Đinh Thị H’Phim: “Chắp cánh” rượu ghè truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Bà ngoại đã dành tâm huyết để gầy dựng thương hiệu “Rượu ghè H'Tuyết” và nâng tầm thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để làm nên mỗi ghè rượu là hành trình chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống trao truyền qua bao thế hệ. Vì thế, tôi quyết tâm nối nghiệp và chắp cánh để hương rượu ghè của người Bahnar mãi bay xa”-chị Đinh Thị H’Phim (30 tuổi, làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ) bày tỏ.

Người kế nghiệp

Lớn lên trong hơi men rượu ghè nồng ấm của bà ngoại Đinh Thị H’Phiên, từ nhỏ, cô bé H’Phim đã mê mẩn với những bánh men được làm từ vỏ cây rừng hay những hạt bo bo, cào cào, bắp được ủ dậy mùi. Cũng vì thế mà H’Phim gần gũi với bà nhất và thường phụ giúp trong các công đoạn làm ra những ghè rượu thơm nồng.

Đinh Thị H’Phim phơi khô bắp để làm nguyên liệu ủ rượu ghè. Ảnh: Mai Ka

Đinh Thị H’Phim phơi khô bắp để làm nguyên liệu ủ rượu ghè. Ảnh: Mai Ka

Bà H’Phiên chia sẻ: Hầu hết phụ nữ Bahnar đều biết ủ rượu nhưng mỗi nếp nhà sẽ có những hương vị khác nhau. Rượu của gia đình bà chủ yếu được làm từ bo bo, cào cào và bông cỏ. Men rượu hoàn toàn từ tự nhiên. “H’Phim có đôi tay khéo, tấm lòng rộng mở và khối óc nhanh nhạy nên tôi luôn ưu ái trau dồi cũng như truyền niềm đam mê và tình yêu với rượu ghè truyền thống cho cháu”-bà H’Phiên tâm sự.

Từ năm 7 tuổi, H’Phim đã theo bà lên rẫy thu hoạch bo bo, cào cào; rồi lên rừng tìm vỏ cây hyam và một số loại lá, rễ cây rừng… Dù nhiều lần đôi tay nhỏ nhắn tứa máu vì cây rừng nhưng H’Phim vẫn không nản chí. Chị vừa đi vừa nghe bà ngoại kể về cách nhận biết cũng như công dụng của từng loại cây rừng.

“Lúc đấy, mình tự hào về vùng đất cũng như văn hóa truyền thống của người Bahnar lắm. Không ngờ những loại cây trên rẫy, trong rừng có thể góp phần làm ra những ghè rượu ngon đến vậy. Mình thầm cảm phục bà ngoại và nghĩ rằng sẽ thật ý nghĩa nếu bản thân có thể nối nghề bà gìn giữ được nét đẹp này”-chị H’Phim kể.

Cứ thế, H’Phim lớn lên cùng những ghè rượu thân thuộc. Chị dần dần nắm vững kiến thức cũng như bí quyết riêng do bà ngoại truyền dạy. Bo bo và cào cào sau khi thu hoạch về đem phơi khô, mang đi xay xát để loại bỏ lớp vỏ trấu; bông cỏ thì đem phơi rồi dùng cây đập lấy hạt. Các loại nguyên liệu sau đó được nấu chín, rải ra nia cho nguội rồi rắc men lên. “Men được làm từ vỏ cây hyam, gạo, ớt bay, gừng, riềng và một số loại lá, rễ cây rừng…, mình đem giã trộn lại và nắn thành từng miếng. Rượu được làm từ men tự nhiên này rất ngon, ngọt, có mùi thơm dịu nhẹ”-chị H’Phim chia sẻ.

Theo chị H’Phim, chất men và cách ủ quyết định đến hương vị đặc trưng rượu ghè. Những ghè rượu do bàn tay chị làm ra vì thế mang nét khác biệt. Rượu có vị thơm nồng, đậm đà khó tả. Hương vị đó được người làng truyền tai nhau và hết lời khen ngợi. “Chất men cực kỳ độc đáo, không giống với bất kỳ nơi nào. Nhấp một chút rượu cần trên đầu lưỡi không quá cay, khi uống vào thấy êm và ngọt dần nơi cuống họng. Rượu ghè của H’Phim ngon, hương vị không lẫn được với các rượu ghè làng khác”-ông Nhưh (làng Leng Tô) bày tỏ.

Để hương rượu cần bay xa

Năm 2019, “Rượu ghè H'Tuyết” được UBND huyện Đak Pơ trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2021, sản phẩm này tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là nguồn động lực để bà H’Phiên và chị H’Phim tiếp tục gìn giữ, phát huy nghề truyền thống.

Chị H’Phim cho rằng: “Được công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để chúng tôi mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân Bahnar. Thật bất ngờ khi hương vị độc đáo của “Rượu ghè H'Tuyết” không chỉ được người dân trong làng ưa chuộng mà còn thu hút được mọi người khắp nơi biết đến như: Đà Nẵng, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh… Mỗi ghè rượu được người phụ nữ Bahnar cẩn thận làm ra bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê”. Mỗi ngày, gia đình chị H’Phim nấu khoảng 10 nồi bo bo và bông cỏ để ủ rượu. Mỗi nồi như vậy, chị ủ được khoảng 10 ghè. Mỗi ghè có giá từ 250 ngàn đến 500 ngàn đồng.

Chị Đinh Thị H’Phim (bìa phải) và bà Đinh Thị H’Phiên bên sản phẩm “Rượu ghè H'Tuyết”. Ảnh: M.K

Chị Đinh Thị H’Phim (bìa phải) và bà Đinh Thị H’Phiên bên sản phẩm “Rượu ghè H'Tuyết”. Ảnh: M.K

Thời gian gần đây, chị H’Phim đã mạnh dạn đưa sản phẩm rượu ghè của gia đình quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook… Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. “Nhiều năm nay, rượu ghè HTuyết đã không còn lạ lẫm với người dân huyện Đak Pơ và một số nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh. Thậm chí, nhiều du khách nước ngoài cũng đã đặt mua”-chị H’Phim cho hay.

Ông Đinh Văn Noi-công chức Văn hóa-Xã hội thị trấn Đak Pơ-chia sẻ: Rượu ghè là một trong những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Bahnar. Chị H’Phim là người “tiếp lửa” cho thương hiệu “Rượu ghè H'Tuyết”, để sản phẩm đặc trưng của địa phương ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.