(GLO)- Chiều 13-11, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị đã phê bình các đơn vị chậm cổ phần hóa, thoái vốn và yêu cầu phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Ảnh: Nguyễn Huy |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về kết quả cổ phần hóa cho thấy, đến tháng 10-2015 cả nước đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp. Trong đó, 159 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 16 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác nhau.
Qua theo dõi từ năm 2011 đến ngày 10-11-2015 cả nước sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 (bằng 79,37% kế hoạch 2011-2015) và sắp xếp theo các hình thức khác 63 doanh nghiệp. Dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được 210 doanh nghiệp. Riêng trong 2 năm (2014 và 2015) cổ phần hóa được 353 doanh nghiệp.
Về kết quả thoái vốn nhà nước, 10 tháng của năm 2015, cả nước thoái vốn được 9.152,2 tỷ đồng, thu về trên 13.767 tỷ đồng; lũy kế từ năm 2012 đến ngày 28-10-2015 cả nước thoái vốn được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính ngân hàng 8.074 tỷ đồng (trên tổng số 23.325 tỷ đồng phải thoái, bằng 37%) thu về 9.540 tỷ đồng. Bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 7.746 tỷ đồng, thu về 13.339 tỷ đồng.
Theo đánh giá, tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy nhanh nhưng số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011-2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.
Tại Hội nghị, các địa phương và Bộ, ngành đã đưa ra các kết quả và vướng mắc là nguyên nhân chậm tiến độ trong việc cổ phần hóa. Riêng tỉnh Gia Lai, hiện có 18 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc tỉnh quản lý, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do UBND tỉnh làm chủ sở hữu (11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp; 3 công ty TNHH một thành viên nông nghiệp và 4 công ty TNHH một thành viên hoạt động trên các lĩnh vực khai thác công trình đô thủy lợi; đô thị, xổ số kiến thiết và cấp nước sinh hoạt). Hiện việc cổ phần hóa 2 doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai và Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai đã hoàn tất các thủ tục cần thiết và trình BCĐ cổ phần hóa trong năm 2015. Đồng thời, cũng trong quý IV- năm 2015, 3 Công ty nông nghiệp sẽ hoàn thành phương án cổ phần hóa và bán cổ phần theo quy định.
Ảnh: Nguyễn Huy |
Sau khi nghe các ý kiến trình bày tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phê bình các địa phương, Bộ, ngành còn chậm, thiếu tích cực trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo. Với các lý do được nêu lên tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Từ nay đến hết năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế quản lý tài chính của các DN 100% vốn Nhà nước theo quy định; tập trung vào các DN thuộc diện khó hoàn thành CPH; xác định nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể không hoàn thành kế hoạch CPH các DN này, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước tiếp tục rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch sắp xếp DNNN để thực hiện ngay hoặc thực hiện trong giai đoạn tới; rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần; tổ chức tổng kết và báo cáo tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển DNNN giai đoạn 2011-2015, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020.
Nguyễn Huy