'Dị nhân' ăn mì tôm vô địch Marathon

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bị đau bao tử, dành hết tiền chữa trị, ăn mì tôm suốt 2 tuần vẫn cán đích đầu tiên ở cự ly 21km, Nguyễn Văn Long (Gia Lai) khiến cộng đồng chạy bộ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Trải qua biết bao biến cố, có lúc phải nhập viện vì dịch tràn màng phổi, “dị nhân” Long vẫn làm nên những điều phi thường, truyền cảm hứng cho giới trẻ.
Trong giới chạy bộ Việt Nam, nhắc tới “dị nhân” marathon Nguyễn Văn Long (SN 1985, ở TP.Pleiku, Gia Lai), mọi người quá rành rẽ. Từ nhỏ, Nguyễn Văn Long đã yêu thích chạy bộ. Năm 2005, Long quyết định táo bạo khi xin vào tập ké đội năng khiếu điền kinh tỉnh Gia Lai. Theo Long, ở độ tuổi 21, không được tập luyện bài bản, cánh cổng để anh gia nhập đội điền kinh tỉnh Gia Lai rất khó. Tuy nhiên, với quyết tâm sắt đá, 3 tháng liên tiếp sau đó, bất kể trời nắng hay mưa, trên những con đường TP.Pleiku, Long miệt mài tập chạy, mồ hôi ướt như tắm. “Tháng 10/2005, tôi chính thức được nhận vào đội năng khiếu điền kinh tỉnh Gia Lai. Khát khao chinh phục ước mơ thôi thúc tôi cố gắng tập luyện và phần nào được các thầy công nhận”, Long xúc động.
Không bõ công tập luyện, từ năm 2007 - 2012 chàng trai phố núi liên tiếp giành được huy chương vàng ở các giải: Marathon Đông Nam Á 2007; Giải Điền kinh Quốc gia các năm 2009, 2010, 2011; Giải Marathon báo Tiền Phong các năm 2010, 2011, 2012 và đạt thành tích cao nhiều giải khác. Nhưng rồi biến cố đầu tiên đã ập đến với chân chạy người Gia Lai. “Sau khi tôi lập kỉ lục quốc gia cự ly 21km với thành tích 1 giờ 08 phút tại Huế, vì muốn nâng cao thành tích, tôi điên cuồng tập luyện. Vì chủ quan, tôi đã bị ốm, bác sĩ chẩn đoán tôi bị tràn dịch màng phổi và khuyên nên nghỉ ngơi để chữa trị”, Long ngậm ngùi nói.

Nguyễn Văn Long vỡ oà cảm xúc khi được mọi người chào đón, chạy đồng hành
Nguyễn Văn Long vỡ oà cảm xúc khi được mọi người chào đón, chạy đồng hành
Trong suốt quá trình đi chữa trị ở TP.Hồ Chí Minh, có nhiều tin đồn ác ý cho rằng Long ăn chơi, không lo tập luyện nên thành tích đi xuống. “Nghe bạn bè tâm sự về tin đồn mà tôi rơi lệ. Nhưng kệ. Đời mà! Tôi quyết bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, nhờ sự ủng hộ từ gia đình và HLV, tôi kiên trì chữa trị, tập luyện theo giáo án dành riêng. Một năm sau, tôi quay trở lại đường đua và giành tấm huy chương vàng cự ly 42km ở giải marathon Quốc tế Đà Nẵng 2013. Lúc này, mọi người có cách nhìn khác về tôi”, Long trầm ngâm.
Đang đỉnh vinh quang, nhiều năm giành được thành tích cao thì biến cố tiếp theo lại đến với Long khi cách đây 8 năm, đội điền kinh Gia Lai bị giải thể. Ngồi lặng lẽ, khóe mắt đỏ hoe, ngấn lệ chực trào tuôn, đôi tay Long run run, mân mê đôi giày được vợ tặng nhân dịp sinh nhật. Không gian tĩnh lặng đến lạ kỳ. Bất chợt, anh đứng dậy nói: “Nhiều đêm, tôi nằm nghĩ, bật khóc như một đứa trẻ vì rơi vào thảm cảnh bị đẩy ra ngoài đường trắng tay. Lúc đó tôi còn quá trẻ, đang ấp ủ nhiều dự định thì bị dập tắt”.

“Dị nhân” Nguyễn Văn Long chụp hình cùng nhiều bạn trẻ ở Gia Lai
“Dị nhân” Nguyễn Văn Long chụp hình cùng nhiều bạn trẻ ở Gia Lai
Để nuôi dưỡng đam mê với đường chạy marathon, Long đã phải làm thêm nhiều nghề mưu sinh. Trước khi Trung tâm huấn luyện đào tạo và thi đấu TDTT Gia Lai được khôi phục và mở cửa trở lại, từ lời đề nghị tha thiết của thầy Nguyễn Gia Hùng, Long quyết định quay lại, được xem là “trụ cột” nhằm gây dựng lại đội tuyển điền kinh tỉnh Gia Lai. Ngày trở lại tham dự giải Tiền Phong Marathon 2019 và 2020, dù không đoạt thứ hạng cao, song Long đóng vai trò như một hình mẫu, động lực truyền lửa cho thế hệ đàn em thi đấu.
Theo Long, mỗi lần tham dự giải, anh luôn quyết tâm đạt được thành tích cao nhất để có thể tự nuôi sống bản thân, gom góp cho dự định sau này. Năm 2011, trước thời điểm diễn ra giải Tiền Phong Marathon ở Đắk Nông, Long ăn mì tôm suốt 2 tuần để chờ thi đấu. “Lúc đó, tôi bị đau bao tử, dành hết tiền để chữa trị. Chắc chẳng ai giống tôi, đến gói mì tôm cũng phải mua chịu để ăn. Vượt qua khó khăn, tôi cán đích vị trí đầu tiên trên đường đua 21km. Thật không ngờ, tôi chỉ ăn mì tôm mà vẫn khỏe”, Long cười tươi nhớ lại.
Chinh phục thử thách khắc nghiệt
“Tôi có ao ước từ thời trẻ phải chinh phục đường chạy xuyên Việt. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng bản thân muốn một lần được chạy quãng đường thật dài như vậy. Đây là thử thách khắc nghiệt khi phải chạy 2.846km từ Quảng Ninh đến Mũi Cà Mau trong 34 ngày, không phải ai cũng làm được”, chân chạy sinh năm 1985 tâm sự.
Khi Long lên ý tưởng chạy xuyên Việt, nhiều runner cho rằng, đó là điều không tưởng. Để chinh phục được mục tiêu, Long chăm chỉ tập luyện suốt 5 tháng liền. “Tôi ủng hộ dự định chạy để kêu gọi hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn của anh. Khi anh chạy được vài ngày, làn da đen sạm, cháy nắng đến nỗi tôi không còn nhận ra chồng mình. Có đêm, nhìn anh chườm khăn ấm ở đầu gối với vẻ mặt nhăn nhó đau đớn, tôi cố kìm không được khóc, động viên anh cố gắng, đừng bỏ cuộc!”, chị Trương Thị Thúy - vợ anh Long chia sẻ.
Trên hành trình xuyên Việt, tiếng còi xe inh ỏi xen lẫn tiếng rú ga, nẹt bô của nhiều phương tiện giao thông khiến không ít người theo dõi những bước chạy của Long qua facebook cảm thấy lo lắng. Bởi nguy hiểm luôn rình rập, có thể ập đến bất cứ lúc nào với anh. Thời tiết thất thường, những cơn mưa bất chợt ập xuống buộc Long phải vừa mặc áo mưa vừa chạy để ngăn cơ thể không bị cảm lạnh, có thể ảnh hưởng đến chặng đường còn rất nhiều chông gai phía trước. “Những ngày ở miền Trung nắng nóng bỏng da, nhiệt độ trên mặt đường tăng cao, cơ thể đau nhức rã rời. Những cây số cuối hầu như tôi chỉ lết chứ không chạy nổi vì kiệt quệ, thế nhưng không thể bỏ cuộc. Để rồi, hạnh phúc vỡ òa khi tôi cán đích, vượt qua được giới hạn của bản thân”, Long kể.
Với làng điền kinh Việt Nam, Nguyễn Văn Long thực sự là “dị nhân”, một trường hợp đặc biệt đến mức kỳ lạ. Long đã có lần thứ 14 tham gia thi đấu giải Tiền Phong Marathon. Trong lịch sử giải đấu truyền thống nhất nước, cựu tuyển thủ quốc gia sinh năm 1985 này nổi tiếng với chiến tích ba lần liên tiếp vô địch đường chạy cự ly 21km vào các năm 2010, 2011 và 2012. Long là VĐV duy nhất từng dự Tiền Phong Marathon trong bốn màu áo khác nhau...
Theo “dị nhân”, ban đầu chạy cứ ngỡ đơn độc. Thế rồi, tới đâu, anh cũng đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, được người dân, các câu lạc bộ Runners trên suốt hành trình chào đón, chạy theo tiếp lửa. “Không ngờ những bước chạy của mình nhận được sự quan tâm của nhiều người đến thế. Chạy bộ đã làm thay đổi cuộc đời tôi, ngoài sức khỏe còn là tinh thần và cách nhìn cuộc sống. Tôi mong mình sẽ truyền cảm hứng, thay đổi suy nghĩ nhiều bạn trẻ lười thể dục, thể thao”, Long hào hứng.
Để có sức khoẻ tốt, hạn chế chấn thương trong suốt hành trình chạy xuyên Việt, Nguyễn Văn Long phải tập luyện cường độ tăng dần để tăng sức chịu đựng của bản thân. Theo runner phố núi, tâm lý là yếu tố rất quan trọng, việc giữ tinh thần thoải mái giúp Long ít bị chuột rút hơn. “Càng hồi hộp thì sự trao đổi ô xy càng thiếu, khi đó, người chạy sẽ nhanh bị cứng cơ hơn. Ngoài ra, giấc ngủ cũng rất quan trọng, khi ngủ tôi thả lỏng cơ thể và ngủ thật sâu, không nghĩ ngợi gì trước khi ngủ”, Long cho hay.
Chương trình chạy bộ xuyên Việt của Long marathon còn mang một thông điệp nhân văn khác. Kết thúc hành trình, Long cùng những nhà hảo tâm đã quyên góp được một khoản kinh phí, cấp học bổng cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, chương trình Áo ấm cho em mà Long tham gia thực hiện cũng gây được tiếng vang lớn, được nhiều người biết đến.
“Nhờ hành trình ý nghĩa này, anh ấy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người luyện tập thể dục thể thao, gắn kết cộng đồng Marathon, cũng như lan tỏa tình yêu thương đối với mọi người”, anh Đặng Thế Dũng, thành viên CLB Dak Lak Runners chia sẻ.
Theo KHẢ HƯNG (TPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.