Dịch sốt xuất huyết tăng đột biến, đã có 50 trường hợp tử vong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo thống kê mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 50 trường tử vong tại 18 tỉnh, thành phố.

 

 Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)



Theo Cục Y tế Dự Phòng (Bộ Y tế), cùng với diễn biến dịch tễ hàng năm, hiện nay là thời điểm ghi nhận số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết cao tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có cả bệnh nhân người lớn và trẻ em.

So với cùng kỳ năm 2018, số trường hợp mắc bênh sốt xuất huyết tăng gần 3 lần.

Tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay tăng đột biến hơn so với năm ngoái, đặc biệt từ tháng 8 và tăng cao điểm vào tháng 10, tháng 11 do thời tiết thay đổi chuyển mùa và mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển.

Nghỉ việc, liêu xiêu vì sốt xuất huyết

Chị N.M.H (30 tuổi) ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) 1 tuần qua phải nghỉ làm ở nhà vì bệnh sốt xuất huyết. Chị H. cho hay gần 1 tuần mắc bệnh chị liên tục sốt cao trong 5 ngày với nhiệt độ 39-40 độ C, người bải hoải, đầu ong ong. Cứ hơn 2 ngày chị lại xét nghiệm máu để theo dõi các chỉ số xem có gì bất thường không.

Chị H. cho hay đây là lần thứ hai chị mắc sốt xuất huyết, lần mắc bệnh trước đó cách đây 2 năm.

Trường hợp khác là gia đình chị C.H.M, ở Trương Định (Hà Nội), cả hai vợ chồng chị đều mắc sốt xuất huyết cách đây 2 tuần trước và đều phải nghỉ làm để theo dõi. Rất may, em bé của chị M mới 5 tháng tuổi không bị sốt.

Chị M. tâm sự: "Khi hai vợ chồng sốt liên tục trong 1 tuần người cảm giác như không còn sinh lực. Cả gia đình quay cuồng. Ông bà nội ngoại từ quê phải ra hỗ trợ để trông con nhỏ, may em bé không mắc bệnh."

Dịch sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm, tại nhiều thành phố lớn ghi nhận số trường hợp mắc bệnh liên tục tăng.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 10 đến nay, số trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tinh trạng nặng phải nhập viện ở Trung tâm bệnh Nhiệt đới trung bình 10-20 ca/ngày và số ca khám điều trị ngoại trú từ 30-50 ca/ngày.


 

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: PV/Vietnam+)



Theo phó giáo sư Đỗ Duy Cường-Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc, có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào tử vong.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 9.000 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số mắc sốt xuất huyết tập trung nhiều tại các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, hoặc mật độ dân cư cao, như: Hà Ðông, Hoàng Mai, Ðống Ða, Thanh Trì...

Tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh đã có 11.637 ca sốt xuất huyết, trong đó, có 19 ca bị nặng và 5 ca tử vong.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Riêng 10 tháng năm 2019, các ổ bệnh đã xảy ra tại tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. T, toàn tỉnh ghi nhận 78 ổ bệnh nhỏ, với tổng số gần 7.000 trường hợp mắc bệnh và đã có 2 trường hợp tử vong.

Diễn biến khó lường

Theo thống kê mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 50 trường tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 2,9 lần; tỷ lệ tử vong dưới 0,02%, thấp hơn năm 2018.

Số người mắc sốt xuất huyết tăng cao liên tục từ giữa năm, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2018 và ngưỡng cảnh báo. Mặc dù số người bị sốt xuất huyết hàng tuần gần gây đã chững lại nhưng vẫn ở mức cao.

Miền Nam có số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất trong cả nước (với gần 159.000 trường hợp), tiếp sau đó là miền Trung (hơn 61.000 trường hợp), Tây Nguyên (hơn 38.900 trường hợp), miền Bắc (hơn 18.000 trường hợp).


 

 



Các tỉnh, thành phố ghi nhận số trường hợp mắc sốt xuất huyết tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 là: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Nội, Khánh Hòa, Vĩnh Long...

Các tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc/100.000 dân cao là: Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành thường xuyên ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước tuy mức độ có khác nhau tùy thuộc vào từng vùng địa lý, khí hậu thời tiết trong năm thích hợp cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển (thời tiết nóng ẩm, mùa mưa...), số mắc thường gia tăng mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

Sốt xuất huyết do virus Dengue lây truyền bởi muỗi Aedes aegypti, là một loại muỗi vằn sống ở thành thị đốt truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh. Do vậy các biện pháp phòng bệnh hiện nay là không đặc hiệu bao gồm nằm màn, mặc quần áo tránh muỗi đốt, bôi kem chống côn trùng cắn, phun thuốc diệt muỗi, cải tạo môi trường, tiêu diệt loăng quăng bọ gậy, hạn chế nơi đẻ trứng của muỗi ở những vật đựng nước ở trong nhà hay quanh nhà.

Theo đánh giá từ Cục Y tế Dự phòng, năm 2019, tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và gia tăng tại rất nhiều quốc gia, trong đó tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều ghi nhận số mắc, tử vong gia tăng.

Trong 9 tháng năm 2019, Philippines ghi nhận hơn 322.600 trường hợp mắc, trong đó có tới 1.272 trường hợp tử vong, số mắc tăng 2,2 lần, tử vong tăng 498 trường hợp so với cùng kỳ 2018; Malaysia ghi nhận 102.734 trường hợp mắc, 149 trường hợp tử vong, số mắc tăng 1,8 lần, tử vong tăng 51 trường hợp so với cùng kỳ 2018.

Các nước khác như Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc... ghi nhận số mắc hàng tuần liên tục tăng cao so với cùng kỳ 2017, 2018 và dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với số mắc hàng tuần ghi nhận vẫn ở mức cao.

 



Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột, liên tục, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi, chán ăn,..Giai đoạn sốt kéo dài từ 3-7 ngày. Từ ngày thứ 4 trở đi có thể xuất hiện các biến chứng nặng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Một số trường hợp thoát huyết tương dẫn đến cô đặc máu và có thể dẫn tới suy các cơ quan nội tạng như suy gan thận, viêm cơ tim, viêm não-màng não…

Theo các chuyên gia y tế, cách xử trí trong những ngày đầu chỉ điều trị triệu chứng sốt xuất huyết bằng cách chườm mát, uống thuốc hạ sốt (paracetamol 500mg ở người lớn cứ 4 tiếng uống 1 viên nếu sốt trên 38,5 độ), bù dịch bằng đường uống (orerol, nước hoa quả, nước canh,…). Chỉ truyền dịch khi bệnh nhân không ăn uống được và phải được theo dõi tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Mặt khác, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.


Theo Thùy Giang (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.