Đi qua mùa hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sinh nhật ba mươi lăm tuổi, vào một ngày cuối hạ, dăm bảy anh chàng hàng tuần vẫn là vệ tinh không ai quên gửi lời chúc, lời tán tỉnh, hoa và quà đến Thư. Anh - người duy nhất cô yêu đơn phương suốt bảy năm qua thì không. Đó cũng là ngày Thư đọc lại lần cuối những trang nhật ký cho mối tình ấy và đốt thành tro bụi.

 


Cây đàn dương cầm này anh tặng Thư vào năm cô mới ra trường. Khi cả hai cùng cô đơn, anh thèm nghe một khúc nhạc do Thư đánh, chứ không nhân dịp gì. Anh luôn bận tâm với hàng núi công việc, những hợp đồng nhà đất, không có thời gian dành cho những bận tâm mang tên “kỷ niệm”. Bởi thế, những mối quan tâm đến với Thư trong những ngày sinh nhật, 8-3, Valentine… có nhiều, nhưng hầu như chưa bao giờ đến từ anh.

Ba mươi lăm, là khi đã quá mong nghĩ tới ngôi nhà, một anh chồng và những đứa trẻ. Cuối tuần vừa rồi, đến nhà, Thư thấy bạn thân cho con bú, lầm rầm vừa dạy khôn, vừa kể xấu anh chồng chân cẳng khẳng khiu ngồi vắt cả hai chân lên ghế chơi game gần đó. Lẽ ra, Thư đã có thể có một đứa trẻ. Đứa trẻ đáng yêu ấy còn chưa thành hình nhưng không thể ra đời khi cô còn quá trẻ để dám làm một bà mẹ đơn thân. Trong khi đó, “đối tác” lại trù trừ: “Anh chưa sẵn sàng”. “Vậy bao giờ anh sẵn sàng?”. “Mình còn nhiều cơ hội mà em. Rồi mình sẽ có rất nhiều đứa con, bò lê, chơi đùa khắp nhà như em mong ước”…

Ngay sau khi bỏ đứa con, Thư nhập viện một hai tháng để cách ly cuộc sống thường nhật vì trầm cảm quá nặng. Cô tưởng khi trở về sẽ không bao giờ gặp lại anh. Thế rồi, tình cảm đơn phương ấy vẫn tiếp tục kéo dài đến bảy năm, như thời bé cô chơi trò kéo cưa lừa xẻ, có khi chán ngán tận cổ mà không hiểu vì lý do gì lại không chịu buông tay ra. Chỉ có điều không phạm lại sai lầm. Đôi lúc Thư nhìn thấy thăm thẳm trong ánh đèn ngủ tranh tối tranh sáng một bàn tay xiu xíu vẫy vẫy mình. Cảm hứng khát khao tan chảy bỗng bị giật ngược, vo viên và ném mạnh vào những hố sâu tội lỗi, nuối tiếc. Rất nhiều lần Thư bật khóc, và chỉ ngưng khóc khi liều thuốc ngủ dẫn dụ cô vào giấc ngủ mỏi mệt, nhiều ma mị.

*  *  *

Mẹ chải lại mái tóc, tết đuôi sam cho Thư. Cô lắc lắc bím tóc nhắc: “Mẹ, con gái ba mươi lăm rồi”. “Bao giờ mày đi lấy chồng thì tao mới coi là lớn, ba mươi lăm hay sáu mươi gì cũng thế”. Thư chột dạ: “Có lúc nào sáu mươi vẫn thế không? Mẹ, con… không lấy chồng được không?!”. “Tao sẽ chẳng dám gặp ba mày khi qua bên kia”. Câu chuyện dẫn vào nút thắt không biết bao giờ mở.

Tranh thủ mấy ngày công việc rảnh rỗi Thư nghỉ phép về quê thăm mẹ. Thực chất là để quyết tâm cắt đứt mối quan hệ nửa nạc nửa mỡ - chứ không phải già nhân ngãi non vợ chồng với anh. Mẹ tranh thủ dắt đi thăm tất cả bè bạn, tìm hiểu các mối có thể nên duyên. Để vui lòng mẹ, Thư vẫn đi, và biết chắc sau khi vui lòng mẹ, cô lại giấu mình trong chăn, thở dài nghèn nghẹn.

Trong số những ứng cử viên mẹ giới thiệu, Huy là con cô giáo Hoan dạy Thư những năm cấp ba. Huy học trên Thư hai lớp, một thời từng là hình mẫu lý tưởng của các chị, các em gái trong trường vì cao to, có duyên và có nhiều giải thưởng học sinh giỏi.

Mẹ và Thư vừa về hôm trước thì hôm sau cô Hoan và Huy đã sang nhà chơi. Huy có vài điểm chung sở thích với Thư: thích nghe Beatles, xem phim tâm lý Mỹ… Sở thích là một chuyện. Tuổi của Thư không như tuổi mới lớn, có khi chỉ với vài điểm chung đã có thể làm quen và quý mến nhau. Nhưng giữa Thư và Huy vẫn hứa hẹn một tình cảm tốt vì Huy sẽ chuyển công tác vào TPHCM, nơi Thư đang sống.

Cà phê chiều thứ bảy, lâu lắm Thư mới quay lại cảm giác ngồi trước một quán ven sông, soãi mình trong những cơn gió mơn trớn thổi từ ngoài sông về. Huy ngồi đối diện, giọng dịu dàng: “Giá mà chiều cuối tuần nào cũng được ngồi bên người yêu như thế này”. Thư bật cười, cô cũng vừa thoáng nghĩ như vậy. Huy bỗng bối rối khó hiểu khi gặp tiếng cười ấy. Thư tự hỏi, hay là anh chàng bắt đầu rung động? Thư đôi khi vẫn tự tin rằng mình đủ sức khiến một gã trai bối rối.

Điện thoại đổ chuông khi Huy đang đi vệ sinh. Một chút tò mò, Thư liếc mắt và thoáng ngạc nhiên khi hiện lên cùng tên “Honey” là gương mặt một chàng trai. Huy trở ra, tay cầm vội điện thoại, giọng dịu dàng: “alloooo, em nghe đây honey…”.

Đã khép lòng mình từ độ quyết chia tay anh, Thư càng thêm chán ngán khi Huy đặt bàn tay mềm mại của anh lên tay mình chia sẻ: “Tụi Huy yêu nhau bảy năm mà chưa đủ can đảm vượt mọi rào cản để đến với nhau. Mẹ Huy sẽ không thể nào chịu được”. Điều này thì Thư biết chắc, bởi cô Hoan từng ôm Thư mà dặn dò: “Đừng kén quá con gái. Con chỉ cần chọn một anh chồng có đủ ba điều kiện: không nghiện ngập, không nửa trai nửa gái, không nhụt chí. Con tìm đâu xa, có anh Huy nhà cô đây”.

*  *  *

Anh điện thoại lúc gần nửa đêm. Lâu quá Thư không còn trông ngóng những cuộc gọi lúc gần nửa đêm của anh nữa.

- Anh đến nhé?

- Thôi anh, em đi ngủ rồi.

- Anh nhớ em…

- Thật à, trước đây em chưa từng nghe anh nói thế.

- Một tuần không gặp, quả thực anh rất nhớ em.

- Anh có yêu em không?

- Em kỳ quá, anh nói bao nhiêu lần rồi, có phải mười tám đôi mươi đâu mà cứ phải chờ tiếng yêu thế. Anh đến nhé?

Nếu không chợt nhớ tới đôi bàn tay thiên thần bé xíu vẫy vẫy và những trang nhật ký đã tan thành tro bụi thì Thư đã lặng im đón chờ. Cô nghèn nghẹn giọng: “Anh biết không, em chưa từng nghe tiếng yêu nào từ người em yêu cả. Em chán chơi trò cút bắt lắm rồi. Em đi ngủ đây, chúc anh ngủ ngon!”.

Tiếng tút tút của máy điện thoại khô khốc. Anh thấy quằn quặn trong mình một niềm thương vô vọng. Tình cảm này anh không thể gọi tên. Yêu thì hẳn nhiên không phải vì từ rất lâu rồi, khi tình yêu của anh ra đi, anh đã không còn rung động. Nhưng vì nghĩa cũng không phải, bởi có nợ nần gì nhau đâu. Chỉ biết, vắng cô, anh thấy nhớ, bên cô, anh thấy mình được là đàn ông đúng nghĩa.

Đêm ấy, cô trằn trọc tới gần sáng, nước mắt tràn qua đôi má hết mùa bầu bĩnh, tràn xuống môi mặn mòi. Chập chờn gương mặt anh, Huy và đôi bàn tay bé xíu thiên thần. Cô cố nhắm mắt, và chỉ có thể ngủ khi đã quyết định sẽ có một thiên thần trong tương lai gần, nay mai. Chẳng phải vấn đề gì lớn lao nếu chưa tìm thấy một ông bố “đã sẵn sàng”. Cô chợt nhớ tới anh bạn thân làm bên trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm chắc sẽ sẵn lòng giúp cô làm một bà mẹ đơn thân đúng nghĩa. Thư sẽ không phải chịu chán ngán cảnh giày vò nhau, gượng gạo yêu thương và sợ sệt một bàn tay vẫy vẫy.

Dù gì, mùa hạ cũng đã tàn rồi.

Theo VÕ THU HƯƠNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.