Ea Ktur. Ngày 14/6, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an thông tin, các lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng số 46 đối tượng và đang tiếp tục truy quét các đối tượng còn lại để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh

Có thể khẳng định, nhiều năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk nói riêng ngày càng được cải thiện.

Chính từ hiệu quả các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.

Bí thư Huyện ủy Cư Kuin xuống động viên người dân tại xã Ea Ninh. (Ảnh: Phan Anh Dũng/TTXVN)

Bí thư Huyện ủy Cư Kuin xuống động viên người dân tại xã Ea Ninh. (Ảnh: Phan Anh Dũng/TTXVN)

Những đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng, Nhà nước được triển khai vào thực tế cuộc sống, đã làm thay đổi diện mạo các buôn làng; là “kim chỉ nam” thay đổi nhận thức, hiểu biết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Theo bà H Blăk Nie, hôm nay, đồng bào đã nhìn nhận, có ý thức cảnh giác cao trong việc bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ bình yên của buôn làng. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc ngày càng giảm, số hộ giàu tăng lên.

"Vụ việc vừa rồi, đồng bào rất phẫn nộ. Sau sự việc này, tôi mong muốn giữa đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc khác càng gắn bó với nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Một nhóm nhỏ không thể phá vỡ sự đoàn kết của đồng bào ta" - bà H Blăk Nie chia sẻ.

Để tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, bà Blăk Nie cho rằng các lực lượng chức năng cần gần dân, sát dân, nắm tình hình chắc từng vùng, từng địa bàn, từng khu; luôn lắng nghe ý kiến dân, hiểu dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm của dân để đưa ra các chương trình, chính sách hợp lòng dân. Khi đó, chắc chắn khối đại đoàn kết toàn dân sẽ luôn vững mạnh.

Bên cạnh đó, với cộng đồng người dân tộc thiểu số, vai trò của người có uy tín trong buôn làng hết sức quan trọng. Bởi người có uy tín rất năng động, hiểu biết pháp luật, các phong trào yêu nước, tâm lý của đồng bào.

Cùng chung quan điểm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - ông Y Luyện Niê K'đăm cho rằng, để tăng cường khối đại đoàn kết, đấu tranh bài trừ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá nhà nước ta, qua vụ việc này, các cấp chính quyền phải tích lũy nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng nhân dân; giác ngộ nhân dân, giáo dục chính trị, tư tưởng cán bộ, chiến sỹ.

Chúng ta phải đoàn kết với nhau chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, qua đó ổn định tình hình an ninh, trật tự trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tạo được thế trận nhân dân, “mỗi nhà dân là một pháo đài” trong đấu tranh, bài trừ hoạt động chống phá nhà nước của các thế lực thù địch.

Xác định rõ nhiệm vụ trong thời gian tới, bà H’ Kim Hoa Bya, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đăk Lăk cho biết trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm được, hiểu rõ hành động sai trái, vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng dùng súng, dao tấn công vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giúp dân ổn định về mặt tinh thần, ổn định cuộc sống; vận động nhân dân không tin, không nghe, không làm và không theo lời xúi giục của kẻ xấu.

Người dân xã Ea Ktur đã quay trở lại cuộc sống thường nhật sau sự việc nhóm đối tượng dùng súng, dao tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Người dân xã Ea Ktur đã quay trở lại cuộc sống thường nhật sau sự việc nhóm đối tượng dùng súng, dao tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Bên cạnh đó, Ban Dân vận đã chủ động chỉ đạo các Ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, tâm trạng của nhân dân. Từ đó có giải pháp kịp thời, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, để người dân hiểu rõ và phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực chống phá.

Ngày 19/4/1946 được ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc khi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hiện nay) thành công tốt đẹp. Đặc biệt hơn, trong ngày này, các đại biểu dự Đại hội vinh dự đón nhận thư Bác Hồ, gửi gắm tất cả niềm tin của Đảng, Chính phủ đối với các dân tộc thiểu số.

Bức thư có đoạn viết: "... Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giấy liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có 'Nha dân tộc thiểu số' để săn sóc cho tất cả đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta".

Tây Nguyên ngày nay đã và đang trở thành quê hương chung của 54 dân tộc anh em, cùng chung lưng đấu cật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung bức thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trở thành nguồn động viên to lớn đối với đồng bào các dân tộc trong suốt những năm chống xâm lăng để bảo vệ Tổ quốc thân yêu, cũng như trong công cuộc kiến thiết, xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp triển khai phương án vây bắt các đối. (Ảnh: Phan Anh Dũng/TTXVN)

Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp triển khai phương án vây bắt các đối. (Ảnh: Phan Anh Dũng/TTXVN)

Chia sẻ về vụ việc, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết trong các giai đoạn cách mạng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn theo Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và có nhiều đóng góp tích cực, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.

Lực lượng Công an Nhân dân tin tưởng rằng, qua vụ việc này, nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ đề cao cảnh giác, tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vô hiệu hóa âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm nhằm gây mất an ninh, trật tự tại Tây Nguyên, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu,” xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

“Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh” - đó là chân lý của Tổ quốc Việt Nam kiên cường.

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.