Dấu lặng từ những cuộc "hồi hương" giữa mùa dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, từ các tỉnh, thành phía Nam, hàng nghìn người dân miền Trung, Tây Nguyên ngày đêm vượt cung đường xa xôi lên tới cả nghìn cây số để về lại quê nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một cuộc "hồi hương" bất đắc dĩ và đầy trắc trở. Đường về nhà, với họ, chưa bao giờ xa xôi đến vậy.
LTS: Những ngày qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày một nóng bỏng tại TP.HCM, hàng nghìn người dân đang sống và làm việc tại TP.HCM đã tìm cách trở về quê hương (chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên...) tạo nên hình ảnh nhiều đoàn xe máy nối nhau dài hàng chục km trên dọc Quốc lộ 1, triền miên ngày sang ngày. Nhiều tỉnh, thành phố miền Trung cũng như bà con dọc đường đã có nhiều phương án, hình thức để đón tiếp, hỗ trợ những công dân của mình khi trở về rất chu đáo và đầy tình nghĩa.
Chỉ sau khi có Công điện mới của Thủ tướng yêu cầu "ai ở đâu ở yên đấy", tình trạng này mới vãn bớt. 
Với loạt bài "Dấu lặng từ những cuộc 'hồi hương' giữa mùa dịch Covid-19", từ thực trạng của sống bấp bênh nơi đất khách của hàng vạn người dân, trong đó không ít nông dân, tới cuộc "hồi hương" bất đắc dĩ những ngày qua, Dân Việt muốn đưa tới bạn đọc một bức tranh tương đối toàn diện về cuộc mưu sinh xa nhà của những người dân quê và qua đó, mong mỏi chính quyền các địa phương, các chuyên gia... tìm ra những lời giải khả thi để có thể "giữ chân" người dân, giúp họ có cuộc sống ổn định ngay tại quê nhà, thoát khỏi cuộc mưu sinh bấp bênh, bất định nơi đất khách quê người. 
Và biết đâu, cuộc "hồi hương" bất đắc dĩ ngày hôm nay chính là cơ hội giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bài 1: Vật lộn mưu sinh nơi đất khách giữa dịch Covid-19
Xót xa – đó là 2 từ đọng lại lâu nhất trong tâm trí chúng tôi khi trực tiếp chứng kiến và ghi lại những câu chuyện về chuyến trở về quê hương bất đắc dĩ của hàng ngàn người dân trên xe máy, di chuyển hàng ngàn km giữa miền Trung nắng lửa. Họ chạy dịch từ nơi phố thị mưu sinh thường ngày, để trở về quê nhà kiếm tìm nơi nương náu bình an cuối cùng giữa mùa Covid-19. 
Vét sạch túi mới đủ tiền về quê
"Lì, vào đây con. Đừng chạy lung tung, mẹ không cho gặp ông bà đâu nghe chưa", chị Như (trú xã Phong Chương, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nói lớn, vừa chạy nhanh lại nắm tay đứa nhỏ về lán trại.
"Thằng nhỏ quậy dữ lắm. Nói về quê gặp ông bà nó cứ tíu tít mãi, không chịu ngồi yên", người phụ nữ phủi sạch chỗ đất trống để cu Lì ngồi xuống.
Cách đây hơn mười tiếng đồng hồ, chị Như cùng 30 người khác thuê xe rời TP.HCM hồi hương tránh dịch. Quá nửa số người là hàng xóm, họ hàng cùng xã với chị. Ngày lên xe về, con hẻm nhỏ nơi chị mưu sinh gần chục năm vắng lặng. Còi hú, dây trắng đỏ phong tỏa khắp đường.
"Đa số người dân xã Phong Chương vào TP.HCM ở trọ để đi làm nghề thợ hồ, ngày dịch bệnh bùng phát ai nấy đều rơi vào thất nghiệp. Hơn 3, 4 tháng nay chúng tôi nhận cứu trợ từ chính quyền Q.Bình Tân (TP.HCM), đôi lúc cũng có mạnh thường quân ở Huế gửi lương thực, thực phẩm vào tiếp viện. Ngày rời TP.HCM, gia đình tôi đã nợ lại tiền trọ, vét sạch túi mới đủ 2 triệu tiền xe về quê", chị Như kể.

Chị Như, anh Nhận cùng hơn 30 người trú cùng xã Phong Chương, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngồi chờ được đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: D.B
Chị Như, anh Nhận cùng hơn 30 người trú cùng xã Phong Chương, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngồi chờ được đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: D.B
Cuộc sống khốn khó, họ chấp nhận chia tay quê hương, chọn TP.HCM để mưu sinh, hy vọng đủ đầy cho cuộc sống sau này. Hôm nay, trên chuyến xe rời "miền đất hứa" trở về, có những tiếng thở dài, những đôi mắt nặng trĩu. Có người là cha, là chồng, là trụ cột gia đình nhưng phải bất lực vì dịch Covid-19.
"Cuộc sống của chúng tôi bị xáo trộn. Vài ca, vài chục ca rồi đến cả nghìn ca. Nếu chỉ cứ sống thôi thì sẽ ổn nhưng còn đủ thứ để lo", anh Nguyễn Đức Nhận (trú xã Phong Chương, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thở dài nói về lý do anh  có mặt tại lán trại chờ đưa đi cách ly ngày hôm nay.
Vài sào ruộng, dăm ba con gà ở quê khiến anh Nhận quyết định vào TP.HCM kiếm sống. Bảy năm tha hương, đồng lương ít ỏi từ công việc thợ máy, anh chỉ dám ăn tiêu tiện tặn trong khoảng 3 triệu đồng, còn lại gửi về quê, lo cho gia đình, đặng còn lấy vợ. Đầu tháng 4, tần suất công việc ngày càng giảm dần. Hơn 2 tháng nay thì nghỉ hẳn khiến cuộc sống của anh thanh niên này càng thêm chật vật.
"Cố gắng cầm cự" là từ anh nghĩ đến nhiều nhất trong những ngày TP.HCM "mắc bệnh".
"Hoàn cảnh ở trọ chờ cứu trợ khó khăn lắm, nhất là cảnh nhìn mấy đứa nhỏ cùng dãy trọ phải ăn mì tôm nhiều ngày. Chúng tôi quyết mượn tiền về quê. Tôi mượn anh em đủ tiền để trả tiền xe. Về nhà trong hoàn cảnh này không ai mong muốn nhưng tôi bất lực rồi, không thể kéo dài thêm", anh Nhận tâm sự.
Trở về với quê hương
Hàng trăm công dân của Quảng Nam ở TP.HCM là những lao động có hoàn cảnh khó khăn, già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, ốm đau đã được đón về với vòng tay quê hương. Họ được hỗ trợ rất nhiều mặt kể cả UBND tỉnh Quảng Nam đang giao cho các cấp ngành tính đến phương án tìm việc làm cho họ sau khi hoàn thành cách ly theo quy định.
Tại Quảng Nam, dự kiến đón khoảng 800 bà con đồng hương về Quảng Nam, sau đó sẽ họp bàn đánh giá, rút kinh nghiệm để nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ bằng các hình thức khác. Các hình thức vận chuyển sẽ được tính toán linh hoạt xử lý, kể cả bằng ô tô, tàu lửa, máy bay, triển khai một cách phù hợp, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, với mục tiêu tạo điều kiện giúp bà con về nhanh nhất, tốt nhất, an toàn nhất. 
Mặt khác, tỉnh cũng đã phối hợp với Hội đồng hương động viên những người chưa đến mức cần thiết phải quay trở về thì yên tâm ở lại TP.HCM, chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh của chính quyền. 
Được đón từ TP.HCM trở về quê hương, nhiều bà con Quảng Nam cảm thấy rất vui mừng, hạnh phúc. Ngoài được lo ăn, ở miễn phí, họ còn được các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm khi hoàn thành cách ly về nhà.
Đang ở trong khu cách ly sau khi được đón về với vòng tay quê hương, chị Nguyễn Thị Lượm (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) xúc động kể, không riêng gì chị mà đợt đón này có đến rất nhiều người cùng cảnh ngộ như chị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và được đón về quê đợt đầu tiên. Nhiều năm bươn trải mưu sinh nơi đất khách, chuyến trở về lần này của chị đầy đặc biệt. 
"Năm 14 tuổi tôi đã vào TP.HCM. Sau khi lập gia đình, chồng cũng theo tôi vào đây làm công nhân may ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Bao ngày ngày tháng làm lụng vất vã cũng hy vọng đến cuối năm về quê thăm ông bà và vui Tết, mấy năm thì liên tục về chứ hai năm nay tình hình dịch liên tục diễn biến phức tạp nên việc được về quê càng khó khăn. Nhiều lúc cũng buồn nhưng điều kiện kinh tế không cho phép", chị Lượm chia sẻ.
Theo chị Lượm, gần hai tháng trước, dịch Covid-19 bùng phát ở TP. HCM nên hai vợ chồng chị bị… mất việc. Tiền trọ, tiền học hành của con, chi phí ăn uống sinh hoạt hàng ngày trở thành gánh nặng đối với cả hai. Không có việc làm nhưng phải gồng gánh nhiều chi phí, gia đình chị lâm cảnh khó khăn.
"Tiền công đi làm mỗi ngày chỉ có 200 ngàn đồng, nếu có tăng ca thì thu nhập khá hơn. Dịch bệnh nên cả hai vợ chồng đều thất nghiệp, khó khăn chồng chất. Gần nơi tôi ở có nhiều ca mắc Covid-19 vì thế khu vực này chợ búa cũng bị phong tỏa. Gần hai tháng trước cuộc sống của hai chồng rất chật vật...", chị Lượm nói. 

Đoàn người chạy xe máy nối đuôi nhau “chạy” dịch từ các tỉnh phí Nam về quê. Ảnh: D.B
Đoàn người chạy xe máy nối đuôi nhau “chạy” dịch từ các tỉnh phí Nam về quê. Ảnh: D.B
Cũng theo chị Lượm, khó khăn bủa vây, vợ chồng tôi mong được trở về quê hơn bao giờ hết. Tình cờ biết được thông tin UBND tỉnh Quảng Nam có phương án đón bà con trở về, nên chị lên mạng tìm số điện thoại của Hội đồng hương tại TP.HCM để đăng ký để được về với gia đình, về với quê hương. 
"Đăng ký vậy thôi chứ trong lòng nghĩ không biết có được về không vì thấy mọi người đăng ký đông quá. Nào ngờ, 3 hôm sau, Hội đồng hương gọi lại báo gia đình tôi được về quê trong đợt đầu tiên. Như trút được gánh nặng, hai chồng mừng kinh khủng. Gia đình tôi cách ly tập trung được 7 ngày rồi, dự dịnh hoàn thành cách ly xong sẽ về nhà mẹ ruột ở xã Tam Thanh. Về đây, được tỉnh lo ăn uống miễn phí, không tốn một đồng nào cả, chính vì thế đôi lúc tôi cảm thấy ngại vì được chăm lo quá ân cần, chu đáo…", chị Lượm tâm sự. 
Cùng về đợt đầu tiên cùng với chị Nguyễn Thị Lượm, chị Huỳnh Thị Hương (xã Tam Thanh) cho biết, những ngày khó khăn ở TP.HCM, gia đình chị may mắn có Hội đồng hương giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm. Dịch giã, hai vợ chồng chị cũng lâm vào cảnh mất việc. Giữa bộn bề lo toan, chị Hương đăng ký về quê. 
"Cả hai vợ chồng đều làm công nhân nên khi dịch bùng phát chúng tôi khó khăn lắm. Trước khi Sài Gòn thực hiện giãn cách, tôi có đi mua lượng thực về dự trữ. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên chỉ mua được ít gạo, trứng, mỳ tôm… Nhưng chừng đó cả nhà dùng được vài ngày thì hết. Được trở về quê lần này, tôi thật sự rất vui…", chị Hương tâm sự.
"Chắc lần này mình về luôn"
Dòng người từ phía Nam về quê cứ thế nối dài con đường Hồ Chí Minh. Không quá khó khăn để gặp họ. Chưa đến 10km đèo Hải Vân nhưng gần như tất cả mọi khúc cua, mọi bóng cây và khe suối đều trở thành chỗ dừng chân nghỉ ngơi.
Nhá nhem tối, con đường chạy dọc đầm Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đông nghịt người. Gió mang theo hơi đất, bụi cát bay ngợp một góc trời. Dưới không khí chẳng mấy dễ chịu, hàng trăm người trở về quê khi vừa qua khỏi đèo Hải Vân được chặn lại chờ nhập đoàn để lực lượng đưa qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Anh Đoàn Hải cùng đôi mắt sạm đen vì chạy xe liên tục nhiều giờ đồng hồ. Ảnh: D.B
Anh Đoàn Hải cùng đôi mắt sạm đen vì chạy xe liên tục nhiều giờ đồng hồ. Ảnh: D.B
Tiếng rấm rức của đứa trẻ bên mẹ, tiếng ồn của động cơ xe máy xen lẫn tiếng gọi tên từng người tới khai báo y tế. Sau quãng đường dài, họ chỉ biết im lặng nhìn nhau. Tất cả đều mệt mỏi.
"Vào TP.HCM làm công trình, lấy vợ rồi sinh con cũng gần chục năm, hôm nay lại trở về trong hoàn cảnh này, thật sự không ai mong muốn", anh Đoàn Hải (trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nói buồn.
Hải nhỏ con, mặt hốc hác, đôi mắt sạm đen vì chạy xe liên tục nhiều giờ đồng hồ. Dù chẳng lạ lẫm cảnh cực khổ chốn đô thị phồn hoa nhưng đời anh chưa từng nghĩ mình sẽ phải màn trời chiếu đất như lúc này. Hải kể anh vào TP.HCM đã được 8 năm. Thành phố cho anh vợ con và công việc. Khi anh bắt đầu có ý nghĩ sẽ gắn bó đời mình với nơi đây thì dịch đến. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền cứ thế đè nặng lên vai.
Tháng đầu tiên thất nghiệp, vợ con anh về quê. Tháng thứ ba thất nghiệp, đến lượt anh về quê.
Hành lý gần 10 năm nơi đất khách chỉ vỏn vẹn 2 chiếc ba lô cùng vài gói mắn muối. Chuyến về quê lần này, Hải không biết đến bao giờ mới trở lại.
"Thả được chân chống xuống đường là lo nghỉ lưng. Đợi ở đây gần 5 tiếng rồi. Mấy chú bảo đợi thêm một đoàn nữa đang vượt đèo rồi dẫn đi cùng một lúc. Không biết sao nữa, chỉ thấy buồn. Chắc lần này mình về luôn", Hải nói nhỏ.
Trong bóng đêm, đoàn người chạy xe máy rồng rắn nối đuôi nhau chờ vượt. Bên kia đèo trở thành điểm tập kết người khổng lồ. Từng nhóm lao động nghèo khăn đùm khăn gói. Tất cả đều vội vã, đều mong về nhà.
Có lẽ, đối với họ, đây sẽ là chuyến hành trình cuối cùng cho những điều mới mẻ.
(Còn nữa)
Theo Diệu Bình-Trương Hồng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.