Đắk Lắk phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Đắk Lắk tiếp tục tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư tốt hơn về công nghệ, vốn và xúc tiến, quảng bá sản phẩm, chủ động đổi mới công nghệ.

untitled-5068.jpg
Kéo băng xuất khẩu lô hàng 35 tấn hạt Macca chính ngạch đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Ea H’Leo)

Đến nay, các sản phẩm nông sản chế biến của Đắk Lắk đã vươn đến hơn 70 quốc gia và các vùng trên thế giới. Tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu, có năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.

Thời gian qua, ngành công thương tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới.

Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, cho biết phát huy những kết quả đạt được, năm 2025, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Đắk Lắk tiếp tục tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư tốt hơn về công nghệ, vốn và xúc tiến, quảng bá sản phẩm, chủ động đổi mới công nghệ.

Đồng thời, ngành tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm mẫu mã mới, tìm kiếm thêm nhiều thị trường xuất khẩu.

Năm 2024, hoạt động xuất khẩu của Đắk Lắk tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Những lô hàng xuất khẩu nông sản cuối năm vẫn đang tiếp tục góp phần tạo nên niềm vui cho mùa Xuân mới.

Kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk tăng trưởng ấn tượng, ước đạt 1,675 tỷ USD, bằng 104,7% kế hoạch năm, tăng 10,47% so với năm trước.

Ngày 16/12 vừa qua, Hợp tác xã sản xuất Thương mại, Dịch vụ Nông nghiệp macca Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm hạt macca thương hiệu "Macca Ea H’leo" đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc.

Lô hàng có trọng lượng 35 tấn, đã trải qua nhiều bước kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan chuyên môn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và quy cách đóng gói, truy xuất nguồn gốc… dự kiến sẽ được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị lớn tại Hàn Quốc.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất Thương mại, Dịch vụ Nông nghiệp macca Ea H’leo Nguyễn Văn Bình cho biết thương hiệu “Macca Ea H’leo” được xây dựng bằng 3 trụ cột chính là tình cảm, nhãn hiệu và chất lượng.

Việc phát triển thương hiệu và xuất khẩu hạt macca là hướng đi đúng đắn của hợp tác xã với tiềm năng thị trường đang rộng mở.

Để ký kết được hợp đồng xuất khẩu chính ngạch hạt macca sang thị trường Hàn Quốc, hợp tác xã đã chuẩn chỉ tất cả các khâu chăm sóc, thu hái, chế biến theo quy trình chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hóa đơn chứng từ đầy đủ, các thông số kỹ thuật đòi hỏi có tính chính xác cao.

Trước đó, ngày 1/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ nông trại EDE (MISS EDE) tổ chức Lễ xuất khẩu container càphê rang xay thành phẩm đầu tiên với kích thước 20 feet, gồm 18.000 gói càphê rang xay thành phẩm của thương hiệu MISS EDE đến thị trường Hoa Kỳ. Càphê được sơ chế theo quy trình lên men đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ.

Ông Hoàng Danh Hữu, Nhà sáng lập thương hiệu, Giám đốc điều hành MISS EDE, chia sẻ sự kiện là bước ngoặt quan trọng của đơn vị, cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất của thị trường Hoa Kỳ - một thị trường rất khó tính.

Để thuyết phục được đối tác Hoa Kỳ nhập khẩu, MISS EDE phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nước sở tại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tiên phong trong việc tìm kiếm và nhập mua các sản phẩm cà phê đến từ vùng canh tác bền vững.

Cụ thể, nguyên liệu càphê được trồng tại vùng canh tác bền vững không xâm lấn rừng tự nhiên, đạt chứng nhận EUDR và được quản lý bởi Simexco DakLak.

Có thể nói, năm 2024, các doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh Đắk Lắk đã tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ra nhiều sản phẩm mẫu mã mới; đồng thời chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu và tận dụng tốt các cơ chế, chính sách, nhất là từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.

Giá các mặt hàng nông sản như càphê, hồ tiêu, sầu riêng… tăng cao, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngoài ra, sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới, mặt hàng mới tham gia xuất khẩu chính ngạch cũng là những kết quả nổi bật trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, toàn huyện có 8.113 ha sầu riêng, diện tích cho sản phẩm là 4.037 ha, tổng sản lượng thu hoạch năm 2024 ước 92.016 tấn.

Xuất khẩu nông sản của huyện năm 2024 đạt kết quả cao, sầu riêng của huyện đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác. Bên cạnh đó, năm 2024, huyện Krông Pắc là địa phương đầu tiên của tỉnh có lô hàng yến sào xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc.

Trên cơ sở đạt được, huyện tiếp tục chỉ đạo để việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực thật sự bền vững và phát triển, đảm bảo chất lượng đến tận tay người tiêu dùng.

Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết, về xuất khẩu, năm 2024, đơn vị đạt doanh số 350 triệu USD; trong đó xuất khẩu càphê đạt 250 triệu USD, xuất khẩu hồ tiêu đạt 100 triệu USD.

Năm 2025, Simexco Daklak đặt mục tiêu doanh số xuất khẩu đạt 500 triệu USD. Việc doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đã góp phần đáng kể trong việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục song hành, liên kết với bà con nông dân để khẳng định chất lượng, thương hiệu, gia tăng sản lượng, đảm bảo giá trị xuất khẩu bền vững và lâu dài.

Trong bối cảnh giá cả nông sản đều tăng cao, đặc biệt giá cà phê và hồ tiêu liên tục thiết lập đỉnh giá mới, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Đắk Lắk đang nỗ lực khắc phục khó khăn, có kế hoạch dự trữ nguyên liệu, kế hoạch đổi mới cải tiến công nghệ; đồng thời linh hoạt ứng phó, tìm giải pháp cung ứng nguồn vốn để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Từ kinh nghiệm năm 2024 và uy tín thương hiệu, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng mới của năm 2025 và hiện không đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của đối tác.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Banana Brothers Farm cho hay, doanh nghiệp hiện có trên 100 ha chuối được trồng bằng phương pháp cấy mô công nghệ cao, thiết kế theo ô bàn cờ tại huyện M’Drắk.

Năm 2024, doanh nghiệp đã xuất khẩu 10.000 tấn chuối qua thị trường Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc với giá cả ổn định hơn so với các năm trước. Nhiều đối tác muốn ký hợp đồng mua bán dài hạn song hiện tại, sản lượng chuối của doanh nghiệp không đủ cung ứng.

“Để xuất khẩu bền vững, cần duy trì chất lượng, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, từ đó tạo uy tín, thương hiệu sản phẩm và có những khách hàng lớn, lâu dài. Năm 2024, doanh nghiệp vinh dự nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt, góp phần củng cố uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Năm 2025, doanh nghiệp dự định mở rộng thêm diện tích sản xuất để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu,” bà Lê Thị Mỹ Hạnh chia sẻ.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm