Dịu dàng xuyến chi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dường như mọi nỗ lực của rễ đã trút hết nhựa sống cho những bông hoa. Năm cánh hoa trắng tinh như được đan bằng những sợi tơ mềm mịn xếp xung quanh đốm nhụy vàng lấp lánh nhẹ lay trong gió, nhìn xa như những chiếc đèn nho nhỏ đung đưa dưới màn sương mờ ảo.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Không ai nghĩ loài hoa dại có họ hàng với hoa cúc lại có cái tên khiến người ngắm luôn xao xuyến một điều gì đó. Xuyến chi không rực rỡ như chị em nhà cúc, cũng chưa một lần được chen chân vào các shop hoa tươi như hoa hồng, ly, phong lan... Xuyến chi chỉ là loài hoa dại bất cứ đâu cũng có thể khoe vẻ đẹp khiêm nhường, giản dị như một cô thôn nữ e ấp trong nụ cười duyên. Những thân, cành mảnh dẻ, gầy guộc ấy chứa đựng cả một sức sống mãnh liệt. Xuyến chi có thể sống và nở hoa ở khắp mọi nơi từ bờ rào, ghềnh đá, bãi đất hoang... đến kẽ nứt của bức tường bê tông. Mùa mưa, xuyến chi uống những giọt mưa mát lành mà sống nên cây cao xanh mướt. Mùa khô, cây đón sương, đón gió mà lớn nên cây mảnh dẻ, xù xì tím lại. Xuyến chi nở quanh năm, trong sương lạnh, trong cái nắng đỉnh mùa khô Tây Nguyên, trong gió khô bụi đỏ. Hoa lặng lẽ nở và dịu dàng dâng tặng cho đời chút hương. Chỉ những con ong tinh tế mới nhận ra và luôn về kịp lúc hoa nở rộ thanh tân chứa nhiều mật ngọt nhất. Đời hoa và ong cứ bện lấy nhau mà sống. Rồi xuyến chi kết trái, khô cong cùng những hạt dài túa ra như những quả cầu gai găm vào ống quần, vạt áo ai đi ngang qua, hoặc kiên nhẫn chờ những cơn gió ngang qua, sẵn sàng gieo mầm trên vùng đất mới.
Tôi sống ở vùng ngoại ô, xuyến chi như một món quà xinh xắn, ấm áp cho những ngày đẫm sương, mưa dầm. Sương li ti rắc đều lên những cánh hoa trắng như những viên ngọc trong suốt, nhẹ tênh, không nỡ làm cánh hoa gục xuống. Đi trên cánh đồng hoa xuyến chi, tai tôi còn như văng vẳng câu chuyện về sự tích hoa xuyến chi, và dường như tiếng cô gái còn ngân nga một bài hát thương nhớ người lữ khách năm xưa chưa một lần trở lại. Thanh âm tha thiết quyện vào gió vào sương hòa âm cùng những tiếng đập cánh của bầy ong đang cần mẫn thu gom từng hạt phấn, từng giọt mật. Từng hạt xuyến chi ghim vào bước chân tôi vì ngỡ tôi là người lữ khách năm ấy. Nắng lên, những tia nắng thổi một làn hơi thật nhẹ đủ làm dần tan đi những giọt sương, mang theo tình yêu của cô gái tan vào nắng rồi nhờ gió mang đi bốn phương trời. Tôi ước, ở một nơi nào đó có người lữ khách nhận ra cô ấy vẫn chờ.       
Dưới sương giá xuyến chi vẫn nở dịu dàng, tinh khôi, lặng thầm dâng hiến mặc cho sự hờ hững, vô tình của người đời...
 TRẦN HỒNG VÂN       

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.