Đâu phải mùa măng cuối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoàng hôn chỉ vừa kịp phơn phớt hồng lên sườn núi là vào đêm rất nhanh. Giờ này ở làng, những người già đã bắt đầu nhóm lửa. Riêng ngôi nhà nhỏ của chị em Vôn vẫn tù mù như chưa từng có vệt sáng len lỏi qua đây. Vôn chưa về, mười ngón chân em đang bấm vào cái nhầy nhụa của đất đỏ giữa mùa mưa Tây Nguyên mà lần ra khỏi bìa rừng.

Mùa này, măng đang rộ. Chiều nào, Vôn cũng địu em Vin theo các chị trong làng, lặng lẽ nối nhau đi lấy lộc rừng. Người già vẫn bảo măng là thứ lộc trời ban cho buôn làng, để đắp vào cái bụng những ngày giáp hạt. Vôn mồ côi cha từ bé, mẹ vừa mất tháng trước vì trượt chân ngã giữa dải núi mịt mùng trên đường đi gùi măng, không người hay biết. Thế mà chị em Vôn vẫn yêu những mùa măng lắm. Nhiều lần bị gai đâm xước cả tay, vừa xót vừa ngứa. Ừ thì “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Vôn gùi măng sau lưng, địu em Vin phía trước, chốc chốc lại vòng tay ra sau xốc lại chiếc gùi cho ngay thẳng. Cu cậu nằm gọn lỏn như chú sóc nhỏ trong lòng chị, có khi choàng dậy khóc ré lên. Vôn mệt lắm, lại không biết ru em nên cứ cắm cúi đi, để mặc hai nắm tay nhỏ bé kia cứ lần tìm vú mẹ trên tấm ngực gầy nhom của cô chị gái vừa tròn 13 tuổi. Hơi núi về đêm lạnh buốt. Vôn nhớ mẹ quá, lại thương em nhưng tuyệt nhiên không khóc. Cô giáo đã dạy không được ngã lòng trong những ngày hoạn nạn. Vôn vẫn chưa quên. Nhún người qua vòm cây bụi, men ra lối đường, ngôi nhà giữa làng kia rồi. Túm bắp vàng ở gác bếp, Vôn định sẽ um lên, dằn bụng.

*
Từ hôm mẹ mất, Vôn chẳng được tròn giấc. Khi ngọn núi cao nhất còn khuất trong sương giá, đàn sáo đen còn rít khe khẽ trong các hốc núi sau nhà thì Vôn đã trở dậy. Không phải để đến trường, Vôn đã nghỉ học từ đầu tuần vì chẳng tìm được ai trông giúp em Vin. Đứng tần ngần ở cửa, Vôn nhớ cái khoảng sân trường lắm bạn bè, nhớ bảng đen chi chít chữ và những lần há cái miệng nhỏ xinh của mình, vừa ngơ ngác vừa thích thú, khi nghe cô Hương kể những mẩu chuyện về các bạn nhỏ ở ngoài phố thị. Thích thú vì chúng xa lạ quá đỗi. Chiếc áo trắng cô tặng hôm khai giảng, Vôn còn móc ở đầu giường, ra vào vẫn để ý vì sợ mưa dầm thế này, không khéo lại mốc thếch lên như màu của ngói. Vôn thấy mình đang lớn. Cảm tưởng như có gì đó nhu nhú lên trong bờ ngực lõm, như đọt măng rừng ngấm mạch suối nguồn mà bung tỏa cho hết kỳ mưa đổ. Ngờ ngợ thế mà chưa lần nói với ai. Vôn từng có một chị gái, nhưng chị cũng về với Atâu rồi. Chỉ vì tức chồng bê tha chè rượu mà chị uống thuốc diệt cỏ, tự kết liễu cuộc đời. Đó là ngày mà Vôn tưởng như mình không còn cất được tiếng nói…

*
Chiều muộn. Những đám cỏ tranh bên hông nhà va vào nhau sàn sạt, mưa xói vào từng lớp đất, mái nhà Vôn như cong lên hứng cái gắt gay của trời. Chưa thấy các chị í ới gọi đi hái măng, tiếng em Vin the thé ở mép giường khiến lòng Vôn càng thêm thắc thỏm. Có lẽ nào thằng Sục lại đến? Chị gái Vôn mất rồi, nó vẫn không để cho Vôn yên thân. Chiều nào canh lúc hai chị em Vôn không lên rừng, nó lại lăm le qua kiếm ăn và buông lời mạt hạng:

- Chị mày chết rồi, mày phải lấy tao. Rầm sàn gãy thì phải thay, dát sàn nát thì phải thế. Mày đừng trốn!

Chị của Vôn yêu thằng Sục là người cùng họ Kpă, người già cấm rồi, vì lấy nhau sẽ bị Yàng trừng phạt, khiến cho đau ốm liên miên hoặc không có con cái. Câu nói của thằng Sục cứ vọng trong đầu Vôn mãi. Yàng ơi, cái tục nối dây giờ lại quay ra làm khổ Vôn nhiều đến thế. Em chỉ vừa hoàn thành xong bậc Tiểu học, nhập trường mới còn chưa kịp gọi cho thạo tên các bạn trong lớp. Làm sao có thể tròn vai người vợ? Vôn ngơ ngác, rụt hẳn người, tựa vào tấm ván che, cái hoảng sợ càng khiến cho con người trở nên nhỏ bé. Vôn ước được vào lớp của cô Hương, những con chữ từ cô hấp dẫn Vôn đến lạ. Cô thường bảo:

- Người ta nói không học giống như đứng úp mặt vào tường, không thấy gì mà còn không tiến lên được.

Vôn tuy áo quần lấm lem nhưng gương mặt rất duyên, lại chuyên cần nên được cô thương lắm. Vôn để ý khi cô giảng bài vẫn hay nhìn xuống phía Vôn và nhoẻn cười. Những ngày dẫn cô xuống buôn để vận động các bạn ra lớp, Vôn thỏ thẻ:

- Các bạn hư quá, cứ làm cô buồn. Em hứa sẽ không như thế.

Cô giáo khuyên Vôn đừng bỏ học, có khó lắm cũng ráng học hết các lớp của trường mình. Ý là học hết cấp II, Vôn ngầm hiểu thế. Cô Hương định rồi sẽ xin cho Vôn theo học một trường dạy nghề ở phố. Vôn khéo lắm. Rồi em sẽ như con chim se sẻ, cất cánh bay xa, thoát khỏi nỗi cơ cực đang đeo bám từng ngày. Nơi Vôn đến sẽ không có những ngày nắng oi nồng, cũng không ngày mưa giá rét. Vôn nghĩ vậy. Tưởng đến đây thôi, ánh mắt Vôn trong veo tựa giọt nắng đang thì xuân sắc, lòng Vôn xôn xao như có ngàn nhựa sống bỗng chốc cựa mình bừng thức, tuôn trào.

Đã lâu rồi Vôn không còn biết ngửi mùi hương trên tóc mình. Vôn ngỡ như không một nơi nào có thể khiến mình thôi sợ hãi. Ngay cả ngôi nhà này bỗng nhiên cũng trở thành một chốn nương thân rất mơ hồ. Trước mắt Vôn giờ đây, mây trên cao cũng vàng xạm đi một màu hệt như mặt người đang cau có. Vôn và em Vin là những đứa trẻ bị bỏ rơi. Vôn biết thế. Đầu Vôn như đeo đá. Lẩn trốn thằng Sục vì sợ hãi. Lẩn trốn cả cô Hương vì xấu hổ. Rõ là Vôn đang sống, nhưng sao lại có cảm giác như cái chết đang lặng thầm đi bên cạnh. Thằng Byê học cùng lớp 5 với Vôn ngày trước, nó cũng tự tử đấy. Có phải vì nó cũng buồn như Vôn bây giờ không? Vôn mong được đi nhặt ổi rụng ở làng bên với nó một lần nữa. Nhưng muộn rồi!

*
Thằng Sục lại đến. Trong cái ui ui của chiều tà nơi gác bếp. Vừa kịp thấy nó lững thững xách theo bịch rượu trắng từ ngõ đi vào, Vôn vùng dậy chạy tới ôm Vin, rổ lá mì trên tay rơi xuống, vãi đầy sàn. Vôn quấn Vin sau lưng rồi chạy. Bỏ mặc trong căn nhà ấy, thằng Sục say mèm, có khi thấy bóng mình mà ngỡ Vôn đang lẩn khuất đâu đó gần bên. Vôn chạy đỏ cả khóe mắt, xóc cả ruột gan trên con đường cũng bết một màu đỏ thẫm. Sự rời bỏ này, Vôn không hề định trước. Vôn đi đâu giữa những dãy núi tối sầm vây quanh bốn phía. Vin khóc ư ử sau lưng, Vôn thấy mình như đang bơi trong cái biển sương đầy giá buốt của núi, vỡ toác những hy vọng. Hương măng rừng cứ thấp thoáng trong đầu Vôn như thể những ngày vừa qua là mùa măng cuối. Sấm rền không ngớt, mưa ào ào trút xuống, đàn chim rối rít trên tảng đá đâu đó. Vôn cởi khăn, địu em Vin ra phía trước, thân Vôn ướt đẫm trong mưa...

*
Gần 12 giờ đêm. Phòng của cô Hương trong khu nhà tập thể vẫn sáng đèn. Vôn đứng xơ rơ ngay phía trước, run rẩy đưa tay gõ cửa. Vôn không kịp nghĩ nhiều nhưng ít nhất, Vôn tin là đã tìm được cho mình một chốn bình yên, thoát khỏi cơn sợ hãi đang lấp đầy trái tim. Vôn tin, rồi có ngày mình sẽ quay về trên những con đường gùi măng, gùi thức quà của núi mà vui say sưa. Sẽ lại thấy nắng ấm như ngày có mẹ. Và sẽ không bao giờ có mùa măng cuối...

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.