Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Trước đó, Bộ GDĐT đã công bố Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ giữ ổn định như năm 2019. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khơi thông các động lực cho tăng trưởng...
Với ngành giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia.
Về những nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Kèm theo đó là phụ lục các nội dung được tinh giản theo từng môn học.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản hướng dẫn dạy học qua truyền hình, dạy học online, chấp nhận kết quả dạy học bằng phương thức này.
Về nội dung đề xuất phương án thi THPT quốc gia 2020 phù hợp với tình hình dịch bệnh, cuối tháng 3.2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 08/2020/TT-BGDĐ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, phương án thi năm nay sẽ ổn định như năm 2019.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cũng khẳng định, thực hiện Kết luận số 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020. Kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương; làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Trinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch COVID-19 để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh và theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Nêu quan điểm về vấn đề này, theo TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong điều kiện bất khả kháng, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội riêng năm nay có thể không thi, mà xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả cả quá trình học của học sinh.
Theo TS Phạm Tất Thắng cho rằng, trong điều kiện chưa thể xác định thời gian học sinh sẽ quay trở lại trường vì dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải tính đến phương án này. Đồng thời, các trường đại học cũng tăng tính tự chủ, chủ động tính toán phương án tuyển sinh phù hợp.
Theo ĐẶNG CHUNG (LĐO)