(GLO)- Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các huyện biên giới đầu tư xây dựng và củng cố lực lượng dân quân thường trực trên địa bàn vững mạnh. Qua đó, dân quân thường trực đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng-chống thiên tai.
Xây dựng lực lượng dân quân thường trực vững mạnh
Tiểu đội dân quân thường trực xã Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai) hành quân tuần tra biên giới. Ảnh: L.Q |
Gia Lai có đường biên giới dài hơn 90 km giáp với nước bạn Campuchia. Để góp phần bảo vệ vùng biên giới bình yên, phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh, những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng các khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng DQTT ở những tuyến trọng điểm, biên giới. Theo đó, Bộ CHQS tỉnh vừa làm tốt chức năng tham mưu, vừa kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo về thực hiện đăng ký, tuyển chọn những công dân có trình độ chính trị, năng lực tốt biên chế vào lực lượng DQTT, ưu tiên thanh niên người địa phương. Để nâng cao trình độ, năng lực công tác cho lực lượng này, hàng năm, Bộ CHQS tỉnh tổ chức huấn luyện tập trung trong 30 ngày, trong đó có 15 ngày huấn luyện tại địa bàn biên giới để sát với thực tế. Bên cạnh đó, lực lượng DQTT còn được bồi dưỡng thêm kiến thức về Luật Biên giới Quốc gia; nội dung, quy chế về phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là các đơn vị Bộ đội Biên phòng…
Từ năm 2015 đến nay, lực lượng DQTT trên địa bàn 3 huyện biên giới đã ngăn chặn 176 người vượt biên sang Campuchia và hàng trăm lượt người xâm nhập trái phép, góp phần bảo vệ và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cùng với tăng cường, đảm bảo số lượng người thì việc đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ đã giúp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của lực lượng DQTT. Đại tá Đinh Văn Dũng-Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh-cho biết: “Được sự nhất trí của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ bản về nhà cửa, nơi ăn nghỉ tập trung cho lực lượng DQTT; đảm bảo tốt các chế độ và đời sống vật chất, tinh thần để anh em yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với vùng biên giới. Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng các chốt DQTT đang triển khai xây dựng tại 7 xã biên giới cho thấy sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với lực lượng DQTT của địa phương, là cơ sở để lực lượng này phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng bảo vệ vùng biên giới, giúp bà con địa phương ổn định cuộc sống. Thực tế cho thấy, địa phương nào, nhất là các huyện biên giới, đầu tư xây dựng lực lượng DQTT vững mạnh thì ở đó tình hình an ninh chính trị ổn định, biên giới bình yên”.
“Điểm tựa” vùng biên
Dân quân thường trực xã Ia Púch trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: L.Q |
Mới đây, chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh đến thăm, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của lực lượng DQTT xã Ia Púch (huyện Chư Prông). Mặc dù trời mưa nhưng chỉ sau 15 phút từ khi có tín hiệu báo động, tiểu đội DQTT ở đây đã tập trung với đầy đủ quân tư trang, vũ khí.
Thượng tá Trần Văn Phong-Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Chư Prông-cho biết: Đến nay, huyện đã xây dựng được 5 tiểu đội DQTT tại 2 xã biên giới. Từ khi thành lập, với sự chăm lo của các cấp, được tạo điều kiện bảo đảm các chế độ chính sách theo Luật Dân quân tự vệ đồng thời có nơi ăn ở khang trang, hoạt động của lực lượng DQTT ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, được chính quyền và nhân dân tin yêu, giúp đỡ. Những năm qua, lực lượng DQTT đã thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng. Đồng thời, lực lượng này còn tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn và phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cán bộ, chiến sĩ tiểu đội DQTT của xã Ia Púch đều còn rất trẻ và có đến 60% là người dân tộc thiểu số. Cách đây hơn 1 tháng, xã Ia Púch bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ quét, hàng chục hộ dân bị cô lập và nhiều tài sản, hoa màu của bà con bị cuốn trôi. Lúc đó, lực lượng DQTT xã đã nhanh chóng phối hợp cùng các lực lượng khác vượt qua dòng lũ dữ đưa 55 người người dân bị mắc kẹt trong các chòi rẫy, nhà vườn và hơn 150 gia đình bị ngập lụt đến nơi an toàn. Những thành tích mà cán bộ, chiến sĩ DQTT xã biên giới Ia Púch đạt được trong thời gian qua đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và UBND huyện Chư Prông khen thưởng bằng nhiều bằng khen, giấy khen.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Trung-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-cho biết thêm: “Đối với một xã biên giới như Ia Púch, tiểu đội DQTT là lực lượng trọng yếu, không thể thiếu. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi cũng đánh giá rất cao công tác dân vận, giúp dân trong các tình huống thiên tai của lực lượng này. Ngoài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tham gia tuần tra bảo vệ vùng biên giới, lực lượng DQTT của xã còn tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Chúng tôi đang đề nghị UBND huyện cấp một khu đất để anh em trồng thêm mì, bắp, điều… nhằm có thêm nguồn thu, qua đó ổn định cuộc sống, gắn bó hơn với đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ”.
Lê Quang