Đã từng có mô hình giáo dục như thế!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ nhắc đến chuyện đã từng có ban tuyển sinh và nhà trường đặc thù ở huyện vùng biên là Chư Păh cũ thì chắc ít ai tin bởi giáo dục cấp huyện thì chỉ có mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Thế nhưng, mô hình này đã từng xuất hiện và hoạt động trong mấy năm liền ở huyện này.

Khoảng giữa năm học 1983-1984, tôi được Chủ tịch UBND huyện Chư Păh bấy giờ là ông Ksor Tuyên điều từ Trường Phổ thông cơ sở thị trấn về huyện làm công tác tuyển sinh, biên chế vào Ban Tổ chức chính quyền. Đối tượng tuyển sinh ở huyện lúc này phần lớn là những học sinh đã tốt nghiệp cấp II. Hình thức tuyển sinh là thi tuyển hoặc xét tuyển, cử tuyển để vào học các trường thuộc hệ trung cấp như: nông nghiệp, sư phạm, xây dựng, ngân hàng, lâm nghiệp... và cả một số trường ở phía Bắc như: Hà Nam Ninh, Hà Tây, Thái Bình cũng tuyển sinh tận Tây Nguyên. Mỗi khi có trường thông báo tuyển sinh, chúng tôi lại tiếp tục thông báo xuống các xã, thị trấn, sau đó tập hợp hồ sơ để đưa ra hội đồng tuyển sinh huyện duyệt.

Sau khi hội đồng duyệt xong, tôi làm danh sách trích ngang trình Chủ tịch UBND huyện ký rồi trực tiếp mang hồ sơ đến các trường ở thị xã Kon Tum hoặc nộp lên Ban Tuyển sinh tỉnh. Bấy giờ, mạng lưới giao thông trong tỉnh còn chưa thông suốt, từ thị trấn huyện Chư Păh đi thị xã Kon Tum phải 2 lần đón xe và chờ khá lâu. Mỗi lần đi và về mất 2 ngày. Ngoại trừ các trường tổ chức thi tuyển còn có thí sinh rớt, các trường xét tuyển hoặc nhận học sinh cử tuyển thì hầu như đều được vào học. Hình thức tuyển sinh này chỉ tồn tại khoảng 3-4 năm, sau đó đã giải thể.

Đầu năm 1986, tôi trở lại ngành Giáo dục cũng vừa lúc huyện yêu cầu thành lập một trường mang tính đặc thù là bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục. Vậy là, tôi được Chủ tịch UBND huyện Chư Păh bổ nhiệm hiệu trưởng cùng lúc với quyết định thành lập trường. Trường bấy giờ sử dụng chung cơ sở với Phòng Giáo dục. Bộ khung năm ấy gồm 5 người. Nhiệm vụ chủ yếu trong năm học là tổ chức 1 kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở huyện, 2 đợt kiểm tra toàn diện các nhà trường trong huyện và mùa hè thì lên tỉnh tiếp thu chuyên đề để về truyền đạt lại cho giáo viên toàn huyện trong đợt học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị hè.

Trong các đợt kiểm tra trường, thường là điều thêm một số hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên giỏi chuyên môn để thành lập đoàn. Còn nhớ những năm ấy, đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn. Chúng tôi di chuyển đến các trường bằng xe đạp. Xe nào cũng buộc phía sau lỉnh kỉnh nào gạo, chăn màn bởi nhiều trường cách xa trung tâm huyện 60-70 km như các xã phía Tây: Ia O, Ia Chía, Ia Dơk, Ia Krêl… đường giao thông rất khó khăn, đi và về phải mất vài ngày. Các xã phía Đông Bắc như: Ia Khươl, Ia Phí, Ia Mơ Nông, Hòa Phú… thì phải đi ngược ra thị xã Pleiku rồi vòng lên cũng đạp xe mất cả buổi. Chỉ có các trường gần như Trường Phổ thông cơ sở Nông trường Ia Grai, Phổ thông cơ sở Ia Dêr, Ia Pếch, Ia Hrung mới có thể đi về trong ngày.

Những năm ấy, tuy đồng lương của giáo viên còn thấp và chưa có các chế độ đứng lớp, chế độ thâm niên như bây giờ, song hầu hết giáo viên buộc phải nghiêm túc thực hiện quy định của ngành về soạn giáo án, sử dụng đồ dùng dạy học khi lên lớp và đều có các loại sổ sách bắt buộc như sổ tích lũy kinh nghiệm, sổ dự giờ thăm lớp, sổ chủ nhiệm... Mỗi khi xuống trường, tôi quán triệt các thành viên trong đoàn kiểm tra cần quan tâm đến chất lượng tiết dạy trên lớp của giáo viên là chính, còn thì phiên phiến việc kiểm tra sổ sách, giáo án… bởi các thầy cô bám trường, bám lớp để dạy học trong khi đời sống quá khó khăn đã là thành tích tốt rồi.

Đi coi thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng vất vả không kém. Tôi vẫn còn nhớ lần làm nhiệm vụ ở Hội đồng thi huyện Chư Prông. Cả đoàn đi mấy chặng xe đến nơi thì đã đói rã người. Nghiệt nhất là đoạn đường từ thị trấn huyện ra thị xã Pleiku và từ Nông trường chè Bàu Cạn vào thị trấn huyện Chư Prông còn là đường đất nên sau khi xuống xe đò thì quần áo, đầu tóc các thành viên trong đoàn đều nhuộm một màu bụi đỏ bazan.

Mấy năm sau do hoàn cảnh gia đình nên tôi xin chuyển công tác xuống Trường Phổ thông cơ sở Ia Dêr. Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục cũng giải thể. Thời gian sau, huyện thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên hoạt động cho đến bây giờ.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.