Dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường tiểu học ở Gia Lai: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Nghị định 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ, 10 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh luôn quan tâm đến việc dạy và học tiếng Jrai, Bahnar trong trường tiểu học với mục tiêu nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ, bản sắc văn hóa các dân tộc. Dẫu vậy, nhiều địa phương, đơn vị vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác này.
Hào hứng dạy và học tiếng mẹ đẻ
Cứ vào sáng thứ bảy hàng tuần, 14 học sinh Jrai của lớp 5A, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt lại tập trung về điểm trường làng Hlang Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) để học tiếng mẹ đẻ. Sau nghi thức chào hỏi quen thuộc, cô giáo Siu Hyát bắt đầu kiểm tra bài cũ, chú trọng vào các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết của học sinh. Nhiều học sinh trong lớp giơ tay trả lời ngay khi cô giáo vừa kết thúc câu hỏi tạo nên bầu không khí học tập sôi nổi.
Em Kpă Thảo hào hứng nói: “Em là người Jrai, lại được học tiếng mẹ đẻ từ năm lớp 3 nên việc đọc và viết chữ Jrai không còn khó nữa. Cả lớp em đều thích học bộ môn này vì nó giúp chúng em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập và cuộc sống”.
Là giáo viên bản địa và có chứng chỉ hoàn thành bồi dưỡng dạy học tiếng Jrai, cô Hyát có nhiều thuận lợi khi đồng hành cùng học trò ở môn học này. Tuy nhiên, làm thế nào để lôi cuốn các em cùng hòa mình vào bài học, tạo sự yêu thích thật sự đối với môn học là điều mà cô luôn trăn trở.
“Một bài học tiếng Jrai thường bao gồm: tập đọc, kể chuyện, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn. Nếu chỉ dạy đơn thuần thì rất khô khan, dễ gây nhàm chán cho học sinh. Thế nên trong quá trình giảng dạy bài mới, tôi thường kết hợp kể chuyện, hát những bài dân ca Jrai liên quan đến nội dung, kết quả học tập cuối năm đều xếp loại từ hoàn thành trở lên”-cô Hyát chia sẻ.
Một tiết học tiếng Jrai tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ia Vê, huyện Chư Prông). Ảnh: M.T
Một tiết học tiếng Jrai tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ia Vê, huyện Chư Prông). Ảnh: M.T
Tại Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Pah), công tác dạy học tiếng mẹ đẻ cũng được duy trì tốt trong suốt 10 năm qua. Theo thầy Nguyễn Trọng Cường-Hiệu trưởng nhà trường, từ năm học 2010-2011 đến 2013-2014, học sinh học chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Còn từ năm học 2014-2015 đến nay, nhà trường thực hiện chương trình dạy tiếng Jrai như một bộ môn; tổng cộng có 25 lớp với 423 học sinh. Qua khảo sát thực tế, các em đều ham thích học tiếng của dân tộc mình và cơ bản nghe-nói-đọc-viết thành thạo.
Em Rơ Châm Mai (lớp 5D) vui vẻ cho biết: “Lúc đầu đọc và viết chữ Jrai khó lắm nhưng giờ em đã tiếp thu tốt hơn, chỉ còn một số từ chưa hiểu. Em sẽ về nhà cố gắng luyện tập thêm để sớm thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Tú An) là đơn vị duy nhất ở thị xã An Khê tổ chức dạy học tiếng dân tộc như một môn học tự chọn. Nhà trường phân công 1 giáo viên bản địa dạy tiếng Bahnar cho 55 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 tại điểm trường 3 làng Nhoi, Pơ Nang và Hòa Bình.
Cô Trương Thị Cẩm Thúy-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Giáo viên đảm trách nhiệm vụ giảng dạy tiếng Bahnar của trường được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nên có phương pháp dạy ngôn ngữ khoa học và khá dễ hiểu. 100% học sinh tham gia học tiếng đều đọc-viết chữ Bahnar khá tốt, học tập hứng thú và tích cực tham gia xây dựng bài. Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy-học bộ môn này cũng được đầu tư tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu”.
Thực hiện Nghị định số 82, từ năm học 2010-2011 đến nay, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo đưa việc dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) vào kế hoạch dạy học chung của cấp học. Các trường triển khai dạy học theo đúng chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS do Bộ GD-ĐT ban hành; khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học để nâng cao chất lượng; đồng thời, tùy tình hình sắp xếp thời gian học phù hợp và thực hiện đủ số tiết quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu của học sinh cũng như phụ huynh trên địa bàn.
Theo đó, chương trình học tiếng dân tộc được thực hiện 2 buổi/tuần/lớp, có giáo viên bản địa trực tiếp giảng dạy. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học tương đối đảm bảo, có phòng học riêng cho học sinh, sách vở và thiết bị học tập được trang bị khá đầy đủ. Ngành GD-ĐT tỉnh cũng chỉ đạo các trường giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học như: điều chỉnh, phân luồng đối tượng học sinh; tổ chức dạy theo hướng cá thể hóa, chấp nhận sự khác biệt trong lớp học với phương châm “chậm mà chắc”; linh hoạt điều chỉnh, tinh giản những nội dung trùng lặp và thay đổi ngữ liệu cho phù hợp với học sinh Jrai, Bahnar trên nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh. Nhờ đó, hàng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành môn học đạt 92,5%.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai dạy và học tiếng DTTS trong trường tiểu học ở nhiều địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi lên là vấn đề thiếu giáo viên giảng dạy tiếng DTTS đạt chuẩn theo quy định, dẫn tới hàng loạt trường học phải ngừng tổ chức thực hiện công tác này.
Số liệu thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, 5 năm trở lại đây, số lượng trường, lớp, học sinh học tiếng DTTS giảm khá mạnh. Nếu năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 85 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng DTTS với 324 lớp và 8.218 học sinh thì đến năm học 2019-2020 chỉ còn 10 trường, 29 lớp với 1.183 học sinh. Toàn tỉnh có 34 giáo viên dạy tiếng DTTS như một môn học (18 giáo viên Jrai và 16 giáo viên Bahnar) nhưng tất cả chưa được đào tạo chính quy chuyên ngành giảng dạy tiếng DTTS mà chỉ được bồi dưỡng qua các lớp tập huấn của Sở GD-ĐT.
Một tiết dạy học tiếng Jrai của Trường Tiểu học Ia Phí (huyện Chư Pah). Ảnh: M.T
Một tiết dạy học tiếng Jrai của Trường Tiểu học Ia Phí (huyện Chư Pah). Ảnh: M.T
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Học tiếng dân tộc là để duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết các DTTS. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp đến, tiếng DTTS cũng sẽ được đưa vào là môn học tự chọn từ lớp 1 đến lớp 12. Vì thế, để duy trì hiệu quả, mở rộng quy mô dạy học tiếng DTTS tại các trường đủ điều kiện thì phải có chính sách tuyển dụng biên chế giáo viên chuyên ngành. Bộ GD-ĐT cũng cần có chủ trương cho các trường sư phạm mở lớp đào tạo chuyên ngành giảng dạy tiếng DTTS; ưu tiên xây dựng phòng học, đầu tư trang-thiết bị dạy học và cấp sách giáo khoa cho học sinh chọn học môn học này.
Ông Đỗ Xuân Dũng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro-thông tin: Thực hiện Nghị định số 82 của Chính phủ, từ năm học 2010-2011, Phòng đã chỉ đạo Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Huệ (nay là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Yang Nam) dạy học thực nghiệm tiếng Bahnar cho 1 lớp 3 với 16 học sinh; giáo viên giảng dạy là người Bahnar. Kết thúc năm học, 100% học sinh đều nắm rất vững nội dung chương trình, bước đầu đã viết được chữ của dân tộc mình. 


Từ kết quả đó, năm học kế tiếp, việc dạy tiếng Bahnar được mở rộng thêm tại Trường Tiểu học Trần Phú (nay là Trường Tiểu học và THCS Chơ Long) và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên dạy tiếng Bahnar đạt chuẩn về chuyên môn nên quy mô dần bị thu hẹp. Đến năm học 2018-2019 thì huyện không còn duy trì được công tác này.

Tại huyện Đức Cơ, việc dạy và học tiếng Jrai trong các trường tiểu học đã phải dừng lại từ năm học 2015-2016. Nguyên nhân mà Trưởng phòng GD-ĐT huyện Võ Công Dương đưa ra cũng chính là bởi đội ngũ giáo viên chỉ kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên ngành về tiếng Jrai nên yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Thêm vào đó, nhiều học sinh không còn mặn mà với môn học này nữa mà chuyển sang chọn học tiếng Anh để tiếp nối học chương trình cấp THCS và THPT. Trước đó, địa phương cũng từng có 15 trường tổ chức dạy tiếng Jrai với 115 lớp và 2.905 học sinh tham gia học. Theo kết quả khảo sát nhu cầu học tiếng mẹ đẻ của các DTTS trên địa bàn do Phòng GD-ĐT huyện thực hiện, số người có nhu cầu học chiếm tỷ lệ khá nhỏ (chỉ 12,45%).
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cũng nhấn mạnh một số hạn chế, vướng mắc khác như: việc dự giờ, góp ý trao đổi chuyên môn về tiếng DTTS ở một số trường còn chưa thường xuyên và gặp khó khăn do hầu hết đều chỉ có một giáo viên dạy tiếng DTTS; một số giáo viên chưa am hiểu phương ngữ, do đó truyền đạt còn máy móc, khô cứng, chưa linh hoạt; việc phân bố giờ dạy kết hợp với chương trình chính khóa ở một số trường còn gặp khó khăn; cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học; sách giáo khoa sử dụng qua nhiều năm đã cũ, chủ yếu là sách in sao lại nên màu sắc không đẹp, dẫn đến hiệu quả giáo dục không cao.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.