Theo phóng viên tại New York, bất chấp sự tẩy chay của Mỹ, các quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 13-7 đã bày tỏ sự tán thành đối với hiệp ước toàn cầu về di cư, đồng thời cam kết thúc đẩy sự hợp tác để xử lý làn sóng di cư đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.
Cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đây sẽ là văn kiện quốc tế đầu tiên về kiểm soát hoạt động di cư. Hiệp ước đề ra 23 mục tiêu để đảm bảo các hoạt động di cư hợp pháp, đồng thời quản lý tốt hơn dòng người di cư toàn cầu trong bối cảnh số người này đã lên tới 250 triệu, chiếm tới 3% dân số thế giới.
Các cuộc đàm phán về hiệp ước đã kéo dài suốt 18 tháng, vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp với việc một số chính phủ kiên quyết trả những người di cư không có giấy tờ đăng ký cư trú hợp lệ về nơi xuất xứ của họ.
Theo dự kiến, Hiệp ước sẽ chính thức được thông qua tại một hội nghị ở Maroc diễn ra từ ngày 10-11/12 tới.
Trong một diễn biến khác liên quan, những tranh cãi về vấn đề người di cư lại có nguy cơ nổ ra giữa Italy và Malta sau khi Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini ngày 13-7 cho biết sẽ không cho phép một tàu cứu hộ chở 450 người di cư cập cảng nước này tại đảo Lampedusa.
Theo Bộ Ngoại giao Italy, con tàu trên chở những người di cư cần được hỗ trợ khẩn cấp, đã yêu cầu nhà chức trách giúp đỡ khi đang ở trong lãnh hải của Malta.
Theo lý, Malta phải cử lực lượng Hải quân tới để hỗ trợ vì tàu đã đi vào vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Tuy nhiên Malta đã không làm như vậy, mà đề nghị Hải quân Italy giúp đỡ.
Trước đó, Bộ trưởng Vận tải và Cơ sở hạ tầng của Italy Danilo Toninelli cũng cho biết theo luật hàng hải, trong những trường hợp như vậy, Malta sẽ phải cử các tàu cứu hộ và mở cửa các cảng biển để hỗ trợ các tàu cứu hộ người di cư.
Theo ông Toninelli, Hải quân Italy sẵn sàng hỗ trợ cho những tàu này, nhưng trước tiên, Malta phải tròn bổn phận của mình.
Theo TTXVN/Vietnam+