Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đối với các sở, ngành, đơn vị, địa phương sau chuyến kiểm tra thực tế các dự án, nghe báo cáo xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các công trình xây dựng cơ bản trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Trong ngày 24 và 26-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đã kiểm tra tiến độ triển khai Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông, Dự án đường liên xã huyện Chư Pưh và nghe báo cáo xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các công trình xây dựng cơ bản trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Sau khi kiểm tra thực tế, nghe các chủ đầu tư báo cáo cùng ý kiến tham gia đề xuất của các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành yêu cầu giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các ban quản lý dự án, chủ đầu tư tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo đối với một số dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cử cán bộ thường xuyên có mặt tại công trình để cùng tham gia, phối hợp với các địa phương kịp thời xử lý các vướng mắc, tập trung hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB); lập kế hoạch, tiến độ thi công chi tiết cho từng công việc còn lại làm cơ sở theo dõi, điều hành và đôn đốc các đơn vị thi công tập trung vật tư, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, trong đó ưu tiên hoàn thành dứt điểm các đoạn tuyến dài 9,4 km hiện không vướng mắc mặt bằng thi công, đảm bảo đến ngày 30-9-2021 giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn bố trí. Ủy ban nhân dân các huyện Chư Sê, Chư Pưh phải đẩy nhanh công tác đền bù, đến ngày 15-9-2021 phải hoàn thành phương án đền bù để bàn giao mặt bằng từng phần và đến ngày 15-10-2021 hoàn thành công tác đền bù để bàn giao mặt bằng toàn tuyến cho chủ đầu tư.
 Thi công tràn xả lũ Dự án hồ chứa nước Plei Thơ Ga, xã Chư Don, huyện Chư Pưh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Kim Linh
Thi công tràn xả lũ Dự án hồ chứa nước Plei Thơ Ga, xã Chư Don, huyện Chư Pưh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Kim Linh
Đối với tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm việc với Binh đoàn 15 để hoàn thành công tác GPMB vào ngày 20-9-2021 và có kế hoạch cụ thể đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến ngày 30-9-2021 đạt mục tiêu giải ngân 80% kế hoạch vốn bố trí.
Về Dự án đường tỉnh 662B, Ban Quản lý tiếp tục làm việc với nhà thầu thi công để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến ngày 30-9-2021 đạt mục tiêu giải ngân 75% kế hoạch vốn bố trí. Về Dự án đường liên xã huyện Chư Pưh, UBND huyện Chư Pưh phải khẩn trương hoàn tất các hồ sơ thủ tục có liên quan để triển khai thi công, đảm bảo đến ngày 30-9-2021 giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn bố trí.
Đối với các công trình thủy lợi Plei Thơ Ga, Ia Rtô, Tầu Dầu 2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư rà soát các công việc còn lại để thực hiện hoàn thành dứt điểm, đảm bảo đến ngày 30-9-2021 tỷ lệ giải ngân đạt lần lượt là 70%, 80% và 100%. Còn đối với Dự án đường nội thị thị xã Ayun Pa (hiện giải ngân mới đạt 0,7%), UBND thị xã phải khẩn trương rà soát công tác GPMB, hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai thi công trong tháng 8-2021 và đảm bảo đến ngày 30-9-2021 giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn bố trí.
Về Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Gia Lai, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Sở Tài chính khẩn trương rà soát, phân bổ vốn cho Dự án theo Nghị quyết số 299/NQ-HĐND ngày 25-2-2021 và Nghị quyết số 278/NQ-HĐND ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh, nhập Tabmis cho Dự án để giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành. Đối với 5 dự án được bố trí vốn để thanh toán hoàn thành dự án nhưng chưa thực hiện giải ngân do còn vướng mắc các thủ tục (Dự án bảo tồn di tích Tây Sơn Thượng đạo, Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa, Dự án Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, Dự án di dân tự do xã Chư A Thai, Dự án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao), các chủ đầu tư khẩn trương rà soát thanh toán, chậm nhất đến ngày 15-9-2021 phải hoàn thành.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan liên quan yêu cầu các chủ đầu tư bổ sung cam kết về bảng tiến độ các công việc còn lại, kế hoạch giải ngân cụ thể cho từng công trình theo các mốc thời gian (từ nay đến 30-9-2021; đến 31-12-2021; đến 31-1-2022) gửi về Sở KH-ĐT trước ngày 10-9-2021 và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu xây dựng kế hoạch không đảm bảo, thiếu theo dõi đôn đốc và triển khai chậm trễ. Sở KH-ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan rà soát, thống nhất về số liệu để các chủ đầu tư thực hiện làm cơ sở theo dõi, đánh giá, nắm bắt các thông tin, chủ động phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kịp thời kiến nghị với cấp trên xử lý khi vượt quá thẩm quyền. Riêng đối với công tác đền bù GPMB phải đánh giá lại toàn bộ các vướng mắc, nhất là các dự án trọng điểm có nguồn vốn đầu tư lớn hoặc dự án mà công tác đền bù phức tạp, kéo dài để thống nhất, có giải pháp xử lý chung đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục theo quy định của pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB trong thời gian đến, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thống nhất về công tác đền bù trước ngày 15-9-2021. Sở KH-ĐT phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh cùng các cơ quan liên quan rà soát các nguồn vốn và xác định khả năng sử dụng vốn theo từng nguồn, từng dự án để đề xuất điều chỉnh nguồn vốn.
HÀ SỰ

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.