Phải nói rằng, con giống bột ngày nay là một trong số ít những món đồ chơi dân gian vẫn còn sức hấp dẫn với trẻ em.
Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên ngoại ô Hà Nội được xem là cái nôi của nghề làm con giống bột.
Theo các cụ trong làng, ngày xưa trẻ con trong vùng thiếu thốn đồ chơi, nên bánh chim cò được tạo ra để thay thế. Bánh làm bằng bột tẻ pha ít bột nếp, sau khi chơi có thể hấp lên để ăn được. Sau này, dân làng quyết định quảng bá bánh chim cò bằng cách đem sản phẩm đi bán ở Hà Nội và các tỉnh xung quanh.
Niềm vui con trẻ khi có con giống bột. |
Phải nói rằng, con giống bột ngày nay là một trong số ít những món đồ chơi dân gian vẫn còn sức hấp dẫn với trẻ em. Thật may mắn vẫn còn những nghệ nhân trẻ, năng động và luôn cập nhật những hình tượng trong phim ảnh, đời thực làm cho món đồ chơi gần gũi với quần chúng hơn.
Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu. |
Một trong số họ là nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu. Ông ngoại của Hậu là cụ Đặng Xuân Hạ, nay đã ở tuổi 90 và là một trong những lão làng cao tay nghề nặn bột nhất ở Phú Xuyên hiện giờ. Hậu là người rất năng động và khéo tay. Mặc dù ở nông thôn nhưng anh đã sớm nhận ra, thành phố mới chính là mảnh đất tốt để “dụng võ”.
Vì thế Hậu lên “cắm” ở phố Hàng Mã và xung quanh Bờ Hồ. Hầu hết lễ hội, hội chợ nào cũng có Hậu đến góp vui, nhờ thế Hậu sống ung dung với nghề. Qua bao tháng năm bươn chải, tay nghề của Hậu ngày càng điệu nghệ.
Học hỏi các cụ cao niêm trong làng những mẫu con giống bột cổ. |
Mỗi dịp Trung thu, lòng tôi không khỏi luyến tiếc khi nhìn những góc nhỏ tò he ngoài chợ bị lấn lướt bởi cả nghìn loại đồ chơi nhập ngoại, trong đó không ít đồ chơi bạo lực, thiếu tính giáo dục. Tôi thầm biết ơn những người như Hậu. Họ như những mạch ngầm âm thầm chảy và chờ một ngày được khai thông để trở thành những dòng suối, dòng sông góp nước vào biển lớn văn hóa dân tộc.
Lê Bích/Báo VOV