Điều trị liệt mặt ngoại biên ở phụ nữ sau sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liệt mặt ngoại biên là hiện tượng mất hoặc giảm vận động nửa mặt của những cơ ở vùng mặt do dây thần kinh số 7 chi phối, còn gọi là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Đây là bệnh tương đối phổ biến, riêng phụ nữ mang thai và mới sinh có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn gấp 3 lần so với người bình thường.

Bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên chiếm 2,95% bệnh thần kinh với tỷ lệ mắc là 23/100.000 người/năm, thường gặp ở mùa Đông Xuân và ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân thường do lạnh, nhiễm trùng, chấn thương, có khối u..., trong đó nguyên nhân do lạnh chiếm 80%.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Bệnh hay gặp nhất ở những người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai và mới sinh, trầm cảm, người ít luyện tập thể dục thể thao, những người hay uống bia rượu, thường đi sớm về khuya dễ bị nhiễm gió lạnh, người có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, người hay thức khuya mất ngủ khiến cơ thể luôn mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng giảm, dễ cảm cúm…

Đối với phụ nữ mới sinh, đặc biệt là sinh mổ bị mất máu nhiều kèm theo những mệt mỏi trong thời kỳ mang thai dẫn đến suy yếu cả về thể chất và tinh thần, nếu gặp lạnh rất dễ bị mắc bệnh. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đến một số hoạt động thường ngày, quan trọng là gây mất thẩm mỹ.

Dấu hiệu để nhận biết: Bệnh hay xuất hiện về đêm, xảy ra đột ngột sau cơn đau ở vùng sau tai, người bệnh cười nói khó, khi đánh răng, súc miệng, uống nước thì nước chảy ra ngoài, ăn cơm thức ăn thường bị kẹt giữa răng và má bên bệnh. Mắt bên liệt nhắm không kín, nhân trung lệch sang bên đối diện, giảm hay mất nếp nhăn trán và rãnh mũi má. Ngoài ra, một số triệu chứng khác ít gặp hơn giảm tiết nước mắt, giảm cảm giác ở vùng ống tai ngoài, giảm vị giác 2/3 trước lưỡi ở bên liệt.

Cách điều trị: Khi phát hiện bệnh, người bệnh cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Có thể điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bằng phương pháp dùng thuốc (thuốc chống viêm, kháng vi rút, vitamin…) và không dùng thuốc khi châm cứu, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tùy theo tình trạng bệnh mà thầy thuốc áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau.

Đối với phụ nữ sau sinh thông thường áp dụng phương pháp không dùng thuốc: châm cứu bên liệt (ôn châm) kết hợp xoa bóp bấm huyệt, tập luyện các động tác ở mặt, trán, mắt, môi miệng. Vật lý trị liệu bằng phương pháp chạy điện nóng và làm sóng ngắn.

Để bảo vệ mắt bên liệt khỏi gió bụi và tránh biến chứng viêm loét giác mạc, cần đeo kính râm lót gạc sạch bên trong và rửa mắt hàng ngày bằng dung dịch NaCl 9% hoặc Cloramphenicol 0,4%.

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách trong 3 ngày đầu thì phần lớn chữa khỏi và hồi phục. Có khoảng 70-80% số trường hợp mắc bệnh sẽ tự khỏi sau 2-3 tháng. Các trường hợp nhẹ có thể hồi phục trong vòng 3-6 tuần hoặc nhanh hơn, khỏi hẳn từ 3 đến 6 tháng (khoảng 8-10% tái phát), các trường hợp nặng đôi khi để lại di chứng. Một số trường hợp co cứng các cơ bên mặt bị liệt làm mặt người bệnh bị co kéo lệch về bên liệt, nếp nhăn mũi-má sâu, khiến dễ lầm tưởng bên liệt là bên lành.

Phòng bệnh: Cần tránh bị lạnh khi đi tàu xe và nên đóng cửa sổ khi ngủ để tránh gió lùa. Vào mùa nóng, không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt khi ngủ. Một phần không thể thiếu đó là duy trì và ổn định sức khỏe về cả tinh thần và thể chất, tránh stress (tâm lý quyết định 50% sự thành công hay thất bại), ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất, vận động nhẹ nhàng, giữ ấm cho cơ thể, nằm nơi thoáng mát tránh gió lùa.

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hồng Thương
Bệnh viện Y dược cổ truyền-PHCN Gia Lai

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.