Trong từng ấy thời gian, dế mèn vẫn khỏe mạnh, cường tráng, luôn khát khao tìm đến những chân trời mới lạ với gần 40 thứ tiếng khác nhau.
Trong từng ấy thời gian, xuyên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác dế mèn vẫn khỏe mạnh, cường tráng, vẫn luôn khát khao tìm đến những chân trời mới lạ với gần 40 đất nước, 40 thứ tiếng và nền văn hóa khác nhau. Nhiều thế hệ thiếu nhi đã đón đọc, mến mộ chú dế mèn dũng cảm, biết chia sẻ, biết yêu thương.
Nhà văn Tô Hoài đã bước sang tuổi 93, chú dế mèn của ông cũng đã sống 70 năm. |
Có lẽ không một nhà văn Việt Nam nào vinh dự bước vào thế giới tuổi thơ một cách tự nhiên, dung dị và sâu sắc như nhà văn Tô Hoài. Vẫn gương mặt đôn hậu, nụ cười của tuổi xưa nay hiếm, nhà văn Tô Hoài tuy không được khỏe nhưng tại lễ kỉ niệm “70 năm Dế mèn phiêu lưu kí”, ông vẫn cố gắng lắng nghe, chia sẻ tới bạn đọc và những người mến mộ.
Năm 1959, “Dế mèn phiêu lưu kí” lần đầu tiên được ra nước ngoài và tiếng Nga là ngôn ngữ đầu tiên đến với các em thiếu nhi quốc tế thông qua dịch giả, nhà văn Marian- Tơkachop.
Được biết, các em thiếu nhi Nga đã từng gửi rất nhiều thư đến nhà văn Tô Hoài sau khi đọc “Dế mèn phiêu lưu kí”, trong đó có một kỉ niệm mà nhà văn Tô Hoài không thể nào quên: “Thiếu nhi Nga sau khi có sách về chú dế mèn đã gửi thư cho tôi rất nhiều. Khi qua Nga thì các bạn lại đón tôi như là đi mít tinh. Các cháu rất vui vì tôi viết “con dế mèn răng trắng tểnh”. Còn nhiều em Nga nói rằng phải viết là “răng hơi xám”. Sau đó tôi phải sửa lại là răng chú dế mèn xám”.
Tuổi thơ nhà văn Tô Hoài gắn liền với bãi cỏ ven sông Tô Lịch, với làng Nghĩa Đô và những cánh đồng văng vẳng tiếng dế. Chú dế mèn của ông cũng phiêu lưu, đầy đam mê, háo hức và cả ngây thơ, dại dột. Chú dế mèn biết từ giã cái hang chật hẹp buổi đầu đời, mang theo trong lòng lời dặn dò của mẹ, kết bạn tri âm với Dế Trũi, đi tìm bạn bè cùng chí hướng, cùng vượt qua hoạn nạn, đi khắp đó đây để mở mang tầm nhìn.
Nhà thơ Bằng Việt tự hào khi bản thân ông cũng như các bạn cùng trang lứa đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của “Dế mèn phiêu lưu kí” và có thể coi dế mèn như người bạn đồng hành trên con đường đi tìm lẽ sống: “Đối với thế hệ của tôi, có thể nói chính nhân vật “Dế mèn phiêu lưu kí” cùng một lứa vào đời với chúng tôi. Và nếu nói vui, đó là cùng một thế hệ. Năm 1941 khi nhà văn Tô Hoài viết “Dế mèn phiêu lưu kí” với tất cả những khát vọng yêu đất nước, yêu hòa bình và làm thế nào để thế giới có được một lí tưởng tôn trọng lẽ sống tốt đẹp ở đời đồng thời là những khát vọng hòa bình thì thế hệ chúng tôi cũng được chào đời”.
Thế nhưng, mục đích của “Dế mèn phiêu lưu kí” không dừng lại ở thế giới tự nhiên, không chỉ là câu chuyện phiêu lưu của chú dế mèn mà còn là câu chuyện của người lớn. Nhà phê bình Văn Giá nhận định: “Ngay cả trường hợp mượn hình thức văn viết cho thiếu nhi, cách thức quan sát tự nhiên, nhà văn Tô Hoài cũng làm quá xuất sắc. Để rồi đánh thức người đọc lớn tuổi những khát vọng lớn lao hơn từ một chú dế mèn”.
“Khi đọc tác phẩm này, chúng ta thấy hai tầng nghĩa. Tầng nghĩa thứ nhất là một câu chuyện phiêu lưu của chú dế mèn- là tiếng nói của đời sống tự nhiên. Nhưng đây là câu chuyện vượt ra khỏi khuôn khổ đối tượng thiếu nhi để đến với công chúng độc giả rộng lớn. Người lớn bao giờ cũng có phần trẻ con trong mình, một tuổi thơ đã qua. Họ tiếp nhận tầng thứ nhất rất thú vị nhưng tầng nghĩa thứ hai là đánh thức khát vọng tự do, khát vọng lên đường của toàn dân tộc”- Nhà phê bình Văn Giá nói.
Bây giờ, trẻ em biết đến dế mèn từ lúc nhỏ cho đến khi được học trong trường phổ thông. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Thụy Anh- Câu lạc bộ Đọc sách cùng con: tâm hồn tuổi thơ được chia nhiều ngăn sở thích, trong đó những truyện đồng thoại như “Dế mèn phiêu lưu kí” chiếm một vị trí khá đặc biệt trong việc tiếp cận tâm lý và hình thành nhân cách của các em: “Một trong những điều không nên làm vì nó sẽ tiêu diệt sự thấy hay của các con là: đừng hỏi các con thấy hay không?, các con thấy như thế nào?, dế mèn cho các con điều gì?... Nhiều khi phải để một khoảng thời gian kệ nó và sau này mới gợi lại. Với người đọc hiện đại thì phải như vậy. Ngày xưa mình đọc có ai hỏi bài học rút ra thế nào đâu. Khi đi học cô giáo mới cho mình biết những điều đó. Cái mà mình tự rút ra bài học mà không hỏi mình mới là hay”.
Bất cứ bạn đọc nào cũng nhớ chú dế mèn với câu nói “Bởi tôi ăn uống điều độ nên tôi chóng lớn lắm”. Niềm tự hào của chú dế mèn giờ đây đã lớn hơn, không còn quanh quẩn ở bãi cỏ ven sông Tô Lịch mà đã vượt qua biên giới quốc gia, đến làm bạn với thiếu nhi của gần 40 quốc gia trên thế giới, trở thành người bạn đồng hành thân thuộc trên hành trang vào đời của mỗi người. Chính nhà văn Tô Hoài thừa nhận bản thân ông cũng chưa đi được bằng ấy. Nhà văn Nga Gogol từng tâm niệm: “Hãy mang theo tất cả để lên đường, từ những năm niên thiếu dịu dàng đến khi bước vào tuổi trưởng thành khắc khổ. Hãy mang theo tất cả xúc cảm tâm hồn nhân loại, đừng bỏ chúng lại dọc đường, để rồi sau đó lại nhặt lên”. “Dế mèn phiêu lưu kí” thuộc những “xúc cảm tâm hồn nhân loại” đó.
Theo VOV