Đi qua ngày dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Đường tít tắp không gian như bể/Anh chờ em, cho em vịn bàn tay”, khi Nhi tình cờ đọc tin nhắn ai đó gửi chồng mình câu thơ tình như thế, chắc chỉ có thể là một cô gái, máu nóng trong người Nhi đã bốc lên tận cổ ức nghẹn. Đáp lại là những câu yêu thương của chồng nàng.

 
Yêu nhau 2 năm, cưới nhau 3 năm. Năm năm đủ để Nhi đặt niềm tin trọn vẹn nơi chồng. Anh ít nói, sâu sắc, kín kẽ và là người luôn biết trân trọng gia đình. Một người chồng mà Nhi luôn hãnh diện cuối cùng lại có thể có nhân tình là điều không tưởng. Nhi thở sâu, dặn lòng mình bình tĩnh. Sau khoảng 10 lần dặn lòng như vậy, nàng gục đầu xuống chiếc laptop vô tri, khóc nức nở.
Nhi luôn nghĩ mình bản lĩnh, cứng cỏi. Điều này hóa ra hoàn toàn sai khi đứng trước tình huống chồng có nhân tình. Nhi nhẩm đếm đã 3 đêm mất ngủ. Hai vợ chồng nằm bên nhau, những tiếng thở dài nối nhau làm đêm dài như vô tận. Thỉnh thoảng nhìn sang Hùng, Nhi đọc thấy vẻ đau khổ hiện rõ khi Hùng nhìn mình. Có vẻ như Hùng vẫn còn xót thương cho Nhi, hoặc cũng có thể, giản đơn, đó là sự thương hại.
* * * 
Chỉ có Duy là người chưa bao giờ nhìn Nhi bằng đôi mắt thương hại. Đôi mắt anh, có lúc khiến Nhi thấy mình được trân trọng như thể báu vật cuộc đời. Nhi gặp anh trước Hùng. Nhưng cuối cùng lại yêu Hùng điên dại và chọn Hùng chẳng vì sự so đo tính toán thiệt hơn gì. Nhiều đứa bạn chửi Nhi tệ, Nhi dại dột khi phụ anh. Nhi tự bào chữa cho mình rằng đó là cái duyên. Dù mỗi khi nghe một câu hò miền Tây quê anh, Nhi lại thấy lòng mình chông chênh nỗi nhớ về anh. Nỗi nhớ ấy chỉ có thể tạm gác khi nàng có con nhỏ, ngồi ru con những câu hò miền Tây trong một tâm trạng hoàn toàn khác.
Nhi gọi anh. Thật lạ, trong khi có niềm vui lớn anh gọi chia sẻ với Nhi thì ngược lại, khi có một nỗi buồn sâu sắc nhấn chìm, Nhi lại nghĩ tới anh. Có thể vì nàng biết, anh vẫn lắng nghe nàng, ấm áp và sẻ chia, cho nàng những lời khuyên hay chỉ đơn giản nghe giọng anh lúc ấy có thể giúp Nhi vững vàng hơn. Khi nghe giọng Nhi nghèn nghẹn, Duy nói: “Vững vàng nào Nhím. Đã là Nhím thì phải mạnh mẽ chứ, em có nhiều gai, sợ gì?”. Nhi bật cười, có vài giây để quên đi những giọt nước mắt mặn chát khi cô nghe anh gọi lại biệt danh “Nhím” ngày xưa của mình.
Có cái gì đó gần giống với cuộc tình - là tình cảm giữa Nhi và anh, kéo dài được 2 năm tròn. Nhi cảm nhận được sự an toàn, trân trọng và luôn thấy ấm lòng khi được ở bên anh. Hình như chỉ vậy nên chưa đủ để gọi là tình yêu. Thói tham lam xúi Nhi cứ khư khư giữ lấy tình cảm ấy cho mình. Chẳng biết anh có biết không, nhưng anh luôn vui và hạnh phúc.
Cái chết của mẹ anh khiến Nhi phải suy nghĩ lại. Anh chỉ có người thân duy nhất là mẹ nên mẹ mất khiến anh chông chênh, đau khổ. Anh gọi báo cho Nhi vào những ngày đầu năm mới, khi cô đang về quê ăn tết. Giọng anh kiệt sức. Nhi muốn vượt ngàn cây số đến với anh lúc ấy nhưng tự ngăn mình lại. Cô cảm thấy sợ nếu một ngày nào đó nhận ra tình cảm mình dành cho anh chưa phải là tình yêu, anh sẽ đau khổ như lúc này thì Nhi lại không chịu nổi. Cô âm thầm tránh anh, khép lại những hò hẹn mà không một lời giải thích. Cho tới khi lấy chồng và cả sau này, gặp lại nhau, cả hai vẫn là những người bạn tốt. Anh tốt đến mức không trách Nhi một lời, không nhắc lại chuyện cũ. Dù đôi khi Nhi thấy len lỏi đâu đó một nỗi buồn. Ngoài nỗi buồn tình cờ đi lạc ấy, Nhi luôn thấy ấm áp, bình yên khi gặp anh.
“Khi yêu thương vẫn còn thì người ta sẽ chọn ở lại. Còn yêu thương thì còn tin, còn tha thứ, phải không em? Đừng đẩy anh ấy xa khỏi vòng tay mình”.
* * * 
Nghe Duy, cô định để mọi chuyện khép lại, chờ bình yên quay về thì người con gái ấy tìm đến. Cô gái có vẻ đẹp búp bê, trang điểm khéo, tôn nước da trắng hồng dịu dàng và bờ môi mọng chín.
- Tôi nói chị biết, anh ấy hứa sẽ ly hôn và sống suốt đời với tôi.
- Ừ, tôi biết chuyện ấy. Nhưng cô có biết mọi việc mình gieo đều có nhân quả không? Cô phá hạnh phúc gia đình người khác thì sau này làm sao cô sống bình an, hạnh phúc nổi?
- Chị tự đi mà hỏi chị ấy. Chị sống nhem nhuốc để chồng chị chán ngán tận cổ. Chị nhìn chị rồi nhìn tôi xem. Đấy, nhân quả đấy!
Cuộc nói chuyện kết thúc chóng vánh. Nhi xót xa. Những ngày chưa lấy chồng, cô từng nghe hàng tá lần Duy nói rằng vợ chồng anh sống với nhau chỉ vì nghĩa, đã chán ngán nhau tận cổ rồi. Lúc nghe điều ấy, Nhi nghĩ khi mình có gia đình, mình sẽ luôn nhớ câu “vợ chồng yêu nhau như tình nhân”, nhưng rồi những xô đẩy công việc, con cái khiến suy nghĩ ấy mai một đâu đó.
- Tôi không muốn khi chúng tôi ở bên nhau, chị cứ gọi điện khiến anh Hùng không thể thoải mái.
Cô gái cười khẩy trước khi lên xe đi mất. Gương mặt vẫn trong sáng như búp bê.
Tối, Hùng bảo có chuyện muốn nói. Khi cô vừa khép cửa phòng ngủ, Hùng nhìn cô bằng ánh mắt thất vọng hiện rõ: “Sao vậy em? Cô ấy có tội tình gì mà em gặp chì chiết, nhiếc móc người ta? Em là người có hiểu biết, có tự trọng, đừng ứng xử như vậy”. Hùng xô cánh cửa đóng sầm.
Một mình còn lại trong im lặng đến thinh sợ trong phòng, Nhi biết mọi thanh minh, giải thích với người đàn ông đang si tình đều hóa thừa. Hùng không về nhà gần 2 tháng. Thi thoảng anh có gọi điện hỏi thăm con khỏe không. Thằng bé còn nhỏ, không biết thắc mắc hỏi xem tại sao vắng bố nhưng hàng ngày vẫn ngóng ra cửa mỗi tối, buổi bố đi làm về. Đôi khi nó thở dài như người lớn khiến Nhi xót lòng. Chuyện hai vợ chồng không ai khác trong gia đình biết. Nhi tự nhủ, mai mốt khi tính chuyện ly hôn thì tính chuyện ấy cũng chưa muộn. Thời gian này Nhi quá sốc để có thể chịu đựng thêm một nỗi phiền muộn nào khác.
* * * 
Nhi vừa về đến nhà đã thấy thằng con cười toe toét bên vài món đồ chơi mới. Phía trong nhà, xe máy của Hùng đã dựng chỗ cũ. Cái chỗ dựng xe 2 tháng bỏ trống. Hùng đang lụi hụi lau chùi sau nhà.
- Em, anh thèm ăn bát canh cua rau đay. Em nấu mình ăn nhé? Hai tháng nay ở trọ, không ăn cơm nhà, thèm quá…
Nhi lặng lẽ khóc… Cô thấy một nỗi xót xa khi nhìn gương mặt Hùng đã gầy hao đi nhiều… Khoảng thời gian xa nhau đủ vừa để cả hai nhìn lại hiểu, họ đã thuộc về gia đình này và yêu không gian này biết bao. Hùng ôm lấy vai Nhi, nhẹ đặt một nụ hôn lên tóc: “Nín đi em, cho anh một cơ hội, một cơ hội duy nhất thôi, em nhé!”.
Hoàng hôn ấm áp đã về bên hiên nhà. Nhi chẳng còn sợ những khi chiều buông, những khi đêm về như 60 ngày đằng đẵng vừa qua nữa.
VINH NA (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.