Đất ngoại thành sốt vì tin lên thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trước hàng loạt thông tin quy hoạch lên thành phố , giá đất ruộng, đất trồng cây lâu năm, đất vườn ở Củ Chi, Hóc Môn… đã tăng dựng đứng chỉ trong thời gian ngắn.
Các thông tin xây dựng cao tốc ven sông, đường vành đai 3, vành đai 4, “đại bàng” này “ông lớn” kia được rỉ tai nhau đã kéo giới đầu cơ đổ xô về đây với đủ các chiêu trò.
Sốt từ mạng tới ruộng
Trên các trang mua bán bất động sản, thông tin đất Củ Chi chiếm ưu thế. Tất cả các xã ở H.Củ Chi (TP.HCM) đều có tin đăng bán đất, ít cũng 60 - 70 tin, nhiều đến vài trăm tin. Giá cả cũng đủ loại, từ vài trăm triệu đồng/công đến vài tỉ đồng/công, nhưng điểm chung là mức giá này đã được đẩy lên gấp 2 - 3 lần chỉ trong một thời gian ngắn.
Trên các trang mạng xã hội, cơn sốt đất ở “Thành phố Tây Bắc trong tương lai” vô cùng nhộn nhịp với hàng chục hội nhóm khác nhau. Dân môi giới dẫn các đường link về thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng để lôi kéo giới đầu cơ. Thậm chí họ còn “thả thơ”, văn vần để diễn tả sự nóng sốt của vùng đất này như: “Chưa đi chưa biết Củ Chi/Đi rồi mới biết đất vàng phân lô/Giá tùy kích thước nhỏ to/Gần khu công nghiệp cả kho người tìm”…
Sức nóng trên mạng được “đẩy” ngay vào giá. Anh Hiền, một chủ quán ở Củ Chi, cho biết từ sau Tết Nguyên đán, đặc biệt trong mấy tuần gần đây khi có thông tin “Củ Chi lên thành phố” thì đất mặt tiền đường TL15 tăng vù vù. “Ở đây bây giờ từ đất vườn, đến đất ruộng, đất trồng cây hằng năm hay lâu năm tất tần tật đều tính giá mét vuông chứ không tính mét ngang như trước nữa. Cứ cuối tuần xe ô tô thành phố xuống đây xem đất dập dìu”, anh Hiền nói.
Theo lời người chủ quán, chúng tôi men theo đường Cây Gõ có nhiều đường nhánh đâm thẳng ra hướng sông Sài Gòn là đường đá, đường đất đỏ, một số chỗ trải đá dăm. Hai bên đường là những vườn cao su, tràm, có chỗ là đất lúa bỏ hoang nhưng cô Chín, chủ vườn lan khu vực này, cho biết: Giờ ở đây làm gì có ai bán đất mà mua. Dân cố cựu ở đây đã bán đi gần hết rồi. Giờ chỉ còn dân nơi khác đến, họ mua đầu cơ từ mấy năm trước. Bây giờ mới đi kiếm đất bờ sông thì giá cao lắm, trung bình cũng 2 triệu đồng/m2 đất lúa. “Nhưng họ rao vậy thôi chớ không ai bán đâu, đừng đi tìm mất công”, cô Chín nhìn chúng tôi ái ngại và kể, trước đất ở đây “cho không chẳng ai lấy” nhưng từ năm 2017 - 2018 có thông tin là đại lộ ven sông, đất ở đây đã sốt “một chập”, lên 600 - 700 triệu đồng/công. Đến đợt dịch vừa rồi, cơn sốt lắng xuống một thời gian rồi “tăng mạnh nhất là từ tháng 3 này. Đất lúa mà cũng bán theo mét vuông là cô mới thấy lần đầu trong đời”, cô Chín nói. Cô chỉ tay về những miếng đất trước mặt kể vanh vách miếng này trước đây của ai, đã giao dịch bao nhiêu lần, giờ ai đang sở hữu, giá mua bán năm nào, bao nhiêu… Bất chấp đất lúa chỉ được giao dịch đối với người có giấy xác nhận hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đất lúa và đất dọc bờ sông Sài Gòn ở Củ Chi vẫn được chào mời rao bán.

Khách đi xem đất ở Củ Chi đông như hội vào cuối tuần. Ảnh: Minh Đăng
Khách đi xem đất ở Củ Chi đông như hội vào cuối tuần. Ảnh: Minh Đăng
Cò, đầu nậu náo loạn vùng ven
Từ lời giới thiệu trên mạng chuyên về bất động sản, chúng tôi hẹn nữ môi giới tên Quyên đi xem đất khu vực Củ Chi. Đi hơn 40 km để có mặt tại cổng khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi theo đúng lịch hẹn nhưng đó chỉ là điểm gặp mặt, vị trí đất mà Quyên dẫn chúng tôi ngoằn ngoèo qua những con đường nhỏ, xuyên qua cánh rừng keo và cao su, đến một con đường cụt mới tới. Chỉ tay vào những vị trí đất nền đã cắm sẵn cọc lộ giới, Quyên giới thiệu: “Các lô đất này do công ty em đầu tư, san lấp và phân lô có sổ đầy đủ. Hiện nay giá đất Củ Chi đang sốt, anh mua lúc này thì còn có thể lướt sóng được chứ một thời gian nữa thì giá còn tăng cao hơn, rất khó mua”. “Một miếng đất này giá bao nhiêu?” “Miếng này khoảng 600 m2, giá công ty là 1,6 tỉ đồng”. Tính ra, miếng đất ở hóc hẻm xa tít mà chúng tôi đang được giới thiệu cũng lên tới gần 3 triệu đồng/m2. Giá cao chót vót nhưng giấy tờ mà Quyên cung cấp cho chúng tôi chỉ là một bản photo mờ nhạt không nhìn thấy rõ các thông tin và khẳng định đây là đất đã được quy hoạch làm đất thổ cư. “Anh không biết đấy thôi chứ đất Củ Chi bây giờ có chủ hết, anh muốn mua chỉ có thể mua những vị trí như thế này, còn đất dự án thì càng hiếm. Bây giờ người ta đổ xô đi tìm mua đất Củ Chi, giá như vậy không mắc đâu”, Quyên rào đón.

 
Liên hệ với môi giới tên P.H, nhân viên của Công ty H.Đ ở Q.Tân Bình đi xem đất vườn, được phân khu dự án đất nền ở khu vực Củ Chi, chúng tôi được P.H thuyết giảng một bài: “Đất Củ Chi bây giờ vẫn còn thấp hơn so với các vùng lân cận như Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai hay thậm chí Lâm Đồng… Làm gì ở đâu mà bây giờ đất còn giá 2 triệu đồng/m2 nữa anh, toàn phải 3 - 4 triệu trở lên thôi. Giờ anh muốn đầu tư ở Củ Chi thì cứ tập trung em cho cung đường Tỉnh lộ 15 (TL15), Nguyễn Thị Rành, Tỉnh lộ 7 (TL7)… Đó là mấy cung đường đang “hot” hiện nay. Anh nên tranh thủ chốt sớm chớ không mai mốt giá còn tăng nữa. Mà giờ nhà nước đâu cho tách thửa phân lô nữa vì họ để dành đất cho các dự án lớn hết rồi. Giờ là thời điểm đẹp nhất luôn”.
Nhiều người mang theo cả bao tiền mặt, coi vị trí, giá cả được là họ cọc luôn vì sợ chủ đất đổi ý. Vì nhiều khi người ta đi xem đất vào cuối tuần, văn phòng công chứng đâu có làm việc, nên nhiều người làm luôn giấy tay.
Anh T.T.TOÀN (môi giới tự do)
Sáng 2.4, chúng tôi tiếp tục theo chân đoàn khách tham quan một “dự án” khác tại xã Tân An Hội, một khu đất nông nghiệp được phân lô để bán làm đất vườn. Diện tích phổ biến nhất chỉ có 80 m2 và lớn nhất là 92,9 m2, nhưng giá lại được chào ở mức từ 1,5 - 2,1 tỉ đồng/lô tùy vị trí. Khi xe vào đến vị trí được giới thiệu là “dự án”, đã có cả trăm người tập trung ở đây, tạo nên không khí rất náo động. “Dự án” chỉ là một miếng đất trống, việc phân lô hoàn toàn trên giấy và bản vẽ. Theo quan sát của chúng tôi, có ít nhất 3 sàn giao dịch cùng chào bán dự án này nên lượng khách bị lôi kéo khá đông. Nhân viên sale dùng nhiều cách khác nhau thuyết phục khách “chốt đơn”. Thậm chí nhiều môi giới còn mang thước dây ra đo đạc lại từng lô đất cho khách xem để tăng độ thuyết phục. Một số nhân viên môi giới nói lớn: Cô chú anh chị chú ý, bây giờ đất Củ Chi sốt lắm. Mấy dự án nhỏ nhỏ kiểu này mở bán một tuần là hết. Ngân hàng hỗ trợ vay đến 70%. Có ngân hàng hỗ trợ vay là anh chị không cần lo về pháp lý. Nếu bỏ qua cơ hội này mai mốt có hội nghị xúc tiến đầu tư xong, giá đất còn tăng nữa…
Nườm nượp mua bán đất
Để kiểm chứng, chúng tôi tìm đến Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM (Chi nhánh Củ Chi). Mới sáng sớm, lượng người tập trung về đây để làm thủ tục rất đông, ngồi chen chúc chật cứng phía trong phòng. Số người ngồi chờ bên ngoài cũng lên đến 70 - 80 người.
Anh T.T.Toàn, một môi giới tự do, nhận xét: “Lúc này giới đầu tư đổ về Củ Chi đông thật, đủ các thành phần từ cán bộ, tới doanh nhân, nhân viên ngân hàng, nghệ sĩ đủ cả. Vừa nói Toàn móc điện thoại ra khoe: “Anh nhận ra ai đây không. Thấy quen đúng không?”. Đó là một nghệ sĩ hài có tiếng tại TP.HCM. Tấm ảnh chụp ngay tại phòng công chứng mà chúng tôi đang ngồi, trên tay anh vẫn còn đen vết mực lăn, gương mặt cười rạng rỡ. “Đâu phải có mình ông này, nghệ sĩ xuống đây mua đất nhiều lắm. Nhiều người mang theo cả bao tiền mặt, coi vị trí, giá cả được là họ cọc luôn vì sợ chủ đất đổi ý. Vì nhiều khi người ta đi xem đất vào cuối tuần, văn phòng công chứng đâu có làm việc, nên nhiều người làm luôn giấy tay”, Toàn nói chắc nịch.
Đó là thực tế mà chúng tôi khảo sát những ngày qua tại các phòng đăng ký đất đai và nhất là Phòng Công chứng ở trung tâm H.Củ Chi. Cả tháng nay ở những nơi này, ngày nào cũng tấp nập từ sáng đến chiều. Người giao dịch trực tiếp chật cứng phía trong phòng lạnh. Bãi xe luôn trong tình trạng chật kín ô tô, xe máy.
Một buổi chiều cuối tháng 3, tại phòng công chứng, chúng tôi gặp một người trung niên chở người phụ nữ ngoài 60 tuổi đến với xấp hồ sơ gồm sổ đất, hộ khẩu và chứng minh cho một nhóm người mới bước xuống từ một chiếc ô tô xem.
Gương mặt có chút lo lắng, bà ngập ngừng nhiều lần khi chúng tôi bắt chuyện. Bà tên N.Lành, vì gia đình đang gặp cảnh khó khăn nên phải bán mấy công đất vườn. Bán được đất nhưng lại lo bán nhầm, bán lỗ vì giá cứ tăng. Không bán thì không có tiền xoay trở giải quyết khó khăn hiện tại. Vì thế bà cứ nhấp nhổm nhìn khách xem giấy tờ đất của mình...
Có rất nhiều người như bà Lành, bán đất trong tâm trạng bất an. (còn tiếp)
Theo Minh Đăng - Đinh Đang (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.