Đak Đoa ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và các nguồn vốn hỗ trợ khác, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Người dân chung sức làm đường
Làng Groi-Wêt (xã Glar) có khoảng 230 hộ đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống. Những năm trước, tuyến đường từ làng ra giọt nước và khu sản xuất của người dân đã được Nhà nước đầu tư bê tông hóa những đoạn đường đất khó đi nhất giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng nông sản thuận lợi hơn. Tuy nhiên, tuyến đường này vẫn còn 430 m là đường đất, đi lại khó khăn. Thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đầu tháng 12 năm nay, người dân trong làng họp và thống nhất đóng góp tiền, ngày công lao động tự thi công đoạn đường. Theo đó, hộ khá giả đóng góp khoảng 1,3 triệu đồng, hộ trung bình khá góp 1 triệu đồng, còn hộ khó khăn thì đóng 500 ngàn đồng. Sau khi thu được hơn 130 triệu đồng, bà con trong làng tự chia thành từng tổ mua vật liệu xây dựng về thi công. Chỉ mất hơn 1 tuần, đoạn đường đã hoàn thành trong niềm vui chung của mọi người. Ông Mênh cho biết: “Gia đình tôi đóng góp 1 triệu đồng và góp công lao động từ ngày khởi công đến lúc hoàn thành. Đến nay, mọi người đều rất phấn khởi khi vận chuyển hàng hóa ra khu sản xuất và ngược lại rất thuận lợi, không còn trơn trượt mỗi khi có đợt mưa lớn xuất hiện”.
Người dân làng Groi-Wêt cùng tham gia làm 430m đường bê tông. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân làng Groi-Wêt tham gia làm 430 m đường bê tông. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn tại làng O Yố (xã Ia Băng), đơn vị thi công cũng đang khẩn trương hoàn thành tuyến đường bê tông nông thôn dài 665 m để người dân đi lại thuận lợi trong dịp Tết năm nay. Ông Ning-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn O Yố-chia sẻ: Đoạn đường này là đường đất, vào mùa mưa bà con đi lại và vận chuyển hàng nông sản rất khó khăn. Năm nay, được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong làng rất tích cực hưởng ứng khi xê dịch hàng rào, hiến đất và đóng góp ngày công lao động để thi công con đường giúp việc đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.
Củng cố hạ tầng giao thông nông thôn
Theo thông tin từ UBND huyện Đak Đoa, thực hiện tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng NTM, năm 2022, toàn huyện triển khai làm 18,85 km đường giao thông nông thôn với kinh phí khoảng 21 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm các xã đến huyện đã được nhựa hóa; 87% đường trục thôn, làng và đường liên thôn được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận lợi; 63,45% đường ngõ xóm, làng sạch không lầy lội vào mùa mưa; 52,98% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Để đảm bảo người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2021 và năm 2022, huyện đã phân bổ cho các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và các xã đang thực hiện chương trình khẩn trương duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Ia Băng góp công làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân xã Ia Băng góp công làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Khó khăn hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế so với nhu cầu thực tế địa phương khi đăng ký làm đường giao thông nông thôn, đường ra khu sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động từ người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Các tuyến đường còn lại, dân cư thưa thớt, nền đường yếu, việc huy động vốn đối ứng cao nên khó triển khai. Ngoài ra, đường nội thôn, nội đồng còn lại lầy lội, xói mòn, hạn chế mặt bằng phải huy động người dân hiến đất, góp ngày công đào đắp nền đường, mở rộng mặt đường.
“Thời gian tới, huyện tập trung kết hợp nhiều nguồn vốn để phát triển hệ thống giao thông nông thôn đảm bảo theo tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng NTM; hình thành, mở rộng khu dân cư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Huyện cũng sẽ huy động mọi nguồn lực chung sức xây dựng NTM trên địa bàn, nhất là đối với những xã đăng ký đạt chuẩn NTM”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.