(GLO)- Rút kinh nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia 2018 với nhiều tai tiếng vì những tiêu cực trong khâu coi thi, chấm thi của một số địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thay đổi căn bản về quy chế coi thi, chấm thi chung trong toàn quốc nhằm đảm bảo một kỳ thi an toàn, trung thực và khách quan. Trong đó, thay đổi quan trọng nhất là việc sử dụng phần nhiều kết quả thi để xét tốt nghiệp.
Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT Quốc gia cộng 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Trong khi đó, năm trước, phương thức xét tốt nghiệp là 50-50, do vậy mới có tỷ lệ tốt nghiệp lên đến 97,58%. Theo thống kê, nếu chỉ căn cứ vào điểm thi THPT Quốc gia thì tỷ lệ đậu của thí sinh toàn quốc chỉ là 58%-một con số đáng suy nghĩ!
Ảnh nguồn internet |
Theo dự đoán của các chuyên gia giáo dục, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay nếu được tổ chức nghiêm túc và áp dụng phương thức xét tốt nghiệp như Bộ GD-ĐT dự kiến thì tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp sẽ giảm 10-15% so với năm trước. Đây là vấn đề khiến các trường THPT khá lo lắng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nhiều trường đã lên kế hoạch ôn tập và luyện thi thử cho học sinh lớp 12.
Dù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng các kỳ thi THPT Quốc gia tại Gia Lai đã được tổ chức khá nghiêm túc, đặc biệt là kỳ thi năm vừa qua. Theo đánh giá, chúng ta tổ chức đúng quy chế, kết quả thi phản ánh đúng với tình hình thực tế của địa phương, không có hiện tượng bất thường (tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn tỉnh là 95,55%, tăng 2,66% so với năm 2017). Năm 2019, tỉnh phấn đấu tiếp tục nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT. Đây là chỉ tiêu khó đạt trong tình hình có nhiều thay đổi của quy chế xét tốt nghiệp ở năm học này. Vì vậy, nhiều trường cảm thấy áp lực giữa thực tế chất lượng học sinh cuối cấp với yêu cầu đảm bảo chất lượng của kỳ thi THPT Quốc gia sắp đến, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, trường dân tộc nội trú. Do đó, học sinh đang bị “dồn ép” học ngày học đêm với khối lượng kiến thức lớn của cả 3 năm THPT.
Theo các chuyên gia, đối với học sinh, chúng ta nên tránh 2 khuynh hướng trước kỳ thi: một là quan trọng hóa, đề cao thái quá gây áp lực, tạo tâm lý bất ổn cho các em; ngược lại là thiếu nhắc nhở, không có kế hoạch ôn tập thường xuyên để các em lơ là. Cả 2 khuynh hướng đều gây bất lợi, ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả kỳ thi. Nhưng bên cạnh đó cũng cần tránh xu hướng chạy theo thành tích, làm mọi cách để học sinh đậu tốt nghiệp tỷ lệ cao, kể cả vi phạm quy chế. Lạm dụng việc cộng điểm trung bình cuối năm lớp 12 vào kết quả xét tốt nghiệp, nhiều trường THPT đã “bật đèn xanh” cho các giáo viên nâng điểm trung bình cuối năm trong học bạ để tạo cơ hội cho học sinh có học lực trung bình trở xuống có điều kiện được tốt nghiệp. Cách “yêu” học trò như vậy là trái với lương tâm, đạo đức người thầy, tạo ra những sản phẩm “lỗi” cho xã hội.
Để lập lại trật tự trong thi cử và đánh giá công bằng, đúng chất lượng, chúng ta ủng hộ các giải pháp góp phần giúp kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Tuy kỳ thi năm 2019 có những quy định được siết chặt hơn mọi năm nhưng chắc chắn đề thi không còn những nội dung, câu hỏi “đánh đố” thí sinh; phần câu hỏi nhằm phân hóa năng lực học sinh để phục vụ việc tuyển sinh cho các trường đại học sẽ không còn đặt nặng vì đã giao quyền tự chủ cho các đơn vị tuyển sinh. Vì thế, nếu thí sinh nào học tập nghiêm túc, ôn tập có kế hoạch, làm bài thi thử đạt mức trung bình trở lên là có thể tự tin sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi năm nay.
Bùi Quang Vinh