Điểm mặt doanh nghiệp phá hoại hồ nước đẹp nhất Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng chục hạng mục xây dựng nguy cơ phá hoại cảnh quan hồ Tuyền Lâm. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, Phó Thủ tướng chỉ đạo thì Lâm Đồng mới bắt tay xử phạt. Nhưng trách nhiệm cá nhân vẫn đang chờ xử lý.
Nhà ở, quán cà phê làm xong, địa phương mới biết
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kết quả xử lý các công trình, dự án vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng, mặt nước hồ Tuyền Lâm.
Hồ Tuyền Lâm là hồ nước ngọt rộng nhất thành phố Đà Lạt với diện tích 320 ha. Bao quanh hồ là hàng loạt resort và các điểm check in nằm xen kẽ với những rừng thông. Một số hạng mục xây dựng dở dang, nằm lẩn khuất sau những tán rừng.
 
Một góc hồ Tuyền Lâm. Ảnh: Lương Bằng
Nhiều khu nghỉ dưỡng mới vẫn đang được xây dựng, tầm nhìn hướng ra hồ Tuyền Lâm.
Tại hồ Tuyền Lâm này, có không ít công trình đã bị điểm mặt vi phạm trật tự xây, có công trình ngang nhiên xâm phạm vào đất rừng, đất lâm nghiệp. Đó là chưa kể những hàng quán, kios do người dân cơi nới trái phép.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cập nhật kết quả xử lý các công trình, dự án vi phạm. Đáng nói, phần lớn đều đã làm xong hoặc đi vào hoạt động.
Ví dụ, với trường hợp Công ty CP Sao Đà Lạt, doanh nghiệp này đã xây dựng không phép với diện tích gần 2.000m2, bao gồm xây dựng lắp đặt 43 hạng mục công trình có mái che như cổng chào, quầy vé, nhà lưu niệm, nhà vệ sinh, các kios, chòi nghỉ chân,... nhưng không lập thủ tục xin phép xây dựng theo quy định.

Tại văn bản ngày 3/5/2019 do Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa ký nêu rằng: Đối với những sai phạm nằm ngoài ranh giới đất được thuê của dự án (không vi phạm khu vực bảo vệ I của dự án), nếu xét thấy phù hợp, làm đẹp cảnh quan với mục đích tôn tạo và chống xuống cấp di tích mà doanh nghiệp thực sự tâm huyết đầu tư, kinh doanh thì yêu cầu doanh nghiệp báo cáo cụ thể với Ban quan lý, qua đó đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định.

UBND TP. Đà Lạt đã ban hành quyết định xử lý vi phạm với 43 công trình xây dựng không phép. Một số hạng mục vi phạm đã được chủ đầu tư tháo gỡ. Nhưng với hạng mục xây dựng có mái che thuộc phần diện tích vi phạm hơn 1.300m2, như cổng chính, quầy bán vé, quầy ảnh, nhà hoa lan, nhà bida, nhà Đà lạt café nhà lồng trồng dâu,... doanh nghiệp mới chỉ tháo dỡ 3 công trình (1 kios, 1 nhà kho và 1 nhà gỗ). Đối với các hạng mục còn lại, doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch dự án và đã được Sở Xây dựng thẩm định đủ điều kiện xem xét phê duyệt.
“Do đó, doanh nghiệp cam kết sẽ tự tháo dỡ vô điều kiện các hạng mục không phù hợp sau khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt”, báo cáo của tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Với công ty CP đầu tư Lý Khương, doanh nghiệp này xây dựng không phép diện tích là 483 m2; xây dựng sai phép diện tích hơn 300m2; xây dựng vi phạm vào khu vực I di tích hồ Tuyền Lâm (ngoài ranh giới dự án) với hơn 12.000m2 (làm nhà kính ươm cây); lấn chiếm hơn 7.700m2 đất ngoài phạm vi dự án. Sai phạm của doanh nghiệp này là xây dựng 9 công trình mỹ thuật không phép, xây dựng 1 công trình sai phép, lắp đặt 19 căn nhà gỗ trái phép,...
Công ty này đã di dời 19 lều gỗ ra khỏi khu vực bảo vệ I của di tích hồ Tuyền Lâm; đã tháo dỡ toàn bộ các tượng mỹ thuật xây dựng không phép và trồng 3.800 cây hoa cuc nhằm tạo cảnh quan trên phần đất của dự án sau khi tháo dỡ các tượng vi phạm.
Trường hợp Công ty CP Thiên Nhân, qua kiểm tra cho thấy chủ đầu tư có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án, gồm phá rừng trái pháp luật (300m2 rừng thông và 500m2 rừng thông tái sinh thuộc rừng phòng hộ, thiệt hại 2,8m3 gỗ tròn thông ba lá nhóm 4); tự ý chuyển mục đích sử dụng 700m2 đất rừng phòng hộ mà không được cơ quan chức năng cho phép; xây dựng 23 công trình sai phép trên hơn 540m2 và 5 công trình không phép diện tích vi phạm là hơn 1.200m2,...
Tại thời điểm Lâm Đồng báo cáo Thủ tướng, doanh nghiệp này chưa chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và chưa chấp hành quyết định cưỡng chế; chưa khắc phục trồng lại rừng tại vị trí buộc khôi phục trồng lại rừng; chưa tiến hành tổ chức tháo dỡ 5 nền nhà trên vị trí tự chuyển mục đích sử dụng.
Trường hợp Công ty CP sinh thái Lạc Nam, doanh nghiệp đã xây dựng 7 công trình sai phép (sai tầng cao và sai vị trí theo quy hoạch được duyệt) với diện tích hơn 800m2. DN đã tạm dừng thi công để khắc phục hậu quả sai phạm; lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh giấy phép xây dựng và 12/12/2018 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng dự án. Trên cơ sở đó, DN đã lập hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng và được Sở Xây dựng cấp phép ngày 17/7/2019.
Còn Công ty TNHH Trà Vườn Thương có 4 công trình không phép với tổng diện tích 482m2 thuộc khu vực bảo vệ I của di tích hồ Tuyền Lâm. Đến nay, DN chưa chấp hành quyết định xử lý vi phạm và chưa chấp hành lệnh cưỡng chế. DN có văn bản khiếu nại, đề nghị đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng với diện tích trồng cây dược liệu mà Nhà nước thu hồi đất theo yêu cầu của DN thì mới chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm.
Chưa rõ kết quả xử lý kỷ luật cá nhân
Tại phần xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ báo cáo rằng đã chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Ban quản lý khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, UBND TP. Đà Lạt, các sở ngành và tổ chức cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý theo đúng quy định pháp luật.
“Các sở, ban ngành địa phương đã tổ chức kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với trách nhiệm quản lý nhà nước”, báo cáo viết.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tiếp tục kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và có hình thức kỷ luật phù hợp, đồng thời chỉ đạo xử lý dứt điểm các sai phạm tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm đã tổ chức họp kiểm điểm nghiêm túc đối với cán bộ, viên chức, nhân viên thuộc các phòng, đội có liên quan. Các tập thể, cá nhân có liên quan đã nhận thức được các tồn tại, hạn chế và nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai xử lý các tồn tại, hạn chế, khắc phục triệt để hậu quả phát sinh, không để xảy ra các sai phạm trong thời gian tới.
Dân trí (Theo Lương Bằng/VietnamNet)

Có thể bạn quan tâm

Giữ làng trong phố

Giữ làng trong phố

Giữa lòng Đà Nẵng sôi động vẫn còn những ngôi làng giữ được nếp xưa với rặng tre, bến nước và những mái nhà ngót nghét trăm tuổi.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất

The Maestro Đại Ngàn: Điểm nhấn cho đô thị Pleiku

E-magazineThe Maestro Đại Ngàn: Điểm nhấn cho đô thị Pleiku

(GLO)- Tọa lạc ngay tại vị trí trung tâm đắc địa của TP. Pleiku, The Maestro Đại Ngàn (số 63 – 65, đường Lý Nam Đế, phường Trà Bá)-Khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Gia Lai được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho Pleiku trong hành trình hướng đến đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.