Điểm tựa của học trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với suy nghĩ trường học không chỉ là nơi dạy kiến thức mà còn là nơi lan tỏa yêu thương, tập thể giáo viên Trường Tiểu học Hà Bầu (huyện Đak Đoa) đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa để chăm lo học sinh nghèo. Nhờ thế, 100% học sinh ở ngôi trường này luôn chuyên cần đến lớp, nhiều năm liền không có học sinh bỏ học giữa chừng.
“Nguyên nhân học sinh bỏ học thì nhiều, nhưng đa số là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ. Chính vì thế, thầy cô phải trở thành điểm tựa yêu thương để nâng bước các em tới trường”-đó là lời chia sẻ của thầy Nguyễn Công Đức-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Bầu khi nói về các hoạt động hỗ trợ học sinh.
Với tâm huyết của người đứng đầu cùng với sự đồng lòng của tập thể giáo viên, nhiều chương trình đồng hành với học sinh đã ra đời. “Kết nối yêu thương” là một trong những chương trình hiệu quả vừa được Trường Tiểu học Hà Bầu tổng kết vào cuối tháng 5-2020 sau 5 tháng phát động. Đây là chương trình kêu gọi sự đóng góp để hỗ trợ 3 em học sinh mồ côi cả bố lẫn mẹ. Bên cạnh việc tự đóng góp kinh phí, các giáo viên đã trực tiếp gửi thư ngỏ đến các doanh nghiệp và các Mạnh Thường Quân trên địa bàn huyện để kêu gọi ủng hộ. Với số tiền quyên góp được là 19,5 triệu đồng, nhà trường làm 3 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 6 triệu đồng) để tặng cho các em: H’Tuệ (lớp 5B1), H’Yẽn (lớp 1B2), H’Hương (lớp 4B2). Số tiền còn lại, nhà trường dành trao 5 suất quà (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Em H’Hương là học sinh khó khăn được hỗ trợ đàn dê giống nhờ sự kết nối của Trường Tiểu học Hà Bầu. Ảnh: T.B
Em H’Hương là học sinh khó khăn được hỗ trợ đàn dê giống nhờ sự kết nối của Trường Tiểu học Hà Bầu. Ảnh: T.B
Dẫn chúng tôi đến nhà cô học trò H’Tuệ ở làng Đúp, thầy Đức không quên cầm theo mấy quyển vở để tặng và động viên em. Cô bé người Jrai có dáng người nhỏ nhắn, làn da ngăm đen chạy ra lễ phép chào thầy Hiệu trưởng. Em H’Tuệ mồ côi bố mẹ 2 năm nay và được ông bà ngoại cưu mang. Thiếu vắng hơi ấm mẹ cha, H’Tuệ trở nên e dè, khép mình, học tập sa sút và hầu như chẳng chơi đùa cùng bè bạn. Thương học trò, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Ngọc Huyền thường xuyên tặng bút vở, áo quần và dành thời gian trò chuyện để H’Tuệ mở lòng hơn. Các thầy-cô giáo trong trường cũng tặng em những phần quà ý nghĩa. Nhờ sự quan tâm, thương yêu đó, H’Tuệ đã cởi mở hơn, hòa nhập vui chơi cùng các bạn và trở thành học sinh giỏi của trường. Ông Rơ Lan Hir-ông ngoại của H’Tuệ-cho biết: “Nhờ thầy cô thương nên H’Tuệ không còn hay tủi thân như trước, thích đi học, ngày nghỉ là nói nhớ cô, nhớ bạn. Được tặng sổ tiết kiệm, mình trích một khoản để mua cho cháu cái bàn học, lâu nay nó phải ngồi học trên giường, thương lắm”.
Rời nhà H’Tuệ, thầy Đức dẫn chúng tôi đến nhà em H’Hương cũng ở làng Đúp. Bố mẹ H’Hương mất cách đây nhiều năm, em sống cùng người bác ruột nhưng hoàn cảnh gia đình bác cũng khó khăn, ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh. Ngoài việc được tặng sổ tiết kiệm, đầu tháng 6-2020, thông qua sự kết nối của nhà trường, gia đình bác của H’Hương còn được hỗ trợ 5 con dê giống trị giá gần 30 triệu đồng từ Hội Nông dân huyện và Hội đồng Đội huyện Đak Đoa; Đoàn xã và Hội Nông dân xã Hà Bầu hỗ trợ xây dựng chuồng trại cho đàn dê và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau khi đàn dê sinh sản, số dê con lứa đầu tiên được chuyển qua tặng cho gia đình em H’Tuệ. Đưa tay vuốt ve mấy chú dê, H’Hương vui vẻ cho biết: “Đàn dê này là món quà của các thầy-cô giáo, các cô chú tặng gia đình em, em rất mừng và sẽ cố gắng học tập thật tốt”.
Ba em học sinh mồ côi được nhận sổ tiết kiệm từ chương trình Kết nối yêu thương. Ảnh: T.B
Ba em học sinh mồ côi được nhận sổ tiết kiệm từ chương trình Kết nối yêu thương. Ảnh: T.B
Thầy Đức cho biết thêm: Đầu mỗi năm học, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm rà soát, nắm hoàn cảnh của từng học sinh để có hướng giúp đỡ. Việc giáo viên nhà trường mua sắm cho học sinh sách vở, đồng phục hay đem áo quần của các em về nhà giặt giũ sạch sẽ, khâu lại từng chiếc cúc áo bị bung không còn là chuyện lạ. Các thầy cô cũng không ngần ngại đi xin xe đạp cũ về sơn sửa lại rồi tặng học sinh nghèo. Cô giáo Bùi Thị Liên chia sẻ: “Qua những hoạt động ý nghĩa của nhà trường, chúng tôi mong muốn các em hiểu rằng dù khó khăn như thế nào thì vẫn luôn có thầy cô bên cạnh để giúp các em vươn lên học tập thật tốt”.
Nhờ sự nỗ lực ấy của tập thể sư phạm nhà trường, năm học 2016-2017, Trường Tiểu học Hà Bầu được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Duy trì sĩ số học sinh”. Những năm học qua, mặc dù số lượng học sinh dân tộc thiểu số luôn chiếm đến hơn 93% nhưng việc duy trì sĩ số học sinh của trường luôn đạt 100%. Học sinh chuyên cần đến lớp, chất lượng giáo dục được nâng lên chính là niềm hạnh phúc của các thầy-cô giáo ở ngôi trường còn nhiều khó khăn trong sự nghiệp “trồng người”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.