(GLO)- Với lợi thế về diện tích mặt nước tại các hồ chứa của công trình thủy điện-thủy lợi, ao hồ nhỏ và các vùng trũng có thể phát triển nuôi trồng thủy sản, Gia Lai dù là tỉnh miền núi nhưng sản lượng đánh bắt các loài cá nước ngọt hàng năm gần 3.000 tấn đủ cung cấp thị trường trong tỉnh và một số nơi đã tìm thị trường ngoài tỉnh để tiêu thụ. Đây hứa hẹn sẽ trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương trong những năm tới đây.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống các hồ chứa công trình thủy lợi và thủy điện ngoài phục vụ nước tưới và phát điện, còn tạo ra cơ hội mở rộng diện tích nuôi trồng các loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện có 13.530 ha, tăng 530 ha so với năm 2011 và 130 ha trong năm 2012. Trong đó, nuôi trong các hồ chứa lớn 12.255 ha; ao, hồ nhỏ và ruộng trũng 1.275 ha, tập trung tại các huyện: Phú Thiện, Chư Prông, Ia Pa và Kbang… Năm nay, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng là do đưa vào sử dụng và khai thác một số công trình thủy lợi như: Plei Pai (huyện Chư Prông) rộng 470 ha, Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) 120 ha, Ia Hdreh (huyện Krông Pa) 120 ha… Vì vậy, đã có trên 23 triệu con cá giống được các chủ đầu tư nuôi trồng thả xuống những khu vực trọng yếu.
Thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực về hình thức, đa dạng giống cá. Đã có trên 100 lồng cá nuôi theo hình thức thả lồng; nuôi thâm canh và bán thâm canh từng bước ổn định diện tích. Nét khác biệt so với những năm trước là ngoài các loài cá truyền thống được nuôi lâu nay như: trắm, chép, rô phi… nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao bắt đầu nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh như: lăng nha đuôi đỏ, cá chình, điêu hồng, bông lau và đặc biệt là cá tầm xuất khẩu… góp phần rất lớn vào việc đa dạng các loài thủy sản trên địa bàn.
Thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn, tổng sản lượng đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh trong năm 2012 đạt 2.780 tấn, tăng 80 tấn so với năm 2011. Trong đó, khai thác trong các hồ chứa lớn đạt 720 tấn, ao hồ nhỏ 2.060 tấn. Có được kết quả này là nhờ vào sự đầu tư hiệu quả của công tác giống, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng các mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tại các huyện: Chư Pah, Kbang và thị xã Ayun Pa đã cho thu hoạch khá cao, giúp người dân thấy được hiệu quả của việc nuôi cá.
Không những vậy, nhiều địa phương đã hỗ trợ người dân tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản rất tốt và khả năng nhân rộng việc nuôi cá trong thời gian tới là rất lớn.
Mặc dù tiềm năng và lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn nhưng quy trình khai thác hiện nay gặp không ít khó khăn khi hầu hết các địa phương đều chưa có cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản mà phần lớn chủ yếu kiêm nhiệm. Dự án phát triển nuôi ương giống thủy sản giai đoạn 2012-2015 dù đã phê duyệt nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được cấp vốn. Vì vậy không thể triển khai thực hiện, đặc biệt việc điều tra thống kê các hồ chứa có khả năng nuôi các loài cá có gí trị kinh tế cao rất khó thực hiện vì đa số các hồ đều ở vùng sâu, vùng xa…
Trước những khó khăn này, mới đây Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh xem xét, hàng năm hỗ trợ thêm kinh phí cho công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và thả cá ra các vùng tự nhiên và công trình thủy lợi. Cần có chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng sâu tiếp cận với việc nuôi trồng thủy sản.
Với tiềm năng và lợi thế về các lòng hồ thủy điện-thủy lợi cùng với phong trào nuôi cá nước ngọt như hiện nay, tương lai không xa việc nuôi trồng thủy sản sẽ là một trong những hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh ta.
Nguyễn Diệp