Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Ðịnh: Lan tỏa từ nhận thức đến hành động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 15 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Ðịnh đã thực sự đi vào đời sống tiêu dùng của người dân. Từ nhận thức đến hành động, hàng Việt ngày càng được ưu tiên lựa chọn, chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế.

Sau hơn 15 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Ðịnh đã thực sự đi vào đời sống tiêu dùng của người dân. Từ nhận thức đến hành động, hàng Việt ngày càng được ưu tiên lựa chọn, chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế.

Hệ thống phân phối phủ rộng

Hiện nay, ngoài 4 trung tâm thương mại lớn (3 ở TP Quy Nhơn, 1 ở TX An Nhơn) và 8 siêu thị tổng hợp phân bố tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và một số huyện, toàn tỉnh còn có 12 chợ hạng I, 21 chợ hạng II và 151 chợ hạng III. Đây là hệ thống phân phối quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn có nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng đến với hàng Việt Nam. Ảnh: HẢI YẾN

Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn có nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng đến với hàng Việt Nam. Ảnh: HẢI YẾN

Tại các siêu thị Co.opmart, Go!, Winmart, MM Mega Market…, hàng Việt chiếm từ 65 - 97%. Ở các chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ này dao động từ 80% trở lên. Các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và sản phẩm OCOP địa phương ngày càng được tin dùng rộng rãi.

Chị Lê Thị Cẩm Tiên (TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Trước kia tôi thường mua hàng ngoại nhập, nhưng giờ đã chuyển sang dùng hàng Việt. Giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp và nguồn gốc rõ ràng khiến tôi yên tâm hơn”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Marketing Co.opmart Quy Nhơn, cho biết: “Hiện 95% hàng hóa tại siêu thị là sản phẩm Việt Nam. Trong đó, siêu thị dành khu vực trưng bày riêng cho hơn 40 sản phẩm OCOP của tỉnh và các mặt hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu như DULAH, Phong Nga, Sachi…, nhằm tăng cường nhận diện thương hiệu và kích cầu tiêu dùng nội địa”.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động tuyên truyền, các cấp, ngành, DN và địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của hàng Việt. Các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, xây dựng điểm bán hàng Việt, kết nối cung - cầu giữa DN với hệ thống phân phối…, được thực hiện xuyên suốt và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Hướng đến phát triển bền vững

Bà Nguyễn Thị Thanh Thoa, chủ cơ sở Trúc Quán (An Lão), cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của Sở Công Thương và huyện, chúng tôi đã xây dựng thành công 4 sản phẩm OCOP gồm tinh bột nghệ, mật ong rừng, viên nghệ mật ong rừng và chè dây. Việc được quảng bá rộng rãi giúp cơ sở nhận thêm nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động”.

Sở Công Thương cũng tích cực phối hợp với hơn 30 tỉnh, thành phố tổ chức hàng chục hội chợ, chương trình giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa. Đã có hơn 2.000 sản phẩm đặc sản, OCOP của Bình Định được giới thiệu đến các hệ thống phân phối lớn và sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, hàng Việt không chỉ đứng vững trong tỉnh mà còn vươn xa đến nhiều địa phương trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để cuộc vận động tiếp tục phát huy hiệu quả, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đồng thời hỗ trợ DN trong xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Sở Công Thương còn tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số, thương mại điện tử, giúp tiểu thương, DN địa phương tiếp cận các nền tảng kinh doanh mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào tiếp thị, mở rộng kênh bán hàng online.

Nhiều DN trong tỉnh đã duy trì chất lượng, cải tiến sản phẩm, khẳng định thương hiệu và đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền như: Công ty TNHH Mười Thu (TX An Nhơn), Công ty TNHH Phước An (Tuy Phước), Công ty CP Nước khoáng Quy Nhơn, Công ty CP sản xuất - thương mại - dịch vụ Tiến Phát, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), Công ty CP IPP Sachi (Hoài Nhơn), Công ty CP Gạch Tuy nen Bình Định (Tuy Phước).

Ông Nguyễn Đình Kha chia sẻ, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh đã khẳng định được tính thực chất và chiều sâu, từ đó lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Khi hàng Việt đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả và nguồn gốc rõ ràng, người tiêu dùng sẵn sàng ưu tiên lựa chọn.

Việc người Việt tin dùng hàng Việt không chỉ góp phần phát triển thị trường nội địa mà còn tạo động lực mạnh mẽ để DN trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế trên thị trường. Đó cũng là cách thiết thực nhất để thúc đẩy nền kinh tế tự lực, tự cường, phát triển bền vững từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng.

HẢI YẾN

Có thể bạn quan tâm

Giữ niềm tin cho gạo Việt

Giữ niềm tin cho gạo Việt

Việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tăng cường giám sát thị trường và xử lý nghiêm hành vi làm giả, làm nhái là nền tảng để khẳng định giá trị thực và bảo vệ uy tín gạo Việt trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.

null