“Việt Nam bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định, giữ chủ động trước những diễn biến phức tạp và kiểm soát rủi ro, lạm phát, phấn đấu tăng trưởng cao” là quan điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại Chỉ thị 15.
Dù chỉ thị được ban hành trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ tác động đến phát triển kinh tế, xã hội VN trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2023 nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt niềm tin tuyệt đối.
Bởi nhìn lại suốt gần 3 năm nền kinh tế đối mặt với đại dịch thế kỷ, năm 2022 hứng chịu thêm cơn bão giá khốc liệt nhất trong lịch sử, sẽ thấy Đảng và Nhà nước nhất quán, nói được làm được trong quản lý, điều hành chính sách. Và vĩ mô ổn định chính là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế VN nói riêng và thế giới nói chung. Sáng dựa trên những kết quả cụ thể chứ không chỉ là những chỉ tiêu đạt được.
Đầu tiên, vĩ mô ổn định đã khiến VN trở thành lựa chọn của dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển tìm điểm đến khi bất ổn kinh tế lan rộng trên toàn cầu. Tính đến hết tháng 8 vừa rồi, chúng ta đã thu hút được gần 17 tỉ USD vốn FDI, trong đó không thể không nhắc đến sự có mặt của hàng loạt các “ông lớn” trong làng công nghệ thế giới đã chọn VN làm bến đỗ. Tại hội nghị đầu tư tổ chức cuối tuần qua, từ lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của châu Âu, Nhật, Mỹ cho tới các “đại bàng” như Boeing, Boss, Panasonic... đều khẳng định đã, đang và sẽ mở rộng đầu tư tại VN. Tương tự, bất chấp chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, xuất nhập khẩu của VN vẫn bứt phá với kim ngạch đạt gần 500 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại thặng dư tới 5,5 tỉ USD. Nhiều tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn trên thế giới như Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của VN. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo tăng trưởng kinh tế của VN năm 2022 sẽ đạt mức cao hơn mục tiêu đặt ra.
Thế nhưng điểm sáng nhất có lẽ nằm ở chính sách điều hành của Chính phủ. Đơn cử như chính sách tiền tệ đáng lẽ nới lỏng để phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế được quyết từ cuối năm 2021 nhưng khi lạm phát toàn cầu tăng cao, chúng ta không quay ngoắt thắt chặt như cách làm thường thấy mà chuyển sang thận trọng và linh hoạt.
Tương tự, thay vì tăng lãi suất điều hành như nhiều nước lớn đang làm, chúng ta hướng vốn vào sản xuất, vào những lĩnh vực có sức lan tỏa để nâng hiệu quả đồng vốn mà không làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Khi kinh tế tư nhân bị tổn thương vì đại dịch, chúng ta xác định đầu tư công làm chủ lực để thúc đẩy tổng cầu - tổng cung trong xã hội. Quốc hội, Chính phủ cũng thường xuyên họp, chỉ đạo các giải pháp tài khóa, tiền tệ nhằm kiểm soát giá xăng dầu, giá các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo đời sống cho người dân... Với cách điều hành nhất quán nhưng linh hoạt, đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên kinh tế vĩ mô của VN bị tác động mạnh bởi khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng vẫn giữ ổn định.
Mở cửa đúng thời điểm, vĩ mô ổn định, nhất quán trong điều hành chính sách... dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn trước mắt, nhưng không thể phủ nhận VN đang nổi lên như một điểm sáng trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn quay cuồng trong lạm phát, đồng tiền mất giá. Đó là lý do các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh của VN.
Theo Nguyên Hằng (TNO)