Đại ngàn ly kỳ truyện: Rể quý tặng quan tài cho bố vợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu nghe đến tập tục này, nhiều người hẳn rất kinh ngạc. Nhưng một khi hiểu hết cái bụng của những chàng rể Cơ Tu, ta sẽ nhận ra đấy là hành động đáng trân quý…
“Căn nhà cuối cùng” của đời người
Thoạt tiên nghe về tập tục này, tôi mang theo rất nhiều nghi vấn đến nhờ ông Bhríu Hùng, Trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang (Quảng Nam), giải đáp. Ông cười xòa: “Chuyện thật chứ. Ai lại dám mang t’rang (quan tài) ra đùa. Năm ngoái tôi mới tặng cho bố vợ một cỗ quan tài đấy… Nghệ nhân trong làng phải làm cả tháng mới xong”. Để không bị coi là “múa rìu qua mắt thợ”, ông Hùng khuyên tôi đến gặp già làng Bhríu Pố (73 tuổi, trú tại thôn A Rấh, xã Lăng).
Vì dịch Covid-19 ở xã phức tạp, già Pố đã một mình chuyển về sinh sống ở nhà duông (nhà sàn trên rẫy) như một người ở ẩn trong rừng sâu. Thấy khách hỏi chuyện rể tặng t’rang cho nhà vợ, già Pố vui lắm. Già bảo đó là nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu, không phải ai cũng biết.
“Từ bao đời nay, trong quan hệ sui gia, người Cơ Tu chúng tôi thường tặng cho nhau những lễ vật quý. Chàng rể thảo là người mà trong tâm trí luôn muốn tạ ơn bố mẹ vợ đã sinh ra con gái để họ lấy về làm vợ. Và quan tài là lễ vật quý giá nhất trong những thứ mà người con rể làm sính lễ trong ngày cưới. Người Cơ Tu ví quan tài là đông chia rỉa, có nghĩa là “căn nhà cuối cùng” của đời người”, già Pố lý giải.

Chàng rể quý là người tự mình đi tìm gỗ để làm quan tài tặng bố vợ. Ảnh: Hoàng Sơn
Chàng rể quý là người tự mình đi tìm gỗ để làm quan tài tặng bố vợ. Ảnh: Hoàng Sơn
Quan niệm “sống có nhà, chết cũng có nhà” nên đồng bào Cơ Tu không kiêng cữ trong việc cho và nhận quan tài. Có chăng là thời điểm mang tặng quan tài khác nhau thì nhà gái sẽ có cách ứng xử khác nhau mà thôi. Ông Bhríu Hùng cho biết đối với những chàng rể có điều kiện, khi cưới vợ có thể poi t’rang (tặng quan tài) cho bố mẹ vợ cùng lễ vật cưới. Chàng rể nào không có điều kiện thì có thể tặng quan tài vào các dịp khác, nhất là khi thấy bố mẹ vợ già yếu. Lúc đó, chàng rể phải sắm thêm lễ, trong đó có con heo phải nặng 80 kg trở lên cùng chum, ché, mã não, hạt cườm... “Cũng là người Cơ Tu nhưng tùy từng xã, tùy từng vùng mà quan tài sẽ được đặt luôn dưới nhà sàn hoặc có thể làm riêng căn chòi để cất giữ”, ông Hùng nói.
Già Bhríu Pố cũng bảo rằng cách cho và nhận có thể khác nhau, nhưng cái bụng của ông bố vợ nào cũng giống nhau khi nhận được cỗ quan tài. Nhà gái khi thấy được tấm lòng của chàng rể sẽ vô cùng cảm kích. “Sinh ra từ rừng, chết được ấp ủ trong cây rừng thì ai cũng ưng. Bởi vậy, chàng rể mà lo được “căn nhà cuối cùng” cho bố thì đó là chàng rể không thể hiếu thảo hơn”, già Pố nói.
T’rang càng đẹp, tấm lòng càng cao quý
“Người Cơ Tu không bắt buộc con rể phải tặng quan tài cho nhà vợ, vì hoàn cảnh kinh tế mỗi người mỗi khác. Ngày nay, rể có điều kiện mua gỗ để tặng thì tốt rồi. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu người đó dù có nghèo khó vẫn giữ tấm lòng hiếu thảo, tự tay làm quan tài để mang đi tặng”, già Bhríu Pố tiếp tục câu chuyện.
Từ xa xưa, thông qua việc tặng quan tài mà người Cơ Tu có thể đánh giá được người con rể có tính rộng rãi hay keo kiệt, người tài hoa hay chỉ là mẫu đàn ông đơn giản… A Lăng Blay (25 tuổi, ở thôn Arec, xã A Vương) tự nhận mình thuộc týp đàn ông kém khiếu mỹ thuật. Blay mới lấy vợ, nhân lễ Choọt a bloo (lễ tách khẩu bên nhà gái đi làm dâu) lên rừng tìm gỗ mang về làm quan tài tặng bố vợ. Vì không có điều kiện thuê thợ cưa xẻ, đục đẽo, một mình anh tự làm cỗ quan tài, mất gần 3 tuần lễ mới xong. Khi đem tặng bố vợ, anh nhận được lời tán dương về sự hiếu thảo.
Như lý giải của già Bhríu Pố, một khi đã có thành ý thì dù có qua bao con suối, cắt bao cánh rừng, người con rể vẫn bất chấp hiểm nguy để kéo gỗ về. “Chàng rể đó cũng chứng minh cho mọi người thấy anh là người khỏe mạnh. Vì có đôi chân rắn chắc để đi đến những cánh rừng, đôi vai dẻo dai để kéo thân gỗ lớn về làm quan tài”, già Pố nói.

Con rể biết làm quan tài đẹp, đậm chất nghệ thuật truyền thống Cơ Tu sẽ được cộng đồng đánh giá cao. Ảnh: PƠLOONG PLÊNH
Con rể biết làm quan tài đẹp, đậm chất nghệ thuật truyền thống Cơ Tu sẽ được cộng đồng đánh giá cao. Ảnh: PƠLOONG PLÊNH
Dù vậy, hôm cả làng kéo đến xem Blay tặng quan tài cho bố vợ, không nói ra nhưng nhiều người có thể nhận thấy anh “ít hoa tay” vì quan tài khá đơn giản. Già A Lăng Hot (63 tuổi, trú xã Bha Lêê) cho biết cỗ quan tài thường được chia làm 2 phần, hòm cái là nửa trên, bé hơn hòm đực ở nửa dưới. “Ngày nay, chàng rể nào tự tay đục được lõi cây ra làm đôi rồi khoét phần hòm vừa người nằm đã là giỏi lắm rồi. Nhưng cái bụng người bố vợ sẽ ưng hơn nữa nếu quan tài được trang trí những bức phù điêu, tạc những linh vật đẹp mắt”, già Hot nói.
Cách trang trí trên quan tài phụ thuộc vào tư duy thẩm mỹ của mỗi chàng rể. Nhưng thường thì các chàng rể tạc đầu trâu ở 2 đầu quan tài. Nét chạm càng tinh xảo thì càng nhận được nhiều lời khen ngợi của người làng. Nhà vợ cũng lấy đó làm tự hào khi có chàng rể vừa t’mat (sống hào phóng) vừa có đôi tay điệu nghệ. “Chúng tôi gọi đó là poi ca điên, tức là tấm lòng không có cái đáy. Nhà nào có chàng rể như thế thì đúng là quá hãnh diện”, già Hot nói.
Phải tôn thờ “mế rừng”
Theo tập tục của người Cơ Tu, quan tài phải là thứ gỗ rất tốt. Từ cây gỗ đó, người ta phải đẽo hết phần giác, chỉ lấy phần lõi. Bởi vậy, cần những thân cây có đường kính rất lớn mới có được phần lõi đủ để đục được chỗ vừa một người trưởng thành nằm lọt.
“Người Cơ Tu tôn thờ “mế rừng” (thần rừng), lại có tục không được chặt cổ thụ, thì lấy đâu ra cây lớn để làm quan tài?”, tôi hỏi. Anh Pơloong Plênh, cán bộ Phòng VH-TT H.Tây Giang, gật đầu: “Đúng là đồng bào chúng tôi bao đời nay luôn tôn thờ “mế rừng”, nên để có cây lớn làm quan tài thì phải vào rừng đi tìm những cây ngã đổ hoặc những cây mục lâu năm chỉ còn lại phần lõi. Chặt cây lớn là phạm những điều kiêng kị”.
Pơloong Plênh bảo, chàng rể muốn tặng quan tài cho bố vợ phải chọn 1 trong 3 loại gỗ: dổi, k’gir và sơn huyết. Bất luận thế nào đó phải là cây ngã đổ, đã khô và con mối, con mọt muốn “ăn” cũng không đục được. Nhiều cụ già tại làng Tà Làng (xã Bha Lêê, H.Tây Giang) kể thời kháng chiến chống Mỹ, một vạt rừng sơn huyết bị rải chất độc, cây chết khô. Từ đó trở đi người dân địa phương mới dám vào chặt hạ cây để làm quan tài, nhưng với điều kiện phải làm lễ cúng và chỉ xin một khúc vừa đủ cỗ quan. Ngày nay, khi những cây gỗ quý dần khó tìm thì các chàng rể phải cất công vào những cánh rừng sâu, chủ yếu để tìm gỗ dổi.
Trở lại câu chuyện Trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang Bhríu Hùng tặng quan tài cho bố vợ. Năm trước, khi thấy bố vợ già yếu, ông thuê người mua gỗ về làm quan tài, như thể hiện cái tình dành cho người sinh thành vợ mình và cũng để tránh sự bối rối khi hữu sự. “Tôi cho rằng tặng quan tài là nét văn hóa tốt đẹp, nhân văn, đáng để đồng bào Cơ Tu chúng tôi gìn giữ”, ông Hùng chia sẻ. (còn tiếp)
Kỳ lạ tục dời mả, để quan tài lộ thiên
Dọc từ trung tâm H.Tây Giang (Quảng Nam), hai bên đường có nhiều nhà mồ được dựng tập trung. Bên trong nhà mồ có những cỗ quan tài được đặt trên mặt đất; bên trên có mái che, xung quanh có tường quây kín cao chừng 50 cm. Nhà mồ được trang trí nhiều hình vẽ, bức tượng bắt mắt với các màu đỏ, đen, trắng.

Người Cơ Tu có tục dời mả và để cỗ quan tài lộ thiên, có mái che. Ảnh: Hoàng Sơn
Người Cơ Tu có tục dời mả và để cỗ quan tài lộ thiên, có mái che. Ảnh: Hoàng Sơn
Nhiều người Cơ Tu cho biết tục dời mả được thực hiện với người đã chôn cất từ 5 năm trở lên, hoặc khi chuyển làng đến nơi mới. Ngày dời mả, dân làng tập trung làm từ sáng sớm và phải hoàn thành trong 1 ngày. Khi dời mả xong, người ta tắm rửa hài cốt rồi cho vào quan tài, để lộ thiên, bên trên có mái che. Xong xuôi, người Cơ Tu mở hội hiến trâu và suốt đêm vui với vũ điệu tâng tung da dá.
Theo Hoàng Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.