Đô thị Bình Định mở từ nhiều hướng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tầm nhìn chiến lược về quy hoạch đô thị lõi và đô thị vệ tinh của Bình Định đang dần được hiện thực hóa bằng chính nội lực của địa phương và hỗ trợ đắc lực từ doanh nghiệp.

TP. Quy Nhơn đang có những bước phát triển vượt bậc.
TP. Quy Nhơn đang có những bước phát triển vượt bậc.



Định vị đô thị Quy Nhơn

Đô thị Quy Nhơn 15 năm tới sẽ có những thay đổi căn bản như thế nào là chủ đề được lãnh đạo tỉnh Bình Định đặt ra cho các đơn vị tư vấn quy hoạch và các đơn vị chuyên môn của địa phương. Trả lời câu hỏi này không phải ngày một, ngày hai.

Theo Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng tổng hợp (Nagecco, TP.HCM), đơn vị tư vấn lập quy hoạch TP. Quy Nhơn, thì diện tích 12 phường nội thành của Quy Nhơn trong phạm vi lập quy hoạch là 1.566 ha, dân số hiện tại khoảng 162.000 người. Dự kiến đến năm 2035, nội thành Quy Nhơn sẽ dung nạp khoảng 332.000 người (gồm dân số đô thị tại chỗ, dân số dung nạp từ các dự án và khách du lịch). Vì vậy, Quy Nhơn cần phải bổ sung thêm trường học, chung cư, hệ thống giao thông, bãi đậu xe, nhà máy cấp nước sinh hoạt, lưới điện…

Ông Lê Đăng Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết, tuyến Quốc lộ 1D chạy vào nội thành Quy Nhơn có 6 làn xe, nhưng giờ cao điểm có rất nhiều xe tải và các phương tiện khác qua lại, nên tương lai có thể quá tải, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, nên Sở và đại diện Nagecco đều đề xuất xây dựng thêm một tuyến đường vành đai nằm sát chân núi Vũng Chua, song song với Quốc lộ 1D, để dành cho xe khách và xe tải.

Trong khi đó, đại diện Sở Giao thông - Vận tải Bình Định đề nghị nên có tuyến đường đối ngoại từ phía Nam Thành phố về cảng Quy Nhơn, nối dài tuyến đường ven biển Xuân Diệu đến Khu đô thị khoa học Quy Hòa và thực hiện tuyến đường Quốc lộ 19C nối dài từ thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) đến đường Lê Thanh Nghị ở TP. Quy Nhơn như đã quy hoạch.

Theo ông Phan Cao Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc thực hiện quy hoạch TP. Quy Nhơn nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung xây dựng Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2015. Những năm qua, 12 phường nội thị Quy Nhơn có nhiều dự án nhưng “ngắm đến đâu thì làm đến đó”, không được quy hoạch bài bản, không đồng bộ, thống nhất.

Hiện quỹ đất TP. Quy Nhơn hẹp, nếu không có quy hoạch, không có tầm nhìn dài hạn về quy hoạch phát triển đô thị, cứ để phát triển tự phát thì sẽ khó quản lý, sau này sẽ trả giá đắt. Vì vậy, thời gian tới, 12 phường nội thành sẽ tập trung vào các đồ án chỉnh trang đô thị, sử dụng quỹ đất hợp lý nhằm phát triển đô thị theo hướng thương mại - dịch vụ.

“Điều quan trọng nhất trong đồ án là phải quy hoạch lại núi Bà Hỏa để kêu gọi, thu hút đầu tư. Hiện khu vực phía Tây núi Bà Hỏa có Khu đô thị hồ Phú Hòa, đường Điện Biên Phủ và các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú đang phát triển rất nhanh, nên ngọn núi này nằm lọt vào trung tâm TP. Quy Nhơn. Nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm tới việc đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ du lịch tại khu vực này. Trong khu vực nội thành chỉ quy hoạch bãi đậu cho xe taxi, ô tô, còn các xe khách, xe tải… đã được quy hoạch bãi đậu ở ngoại thành.

“Quy hoạch chỉnh trang đô thị là để tăng cường phát triển dịch vụ, thương mại, các công trình hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cộng đồng. Không phải cứ di dời rồi phân lô bán nền hết, khiến đô thị phát triển manh mún, sau này tăng dân số thì việc quy hoạch lại, di dời sẽ rất phức tạp”, ông Phan Cao Thắng nhấn mạnh.

Phát triển đô thị nhiều hướng

Dễ nhận thấy, trục quy hoạch đô thị xuyên suốt của Bình Định đối với TP. Quy Nhơn thời gian qua là tầm nhìn quy hoạch để hướng ra biển. Các trục đường chính Nguyễn Tất Thành, Lê Hồng Phong, Ngô Văn Sở, Trần Phú, Xuân Diệu... đã và đang được thông tuyến ra biển để tạo thành những hành lang đưa gió từ vịnh Quy Nhơn đi xuyên qua thành phố, biến đường phố thành những luồng điều hòa khí hậu tự nhiên. Đồng thời, việc quy hoạch hướng biển sẽ mở rộng không gian Quy Nhơn về phía Đông qua bán đảo Phương Mai trong phạm vi Khu kinh tế Nhơn Hội và các vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định sẽ là đô thị trung tâm phía Tây tỉnh Bình Định, đã được nhà đầu tư quy hoạch khoa học, bài bản, thân thiện môi trường được nhìn nhận sẽ là cực tăng trưởng mới tiềm năng của Bình Định trong tương lai.


Với việc xuất hiện nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược, nhiều dự án hạ tầng được tập trung đầu tư như hầm đường bộ Cù Mông; Quốc lộ 19 mới, đường phía Tây tỉnh (Quốc lộ 19B); Cảng hàng không Phù Cát được nâng cấp mở rộng... đang mở ra nhiều hướng quy hoạch không gian đô thị đối với Bình Định.

Điều này là phù hợp với kế hoạch quy hoạch phát triển đô thị xanh TP. Quy Nhơn đến năm 2030, với việc mở rộng không gian đô thị đầm phá (đầm Thị Nại); đô thị sân bay (sân bay Phù Cát), hay Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định mà Đề án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên tổng diện tích Khu kinh tế khoảng 14.308 ha (tăng thêm 2.308 ha so với trước đó) thì Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ gồm phần hiện hữu trên bán đảo Phương Mai với các xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải và phường Hải Cảng thuộc TP. Quy Nhơn; một số xã thuộc huyện Phù Cát và Tuy Phước; phần mở rộng thuộc xã Canh Vinh (huyện Vân Canh).

Khu kinh tế Nhơn Hội được chia thành 8 phân khu chức năng, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển đa dạng như Khu đô thị - du lịch Tân Thanh, Vĩnh Hội; Khu đô thị cửa ngõ Cát Tiến; Khu công nghiệp, đô thị Nhơn Hội; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định…

Trong đó, Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex VSIP Bình Định sẽ là đô thị trung tâm phía Tây tỉnh Bình Định, đã được nhà đầu tư quy hoạch khoa học, bài bản, thân thiện môi trường được nhìn nhận sẽ là cực tăng trưởng mới tiềm năng của Bình Định trong tương lai, đồng thời, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, tăng dân số cơ học và giãn dân, giảm áp lực cư dân nội thị Quy Nhơn, tạo việc làm tại chỗ và tạo ra thế hệ lao động có tay nghề trong giai đoạn phát triển mới của Bình Định.

Để đánh thức tiềm năng phía Tây, liên kết khu vực này với Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia và Thái Lan, Bình Định đang tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án bằng những quyết định cụ thể: phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp - đô thị Becamex A (phân khu 7), Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng diện tích lập quy hoạch là 1.425 ha.

Theo quyết định phê duyệt thì khu vực quy hoạch nằm tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Diện tích lập quy hoạch được chia thành 3 khu chức năng chính: Khu đô thị Becamex A với diện tích 374,4 ha, quy mô dân số 23.400 người, được tổ chức thành 4 khu ở với quy mô diện tích và dân số phù hợp với 4 đơn vị ở có tên gọi gắn liền với hiện trạng ở địa phương; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex Bình Định với diện tích 1.000 ha (đất cây xanh, mặt nước, đất công trình hành chính dịch vụ, đất nhà máy, kho tàng); tuyến giao thông đối ngoại là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, dự kiến đi dọc theo ranh giới phía Tây của khu quy hoạch.

Tháng 2/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định quy mô hơn 1.000 ha. Việc quy hoạch dự án này nhằm cụ thể hóa điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hình thành một khu công nghiệp - đô thị tập trung, đa ngành nghề với hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Theo HÀ MINH (baodautu)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.