Đak Đoa quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Đak Đoa. Nhờ được đào tạo bài bản, nhiều lao động đã tự tin thực hành nghề, kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trước đây, anh Ksor Hlếch (làng Ngol, thị trấn Đak Đoa) không có nghề nghiệp ổn định, chỉ có thể đi làm thuê theo thời vụ để kiếm thêm thu nhập. Năm 2022, anh tham gia lớp đào tạo nghề hàn xì. Sau 3 tháng được “cầm tay chỉ việc”, anh hoàn thành khóa học. “Từ đó đến nay, bà con trong làng thường xuyên thuê tôi làm những việc liên quan đến hàn xì. Tôi cũng đi làm thêm ở các nơi khác, thu nhập khá hơn so với lúc đi làm cỏ, hái cà phê thuê”-anh Hlếch bày tỏ.

Trước đây, mảnh vườn sau nhà của chị Nhơ (làng Ngol) để cỏ dại mọc um tùm. Từ tháng 6-2023, sau khi tham gia lớp đào tạo trồng rau an toàn, chị đã có thêm thu nhập từ mảnh vườn này. Chị chia sẻ: “Sau khi tham gia học trồng rau an toàn, tôi biết cách làm đất, lên luống, xuống giống cũng như chăm sóc vườn rau. Hiện nay, ngày nào gia đình cũng có rau xanh để ăn và còn dư để bán, có thêm đồng ra đồng vào”.

Các học viên lớp học nghề trồng rau an toàn tại làng Ngol (thị trấn Đak Đoa) thực hành trồng rau. Ảnh: Thu Trang

Các học viên lớp học nghề trồng rau an toàn tại làng Ngol (thị trấn Đak Đoa) thực hành trồng rau. Ảnh: Thu Trang

Thực hiện Tiểu dự án 3-Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022, huyện Đak Đoa được phân bổ hơn 1,9 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Tính đến ngày 20-10-2023, huyện đã giải ngân được gần 743 triệu đồng, đạt 37,54% kế hoạch. Trong đó, gần 723 triệu đồng giải ngân hỗ trợ đào tạo nghề với 11 lớp, 326 học viên. Bên cạnh đó, huyện cũng đang xây dựng 4 mô hình đào tạo nghề tại 3 xã Hneng, Kdang, Ia Băng và thị trấn Đak Đoa. Năm 2023, huyện tiếp tục được phân bổ hơn 12 tỷ đồng. Hiện các đơn vị, địa phương đang xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện đang mở 5 lớp đào tạo nghề cho 165 lao động tại các xã Glar, Ia Băng, Ia Pết, Kdang với nghề nề, hàn, cắt may, nuôi và phòng bệnh cho heo.

Bà Phạm Thị Thu Trang-công chức Lao động-Thương binh và Xã hội thị trấn Đak Đoa-cho hay: Qua rà soát nhu cầu học nghề của người dân, trong 2 năm qua, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở 2 lớp đào tạo nghề hàn xì và trồng rau an toàn cho 55 học viên. Hầu hết học viên đều rất hào hứng và tham gia các lớp đào tạo nhiệt tình, đầy đủ. Đặc biệt, sau khi hoàn thành khóa học, nhiều học viên có thể hành nghề kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa, từ năm 2021 đến ngày 30-5-2023, toàn huyện có 3.413 lao động được đào tạo nghề. Trong đó có 152 lao động được đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 380 học viên được đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo nghề trình độ sơ cấp tại các xã, thị trấn cho 527 lao động; Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đặt hàng đào tạo nghề với 269 lao động. Đặc biệt, có 2.085 người lao động tự tham gia học nghề và được các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề phù hợp với vị trí công việc khi được tuyển dụng. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt 48,6%.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: Những năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức. Số lượng lao động tham gia đăng ký học nghề ngày càng tăng. Người lao động nhận thức đúng đắn về việc tham gia học nghề cho bản thân, góp phần nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề.

Đặc biệt, công tác phối hợp trong triển khai đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Mặt trận và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong cộng đồng về chủ trương, chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nói chung và lao động là người dân tộc thiểu số nói riêng để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm hàng năm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với cơ cấu ngành nghề của từng địa phương, gắn với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

“Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thống kê nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đào tạo nghề; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động tham gia học nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho lao động là người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo nghề, giúp bà con có tay nghề vững chắc, kiếm được thu nhập ổn định từ nghề”-bà Nga nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.