Dấu lặng từ những cuộc "hồi hương" giữa mùa dịch Covid-19 - Bài 3: Dùng dằng kẻ ở người đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi dịch bệnh Covid-19 ập tới, hàng vạn người dân các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên lũ lượt rời các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Quê hương là nơi họ trú ngụ khi khó khăn, nhưng khi được hỏi nhiều người vẫn mong dịch bệnh qua nhanh, quay lại nơi đất khách quê người để mưu sinh... do quê nhà không có cơ hội cho họ.
"Nếu dịch hết, sẽ lại Nam tiến"
Trương Ngọc Phúc (ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk) là con duy nhất của gia đình. Phúc kể với chúng tôi, do bố tuổi cao không làm nghề mộc được nữa, mẹ buôn bán lặt vặt ở chợ chỉ đủ ăn qua ngày nên Phúc nghỉ học từ năm lớp 11 để đi TP.HCM tìm việc làm thời vụ. Thu nhập không cao lắm, nhưng bình thường Phúc vẫn dành dụm được ít tiền gửi về cho bố mẹ. 

Trương Ngọc Phúc đi xe đạp về quê. Ảnh: Đỗ Văn Trung
Trương Ngọc Phúc đi xe đạp về quê. Ảnh: Đỗ Văn Trung
Dịch bệnh ập đến nên thất nghiệp, riêng tiền thuê trọ mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, chưa kể tiền ăn và các chi phí khác. Vậy là Phúc đi xe đạp hơn 430 km, mất mấy ngày mới về đến nhà, giờ đang tự cách ly tại một căn nhà gỗ của gia đình. 
Nhưng khi hỏi về tương lai dự định thế nào, Phúc nói: "Nếu tình hình dịch bệnh ổn trở lại, em vẫn sẽ vào thành phố tìm việc. Ở huyện Krông Năng này ít việc lắm, nhà cũng không có ruộng rẫy gì, chẳng biết làm gì để kiếm sống".
Tương tự, chị Huỳnh Thị Thu (22 tuổi, ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) là công nhân tại Đồng Nai vừa trở về quê nhà, cho biết: "Nếu không làm tăng ca, mỗi tháng công ty trả cho em 4,5 triệu đồng, trừ tiền thuê trọ, ăn uống em cũng dành dụm được chút ít. Còn ở nhà bố mẹ làm nông nhưng ít việc, thu nhập cũng thấp nên nếu hết dịch em sẽ trở lại Đồng Nai làm tiếp".

Người dân dừng nghỉ trên đường về quê. Ảnh: Duy Hậu
Người dân dừng nghỉ trên đường về quê. Ảnh: Duy Hậu
Không chỉ những thanh niên độc thân mà nhiều người đã có gia đình vẫn một mình vào miền Nam tìm việc. Cách đây nửa tháng, anh Đỗ Ngọc Thưởng (xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk) đã chạy xe máy vào Bình Dương đón vợ về, hiện cả anh và vợ đang tự cách ly trong nhà rẫy. 
"Do ruộng rẫy ít, nên đầu năm nay tôi để vợ vào Bình Dương làm công nhân, còn mình ở nhà chăm sóc mấy sào rẫy. Cũng bất đắc dĩ nên vợ chồng mới phải xa nhau chứ không ai muốn thế"- anh Thưởng nói.
Vì sao lao động không ở lại quê nhà?
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại Tây Nguyên có hàng vạn người vào các tỉnh phía Nam để mưu sinh, nhất là sau khi giá hồ tiêu và cà phê xuống thấp trong nhiều năm. Không chỉ mất giá, mà hồ tiêu tại nhiều huyện như Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai), Ea H'Leo (Đắk Lắk), Đắk Song (Đắk Nông) còn chết hàng loạt khiến người dân lâm cảnh nợ nần, túng thiếu. 
Vừa trở về từ tỉnh Bình Dương bằng xe máy, anh Đinh Lâm (42 tuổi, trú tại huyện Chư Sê, Gia Lai) chia sẻ: "Hai năm trước, 4 ha hồ tiêu của gia đình bị dịch bệnh chết sạch, nợ nần chồng chất nên vợ chồng tôi vào Bình Dương làm công nhân để kiếm tiền trả nợ. Hôm chạy dịch về quê, gia đình có 4 người nhưng chỉ có 1 chiếc xe máy, vợ chồng tôi phải bán 2 chiếc nhẫn cưới để mua thêm 1 chiếc xe máy cũ. Con trai lớn chở đồ đạc, còn tôi chở vợ và con nhỏ".
Trong khi đó, anh Siu Núk (45 tuổi, làng Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) là công nhân xây dựng ở Đồng Nai vừa trở về, đang cách ly tại huyện Chư Prông (Gia Lai), hoàn cảnh cũng khá bi đát.
"Nhà mình trước đây trồng hồ tiêu nhưng bị bệnh chết 300 trụ rồi, còn nợ ngân hàng 50 triệu đồng. Không còn vườn rẫy gì thì đi Đồng Nai làm phụ hồ, đợt này mới xuống gặp dịch nên thất nghiệp lại về", anh Siu Núk kể.

Hai chị em Trần Thị Huyền và Trần Văn Đủ đi bộ từ Bình Phước về Kon Tum, dọc đường được người dân tặng xe đạp, thức ăn để đi tiếp. Ảnh: Facebook Bếp nhà tôm
Hai chị em Trần Thị Huyền và Trần Văn Đủ đi bộ từ Bình Phước về Kon Tum, dọc đường được người dân tặng xe đạp, thức ăn để đi tiếp. Ảnh: Facebook Bếp nhà tôm
Theo ông Lê Thanh Việt – Chủ tịch UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh, Gia Lai), xã có 563 người đi làm việc ở TP.HCM và các tỉnh phía nam, phần lớn là lao động phổ thông. Hiện trong số này có 350 người đã về lại địa phương do dịch Covid-19. 
"Nếu không có dịch thì những người đi làm ăn xa có thu nhập rất ổn. Còn ở địa phương, để thu hút lao động không ly hương, huyện đã triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với hộ nông dân nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân", ông Việt nói.
Một cán bộ Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk lý giải sâu hơn về thực trạng thanh niên nói chung, người nông dân nói chung không muốn ở lại quê hương để mưi sinh.
"Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung chủ yếu phát triển về nông nghiệp, còn công nghiệp cũng có nhưng không nhiều. Số người trong độ tuổi lao động của Tây Nguyên rất lớn nhưng thời gian nông nhàn khá nhiều, do vậy họ đã đến các tỉnh phía Nam, nơi có nhu cầu lao động rất lớn để tìm việc làm. Ngoài ra, cũng không có ít gia đình vì không có nương rẫy nên phải tha hương tìm đường mưu sinh. Cũng là cực chẳng đã chứ không ai muốn thế", vị cán bộ này ngậm ngùi.
Quyết đổi đời trên chính quê hương mình
Trong khi đó, đối ngược lại, nhiều trường hợp nông dân ở một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình mà PV Dân Việt có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện đều khẳng định: Chuyến "hồi hương" bất đắc dĩ vì dịch Covid-19 của họ cũng sẽ là chuyến cuối cùng để họ tìm về với quê hương. Dường như, cuộc sống nơi đất khách quê người cũng chẳng khá hơn là bao so với cuộc sống nơi quê nhà.
Bốn mẹ con bà Nguyễn Thị Hương (50 tuổi, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa tin mình đã ở Nghệ An. Hiện tại, 4 mẹ con bà Hương đang ở khu cách ly tập trung cách không xa nhà là mấy. 
Mẹ con bà Hương chính là những "nhân vật" đã quyết định đạp xe từ Trảng Bom về Nghệ An và may mắn được các mạnh thường quân giúp đỡ để đi tàu về quê. Tại khu cách ly tập trung, 4 mẹ con bà Hương được bố trí một phòng, tất cả hồi hộp đếm từng ngày cho hết thời gian cách ly.
Bốn mẹ con bà Hương có một máy điện thoại của anh Võ Thanh Bình (sinh năm 1993, quê Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, con trai bà Hương) làm đầu số liên lạc. Anh Bình chính là người đạp xe chở mẹ mình từ Trảng Bom cho tới Ninh Thuận trong 10 ngày.
Khi được hỏi chuyện, qua điện thoại, anh Bình chia sẻ với PV Dân Việt: "Ở quê không có thu nhập nên mấy năm trước, 4 mẹ con buộc phải tìm vào Trảng Bom (Đồng Nai) làm công nhân cho một công ty da giày. Khi dịch Covid-19 chưa ập tới, nếu chăm chỉ tăng ca, thu nhập mỗi tháng được 5 triệu đồng. Dịch tới, công ty ngừng hoạt động, cả 4 mẹ con không đủ tiền thuê phòng trọ, tiền ăn cũng chẳng còn nên mới quyết định đạp xe từ Trảng Bom (Đồng Nai) về quê nhà Nghệ An".
Khi báo NTNN/Dân Việt cùng nhiều tờ báo đăng tin về hành trình của 4 mẹ con chị Hương bằng cách đạp xe từ Trảng Bom về Nghệ An, một tổng công ty lớn tại tỉnh Quảng Trị đã liên hệ muốn nhận cả 4 mẹ con bà Hương vào làm công nhân. 
"Chúng tôi được lãnh đạo huyện Nghi Lộc hỗ trợ giúp đỡ cho 4 mẹ con. Về ý tốt của doanh nghiệp định tạo công ăn việc làm, trước mắt 4 mẹ con tôi rất cảm kích nhưng tôi sức khỏe đã yếu, các con có nguyện vọng về quê, làm ăn trên chính mảnh đất quê hương của mình thôi. Lần này về quê muốn về hẳn, khó khăn cũng được, 4 mẹ con tôi không muốn đi đâu nữa. Xin cảm ơn mọi người đã quan tâm, giúp đỡ 4 mẹ con tôi" - bà Nguyễn Thị Hương nói.

Những lao động quê Nghệ An tại phía Nam về tới cầu Bến Thủy đợi test Covid-19 và làm thủ tục y tế. Ảnh: Cảnh Thắng
Những lao động quê Nghệ An tại phía Nam về tới cầu Bến Thủy đợi test Covid-19 và làm thủ tục y tế. Ảnh: Cảnh Thắng
Còn tại Quảng Bình, anh nông dân Phan Hải (30 tuổi, quê ở huyện Quảng Trạch) sau khi trải qua hành trình chạy xe máy hơn 1.000 km từ Sài Gòn về Quảng Bình, hiện đang ở trong khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chủ động liên lạc với phóng viên Dân Việt.
Qua điện thoại, anh Hải chia sẻ: "Quãng đường hơn 1.000 km từ TP.HCM về Quảng Bình là một hành trình mệt mỏi và đầy rẫy nguy hiểm. Và có lẽ, đây cũng sẽ là lần cuối cùng tôi rời xa quê nhà. Chuyến này tôi sẽ về hẳn nhà để mưu sinh, dù no đói nhưng cũng quyết tâm ở lại quê thôi".
Anh Hải cũng tiết lộ thêm kế hoạch của mình với PV: "Sau khi cách ly, đợi dịch Covid-19 được kiểm soát, tôi sẽ vay mượn tiền để làm nông nghiệp. Trước mắt, tôi sẽ làm ao, thả cá và nuôi thêm gà đồi để tạo thu nhập". 
"Nhiều người cứ tưởng làm ở thành phố sẽ thu nhập cao nhưng lao động chân tay thì làm sao mà lương cao được. Nếu chịu khó và biết làm ăn ở quê có khi thu nhập còn cao hơn nhiều so với thành phố mà không phải xa xôi, vất vả và đầy trắc trở" - anh Hải quả quyết nói với chúng tôi.
(Còn nữa) 
Theo Nhóm PV BMT-TN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.