Dầu mè Doctor Linh: Tạo thương hiệu từ chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2023, từ nguồn vốn khuyến công địa phương, chị Thái Thị Linh (thôn Quỳnh Phụ, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến sản phẩm dầu mè Doctor Linh. Không chỉ giúp tiết kiệm nhân công, hệ thống máy tự động giúp cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Mè là cây trồng ngắn ngày, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư thấp và cho năng suất cao nên được nhiều hộ dân khu vực Đông Nam tỉnh chọn để xen canh, tăng vụ. Riêng huyện Krông Pa có khoảng 1.500 ha mè. Tuy nhiên, do không có cơ sở chế biến tại chỗ, người dân chỉ xuất bán mè thô nên giá cả thường bấp bênh. Điển hình như khi dịch Covid-19 bùng phát, nông sản không thể xuất bán khiến người trồng mè lao đao.

Với mục đích vừa giúp bà con tiêu thụ nguồn nguyên liệu tồn đọng tại chỗ vừa tạo ra sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, năm 2021, vợ chồng chị Linh quyết định mở cơ sở chế biến dầu mè. Sau một thời gian tham gia hội nhóm sản xuất dầu mè trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm, chị Linh hoàn thành sản phẩm dầu mè Doctor Linh và được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2022, chị xin nghỉ việc tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pa để tập trung sản xuất kinh doanh.

Hệ thống máy lọc dầu với công suất mỗi giờ đạt 50-70 lít giúp cơ sở nâng cao năng suất, tăng doanh thu 30% so với trước đây. Ảnh: Vũ Chi

Hệ thống máy lọc dầu với công suất mỗi giờ đạt 50-70 lít giúp cơ sở nâng cao năng suất, tăng doanh thu 30% so với trước đây. Ảnh: Vũ Chi

Theo chị Linh, lựa chọn nguyên liệu là khâu quyết định chất lượng sản phẩm. Hạt mè phải mẩy, đều, phơi được nắng thì dầu mới thơm, ngon. Vì vậy, ngoài thu mua tại địa phương, chị Linh liên hệ đầu mối tại các địa phương lân cận như Ayun Pa, Ia Pa thu mua hơn 20 tấn mè/vụ để có nguồn nguyên liệu dự trữ. Hạt mè được đóng gói trong các bao ni lông chống ẩm, có thể bảo quản trong 1 năm.

Tuy nhiên, điều khiến chị Linh trăn trở nhất là phương pháp thủ công đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đầu năm 2023, chị đăng ký nguồn vốn khuyến công địa phương và được hỗ trợ hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến dầu mè.

Dây chuyền chế biến gồm 4 thiết bị: máy sàng mè công suất 2-3 tạ/giờ, máy rang hạt công suất 35-40 kg/giờ, máy ép dầu công suất 40-60 kg/giờ và máy lọc dầu công suất 50-70 lít/giờ. Kinh phí lắp đặt toàn bộ dây chuyền hơn 300 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 150 triệu đồng, phần còn lại do cơ sở đối ứng.

“Dây chuyền sản xuất tự động chế biến dầu mè không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhân công, giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nếu như trước đây, 1 nhân công chỉ có thể sàng được 80 kg mè/ngày thì nay với máy sàng mè tự động có thể sàng lọc khối lượng gấp 2,5 lần. Bên cạnh đó, nhờ giữ lượng nhiệt ổn định khi rang nên dầu có mùi thơm hơn. Năng suất tăng giúp doanh thu của gia đình tăng khoảng 30% so với trước”-chị Linh phân tích.

Sản phẩm dầu mè Doctor Linh được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: V.C

Sản phẩm dầu mè Doctor Linh được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: V.C

Hiện tại, trung bình mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 500 lít dầu. Với giá bán 240 ngàn đồng/lít dầu mè vàng, 260 ngàn đồng/lít dầu mè đen, mỗi năm, gia đình chị Linh lãi trên 150 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng khắp cả nước nhưng nhiều nhất là các tỉnh, thành như: Đak Lak, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Linh cho biết: Khi sản lượng đã đi vào ổn định, cơ sở sẽ đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đăng ký dự thi sản phẩm nông thôn tiêu biểu; tích cực tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các phiên chợ, hội chợ thương mại do các cấp tổ chức cũng như đăng ký bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý nhất. Bên cạnh đó, cơ sở từng bước hình thành chuỗi liên kết thông qua việc đầu tư giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Là một trong những khách hàng thường xuyên sử dụng dầu mè Doctor Linh trong 2 năm qua, chị Phạm Thị Hường (thôn Quỳnh Phụ) chia sẻ: “Khi cơ sở sản xuất dầu mè Doctor Linh ra đời, tôi đã chuyển sang sử dụng sản phẩm của cơ sở và hoàn toàn yên tâm về chất lượng khi được tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cũng giới thiệu với bạn bè và người thân cùng tin dùng”.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Đức Tư-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsai-cho biết: Nhờ có nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào nên cơ sở sản xuất dầu mè Doctor Linh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Thông qua nguồn vốn khuyến công địa phương, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến sản phẩm. Điều này không chỉ góp phần giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện cho cơ sở mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cơ sở đăng ký tham gia Chương trình OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.