Cựu thanh niên xung phong huyện Đức Cơ thi đua phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã tròn 10 năm kể từ ngày Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Đức Cơ, Gia Lai được thành lập. Phát huy truyền thống, những cựu TNXP luôn khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống bằng cách chủ động thay đổi mô hình sản xuất, cần mẫn lao động để xây dựng cuộc sống mới.
Ông Đoàn Thiết Giáp-Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện-cho biết: Khi mới thành lập, Hội Cựu TNXP huyện Đức Cơ có 203 hội viên, trong đó có 55 hộ nghèo. Thế nhưng đến nay, toàn huyện chỉ còn 7 hộ thuộc diện nghèo và đây đều là những trường hợp neo đơn, già cả. Những năm qua, Hội đã triển khai nhiều phong trào hiệu quả, trong đó có phong trào “Hội viên giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. Đến nay, toàn huyện có 8 hộ sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Số gia đình hội viên có mức thu nhập 100-300 triệu đồng/năm chiếm hơn 65%.
Các hội viên cựu TNXP trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất. Ảnh: N.S
Các hội viên cựu TNXP trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất. Ảnh: N.S
Có được thành quả trên là nhờ sự tương trợ lẫn nhau của các hội viên. Nhiều cựu TNXP đã chủ động thay đổi mô hình sản xuất, vừa đảm bảo cuộc sống vừa hỗ trợ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, hội viên Hội Cựu TNXP huyện Đức Cơ đã đóng góp xây dựng nguồn quỹ được 185 triệu đồng để cho hội viên khó khăn vay ưu đãi; đồng thời tặng 22 sổ tiết kiệm (trị giá 2-5 triệu đồng/sổ) cho hội viên khó khăn. Bản thân những hội viên khá giả cũng tích cực tham gia đóng góp để xóa nhà dột nát cho đồng đội.
Ông Hồ Đình Mai-Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị trấn Chư Ty là một trong những hội viên nhiệt tình, tâm huyết với các hoạt động đoàn thể, là tấm gương của sự cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình. Mặc dù đã 65 tuổi nhưng ông Mai vẫn tranh thủ chăm sóc 3 ha cà phê, 100 cây sầu riêng và 5 ao cá. Trong 35 năm lập nghiệp tại Đức Cơ, ông Mai đã vật lộn với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một cựu TNXP, ông không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm làm giàu. Ông Mai chia sẻ: “Tôi tham gia lực lượng TNXP năm 1972 làm nhiệm vụ tải lương, tải đạn, mở đường, san lấp hố bom ở vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị. Sau năm 1975, tôi tiếp tục tham gia bộ đội, đến năm 1980 thì xuất ngũ trở về quê hương xây dựng gia đình. Năm 1984, gia đình tôi chuyển vào Đức Cơ lập nghiệp. Từ 3 ha đất khai hoang, tôi tập trung trồng hồ tiêu, mỗi năm thu nhập trên 700 triệu đồng. Hai năm nay, khi cây hồ tiêu bị bệnh chết thì tôi chuyển sang trồng cà phê, cây ăn quả và đào ao thả cá. Hiện cà phê đã bắt đầu cho thu bói, riêng 5 ao cá mỗi năm gia đình tôi thu về 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi cũng thường xuyên giúp đỡ những đồng chí, đồng đội còn khó khăn bằng cách hỗ trợ sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất”.    

Ông Đoàn Thiết Giáp-Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đức Cơ: “Những ngày đầu vào Tây Nguyên lập nghiệp, đối mặt với bao khó khăn nhưng những cựu TNXP một lần nữa vượt qua. Họ đã tạo lập cuộc sống mới bằng nghị lực và ý chí của mình. Hiện nay, nhiều hội viên đã vươn lên khá giả. Chủ trương của các cấp Hội sắp tới là tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế, trở thành những tấm gương sáng trong các phong trào, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.

Ở thôn Thanh Tân (xã Ia Krêl), gia đình cựu TNXP Nguyễn Thị Tiến (67 tuổi) là một trong những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Từng phục vụ nhiều năm ở đường Trường Sơn, trở về với cuộc sống đời thường, dù tuổi đã cao nhưng bà Tiến vẫn luôn hăng say phát triển kinh tế hộ. Năm 1980, gia đình bà xung phong vào Đức Cơ xây dựng kinh tế mới. Những năm tháng ấy, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vợ chồng bà vẫn quyết tâm bám trụ trên vùng đất mới. Thành quả của những ngày lao động miệt mài ấy là một mô hình kinh tế vườn với các loại cây công nghiệp dài ngày. Hiện nay, mỗi năm gia đình bà thu trên 500 triệu đồng từ hơn 10 ha cà phê, điều. Bà Tiến cũng thường giúp đỡ những đồng chí, đồng đội còn khó khăn bằng cách hỗ trợ sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn xây dựng nhà ở. “Tuy tuổi cao nhưng ý chí của mỗi cựu TNXP chúng tôi không già. Đối với tôi, sau khi kinh qua những năm tháng chiến trường, được trở về lao động phát triển kinh tế là niềm hạnh phúc lớn lao nhất”-bà Tiến tâm sự.
Tại thôn Đức Hưng (xã Ia Nan), gia đình cựu TNXP Hoàng Thị Oanh (61 tuổi) cũng được nhiều người biết đến bởi tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu. Ngoài làm kinh tế giỏi, bà Oanh còn tích cực tham gia đóng góp, hưởng ứng các phong trào ở địa phương. Bà Oanh cho biết: Những năm sau giải phóng, bà tham gia lực lượng TNXP làm nhiệm vụ tải lương, tải đạn phục vụ chiến trường Campuchia. Khi bộ đội ta hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, bà trở về quê hương xây dựng gia đình và sau đó vào Đức Cơ lập nghiệp. Sau bao nhiêu năm nỗ lực, vợ chồng bà đã tạo dựng được mô hình kinh tế vườn cho thu nhập cao. “Lúc mới vào đây, vợ chồng tôi mua dê, bò để chăn nuôi. Sau khi dành dụm được ít vốn, tôi mua rẫy trồng điều và đến giờ thì cũng khá giả rồi. Hiện nay, gia đình tôi có 13 ha điều, mỗi năm cho thu nhập 300-500 triệu đồng”-bà Oanh chia sẻ.
 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.